Triệu Chứng, Chẩn Đoán Bệnh Hẹp Động Mạch Vành Do Xơ Vữa

Thiếu máu cơ tim cục bộ do xơ vữa gây hẹp, tắc động mạch vành là một trong những bệnh lý phổ biến ở nước ta, là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử do bệnh tim mạch. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những hiểu biết ban đầu và các triệu chứng, chẩn đoán về căn bệnh nguy hiểm này.

Xơ vữa động mạch vành là gì?

Xơ vữa động mạch vành là một tiến trình chậm chạp trong một thời gian dài, khởi đầu bằng thương tổn nội mạc dẫn tới quá trình tích tụ lipid (mỡ) và các đại thực bào trong thành mạch.

Hậu quả xơ vữa làm cho thành động mạch ngày càng dày lên, cứng lại và mất tính đàn hồi. Quá trình trải qua 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn mảng xơ vữa có những đặc điểm riêng. Sự rạn nứt hoặc vỡ của mảng xơ vữa sẽ hình thành huyết khối gây hẹp, hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch, là đặc trưng của giai đoạn 3-4. Xơ hóa gây hẹp lòng mạch là giai đoạn cuối cùng. Giai đoạn này người bệnh thường bị đau thắt ngực, có thể tiến triển đến tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành.

Hiện tượng lắng đọng can xi trong thành động mạch vành là một phần trong quá trình phát triển của xơ vữa động mạch, luôn hiện diện ở những người bệnh động mạch vành. Lắng đọng can xi làm thành động mạch vành trở nên xơ cứng, mất tính mềm mại.

Điều này ảnh hưởng đến chất lượng của phẫu thuật bắc cầu chủ vành (là phẫu thuật tim bằng cách sử dụng một đoạn mạch máu ghép từ hệ động mạch chủ tới động mạch vành sau chỗ hẹp tắc, nhằm mục đích cải thiện tưới máu cơ tim): khó đâm xuyên kim khâu qua thành mạch xơ cứng, kéo dài thời gian làm miệng nối, chất lượng miệng nối không đảm bảo. Trong những trường hợp vôi hóa nặng, bác sĩ phải bóc nội mạc động mạch vành xơ vữa.

Sinh lý bệnh

Ở những người bình thường, khi gắng sức, lưu lượng tuần hoàn động mạch vành có thể tăng lên 3-4 lần so với lúc nghỉ ngơi, nên đáp ứng được mọi nhu cầu oxy của cơ tim và thiếu máu cơ tim không xuất hiện. Đối với bệnh nhân xơ vữa động mạch, dòng chảy giảm do lòng mạch bị hẹp. Đồng thời, khả năng động mạch vành giãn ra để tăng cường lưu lượng bị hạn chế.

Dấu hiệu thiếu máu cơ tim xuất hiện tuỳ theo mức độ tổn thương động mạch vành. Khi một động mạch vành bị hẹp dưới 50% sẽ không ảnh hưởng đến dự trữ vành. Khi động mạch vành bị hẹp từ trên 50%, giảm dự trữ vành nên không đáp ứng đủ cho hoạt động gắng sức, có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo khi gắng sức. Khi động mạch vành bị hẹp trên 80%, các dấu hiệu thiếu máu cơ tim sẽ xuất hiện khi nghỉ ngơi.

Thông thường mức hẹp lớn hơn 50% được coi là có ý nghĩa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của bệnh còn phụ thuộc vào vị trí của động mạch vành bị hẹp. Nếu hẹp thân chung động mạch vành trái hơn 50% được coi là nguy cơ, và có chỉ định tái tưới máu. Nếu hẹp ở đoạn xa của các động mạch vành chính, mức hẹp có ý khi lớn hơn 70%.

Tùy theo mức độ nặng, diện tích vùng cơ tim, thời gian chịu thương tổn… sẽ gây ra những rối loạn ở cơ tim như:

  • khả năng co bóp của cơ tim giảm,
  • rối loạn vận động vùng,
  • thiếu máu gây hoại tử tế bào cơ tim không hồi phục (nhồi máu cơ tim),
  • thương tổn nhồi máu nặng trên diện rộng gây bệnh lý phồng các thành thất, thương tổn cơ nhú gây đứt dây chằng, cột cơ dẫn đến hở van, thương tổn thủng vách liên thất, rối loạn dẫn truyền.

Thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến tình trạng cơ tim ngủ đông (hay đông miên cơ tim – myocardial hybernation). Tế bào cơ tim thích nghi với tình trạng thiếu máu mạn tính bằng cách giảm sự co bóp, giảm chuyển hóa cho phù hợp với giảm lưu lượng tưới máu vành, duy trì khả năng sống của tế bào. Khi tình trạng thiếu máu được giải quyết như phẫu thuật bắc cầu mạch vành, cơ tim có thể khôi phục lại khả năng co bóp bình thường hoặc gần như bình thường.

