Xơ Vữa Động Mạch Chi Dưới – Cẩn Thận Nguy Cơ Cắt Cụt Chân

Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới là một nguyên nhân thường gặp gây mất chức năng đi đứng của người bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh

Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới là gì?

Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới là một bệnh thường gặp trong chuyên khoa về bệnh của động mạch và tĩnh mạch. Căn bệnh này chiếm khoảng 7%  ở người có độ tuổi từ 60-69 tuổi, 12,5% ở độ tuổi từ 70-79 tuổi và chiếm lên đến trên 23% ở độ tuổi trên 80.

Các mảng xơ vữa này cũng chính là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh hẹp, tắc nghẽn chi dưới mạn tính. Có thể ví các động mạch dẫn máu tương tự như một hệ thống các ống với kích thước khác nhau, dẫn máu từ tim đến để nuôi các cơ quan và chi dưới kể từ vùng mông cho đến các ngón chân. Khi trong lòng động mạch bị hẹp tắc lại do hình thành các mảng xơ vữa, lượng máu đến nuôi chân giảm đi, khi đến một mức độ nào đó sẽ  gây tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng chân ở các mức độ khác nhau.

Những đối tượng nào dễ mắc bệnh xơ vữa động mạch chi dưới?

Các nghiên cứu chưa khẳng định được nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch chi dưới, nhưng đã chỉ ra rằng có những yếu tố nguy cơ thúc đẩy việc hình thành những mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Đó là những đối tượng: Những người lớn tuổi; hút thuốc lá, thuốc lào; có các bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu; lối sống tĩnh tại, ít vận động và trong gia đình có người bệnh bị bệnh xơ vữa động mạch hay hẹp tắc động mạch mạn tính.

Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới gây tắc nghẽn mạn tính thường biểu hiện như thế nào?

Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới sẽ tiến triển dần dần qua các giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn 1 ( Hay còn gọi là giai đoạn sớm):

Thường không có biểu hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng không rõ ràng.

Giai đoạn 2:

Biểu hiện bằng triệu chứng đau cách hồi, đây là hiện tượng đau xuất hiện ở vùng cẳng chân hoặc ở mông khi người bệnh đi được một đoạn đường, buộc người bệnh phải đứng lại nghỉ ngơi vài phút rồi mới có thể đi lại tiếp, đi tiếp một đoạn đường giống như vậy, hiện tượng đau lại xuất hiện. Đây là một dấu hiệu rất thường gặp trong giai đoạn này của bệnh. Đoạn đường người bệnh đi được trước khi xuất hiện đau ngắn hay dài sẽ tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Nếu đoạn đường đi được nhỏ hơn 200 mét thì được gọi là đau cách hồi nặng.

Giai đoạn 3:

Biểu hiện đau liên tục kể cả lúc nghỉ, nhất là về đêm, và đau nhiều ở các ngón chân và bàn chân. Người bệnh thường mất ngủ hoặc là ngủ với tư thế để chân buông thõng ngoài gường vì ở tư thế này bệnh nhân sẽ đỡ đau hơn.

Giai đoạn 4

Nếu không khám xét và điều trị hiệu quả, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng nhất là giai đoạn 4, các ngón chân hoặc bàn chân sẽ bị hoại tử hoặc loét không lành được.

Giai đoạn 3 và 4 được gọi là giai đoạn thiếu máu chi dưới nguy kịch, đây là biểu hiện của một tình trạng bệnh tắc động mạch chi dưới rất nặng, với nguy cơ cắt cụt chi cao nếu không được điều trị kịp thời.

Nguy cơ cắt cụt chi và biến chứng nguy hiểm

Nguy cơ biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch chi dưới bao gồm biến chứng tại chỗ và toàn thân. Biến chứng tại chỗ là người bệnh có nguy cơ cắt cụt chân do hoại tử vì tắc mạch, không cấp được máu đến nuôi dưỡng vùng sau đoạn chân bị tắc mạch. Bên cạnh đó, động mạch là một hệ thống phân bố khắp cơ thể nên ngoài động mạch chi dưới bị xơ vữa thì, tất cả các động mạch khác trong cơ thể cũng có nguy cơ bị tắc do các mảng xơ vữa, đặc biệt là động mạch vành nuôi tim (gây nhồi máu cơ tim), động mạch cảnh nuôi não (gây tai biến mạch máu não), động mạch thận (gây suy thận, tăng huyết áp)…Các biến chứng này hết sức nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

Giải pháp điều trị xơ vữa động mạch chi dưới như nào cho hiệu quả?

Tùy theo giai đoạn bệnh, có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Trong giai đoạn sớm

Người bệnh có thể điều trị nội khoa bằng các thuốc ức chế kết tập tiểu cầu như thuốc Aspirin, Clopidogrel (Plavix), thuốc giảm mỡ máu nhóm statin và thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển. Kết hợp điều chỉnh lại lối sống, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như bỏ hút thuốc, luyện tập thể dục đều đặn 30-60p mỗi ngày, kiểm soát tốt các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu đi kèm.

Trong giai đoạn nặng

Từ giai đoạn đau cách hồi với đoạn đường đi được dưới 200 mét thì cần cân nhắc phương pháp phẫu thuật để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và hạn chế cắt cụt chi.. Có 02 phương pháp phẫu thuật: can thiệp nội mạch và mổ mở.

Phương pháp can thiệp nội mạch là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, gây đau ít. Thực hiện luồn một dây ở đầu có bóng nong từ động mạch đùi, đưa bóng đến đoạn động mạch bị hẹp và tiến hành nong, sau đó có thể đặt vào vị trí vừa nong một chiếc stent, có tác dụng như một giá đỡ, giúp cho động mạch không bị hẹp lại. Tuy nhiên hạn chế của  phương pháp này chỉ giải quyết được 1 điểm hẹp trong lòng động mạch, có nguy cơ tái hẹp cao và chi phí khá đắt.

Trong trường hợp tắc động mạch chi dưới nhiều nơi, tắc trên đoạn dài, phức tạp, thì phẫu thuật bắc cầu động mạch cũng phương pháp điều trị thường được các bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên đây là phương pháp phẫu thuật nặng và kéo dài.

Bài viết liên quan