Triệu chứng lâm sàng bệnh hẹp động mạch vành

Triệu chứng lâm sàng điển hình là cơn đau thắt ngực với các tính chất: đau sau xương ức, cảm giác như bị chẹn ngực, lan lên cổ, cằm và cánh tay (thường gặp tay trái). Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức, xúc động,…với thời gian thường không quá 10 phút.

Cơn đau thắt ngực có thể điển hình với các tiêu chuẩn: (1) Đau tức sau xương ức với tính chất và thời gian cơn đau điển hình, (2) Xảy ra khi gắng sức hoặc chấn động tâm lý, (3) Giảm khi nghỉ hoặc sử dụng Nitroglycerin.

Một số trường hợp không có biểu hiện đau thắt ngực, mà có các triệu chứng tương đương cơn đau: khó thở gắng sức, mệt. Cơn đau không điển hình khi chỉ có 2 trong 3 tiêu chuẩn trên. Những trường hợp đau ngực không do tim chỉ có 1 hoặc không có tiêu chuẩn nào.

Triệu chứng có thể đi kèm:

  • Khó thở,
  • vã mồ hôi,
  • buồn nôn,
  • nôn,
  • hoa mắt,
  • xanh tái.

Ngoài ra có thể gặp các tình huống như sau:

  • Hội chứng động mạch vành cấp: đau thắt ngực không ổn định, hay nhồi máu cơ tim cấp, có ST chênh lên hay không chênh lên (trên điện tâm đồ)
  • Bệnh động mạch vành mạn tính: cơn đau thắt ngực ổn định, cơn đau prinzmetal (đau thắt ngực xuất hiện tự nhiên không do gắng sức), thiếu máu cơ tim yên lặng
  • Biến chứng của bệnh: sốc tim; đột tử; tổn thương cấu trúc buồng tim, hệ thống van tim (thông liên thất, hở van hai lá, giả phồng, phồng thất trái,…)

Chẩn đoán bệnh hẹp động mạch vành

Điện tâm đồ

Khi động mạch vành bị hẹp, máu cung cấp cho vùng cơ tim bị giảm. Tình trạng thiếu máu tế bào làm thay đổi điện thế hoạt động, dẫn tới những biến đổi trên điện tim. Điện tâm đồ gắng sức cho phép phát hiện thương tổn thiếu máu khi điện tâm đồ thường quy không thấy rõ thương tổn.

Định lượng men tim

Khi tế bào cơ tim bị tiêu hủy, sẽ giải phóng các men vào máu làm tăng nồng độ trong máu. Việc định lượng các men tim này giúp cho việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, đánh giá việc bảo vệ cơ tim trong quá trình phẫu thuật, theo dõi hậu phẫu chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật.

Siêu âm tim

Siêu âm tim không khảo sát trực tiếp thương tổn tại động mạch vành, mà phát hiện các hình ảnh gián tiếp và hậu quả của thiếu máu cơ tim như:

  • rối loạn vận động vùng, hậu quả nhồi máu cơ tim,
  • đánh giá chức năng tâm thất,
  • phát hiện thương tổn đi kèm,
  • lượng định nguy cơ, tiên lượng, theo dõi điều trị.

Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (Multislice Computed Tomography)

Chụp cắt lớp vi tính đa dãy giúp:

  • Đánh giá thương tổn: mức độ hẹp, tình trạng mảng xơ vữa, mức độ vôi hoá động mạch vành thông qua việc tính điểm calci hoá, giúp tiên lượng và định hướng điều trị.
  • Phát hiện các bất thường giải phẫu động mạch vành.

Chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging)

Chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh trực tiếp động mạch vành, xác định vùng cơ tim bị thiếu máu, mức độ thương tổn, khả năng cơ tim còn sống.

Chụp xạ hình tưới máu cơ tim

Đây là phương pháp được áp dụng nhiều nhất trong chuyên nghành tim mạch học hạt nhân, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán bệnh động mạch vành.

Phương pháp chụp động mạch vành chọn lọc

Bác sĩ sẽ đưa các ống thông từ động mạch ngoại vi vào lỗ động mạch vành để chụp hình ảnh cây mạch với thuốc cản quang. Chụp động mạch vành chọn lọc cho phép đánh giá hình ảnh hệ động mạch vành thượng tâm mạc, phát hiện bất thường giải phẫu, thương tổn hẹp mạch. Đánh giá thương tổn hẹp động mạch vành trên phim chụp mạch, là cơ sở chỉ định điều trị can thiệp, phẫu thuật.

Bệnh động mạch vành do xơ vữa động mạch có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời. Nắm vững các dấu hiệu, hiểu biết về các phương pháp chẩn đoán bệnh sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh cho chính mình và cả những người thân trong gia đình.

Bài viết liên quan