Cảnh Báo Nguy Cơ Sức Khỏe Do Thừa Cân, Béo Phì Ở Người Cao Tuổi

Người cao tuổi có xu hướng béo phì tăng cao hơn các độ tuổi khác. Tuổi cao, nguy cơ mắc các bệnh lý nền cũng tăng, chính bởi vậy nếu đi cùng béo phì dễ gây ra các nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Vậy béo phì ở người cao tuổi có thể gây ra những biến chứng nào? cần phải làm gì để ngăn chặn?

Nguyên nhân gây thừa cân, béo phì ở người cao tuổi

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới béo phì ở người cao tuổi. Cho tới hiện tại, chưa có kết luận về nguyên nhân cụ thể dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, một số nhóm yếu tố nguy cơ cao gây ra tình trạng này có thể kể tới:

  • Do yếu tố di truyền: Đây là yếu tố chiếm tỉ lệ cao trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì. Nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh béo phì thì có đến 50% đứa con cũng bị béo phì. Còn nếu cả hai người cùng mắc bệnh béo phì thì tỉ lệ tăng cao lên tới 80%.
  • Chế độ ăn uống kém lành mạnh, ít vận động: Tiêu thụ nhiều chất béo, đồ ăn giàu năng lượng nhưng lại không vận động để giải phóng bớt. Việc tích lũy chất béo lâu dài khiến cân nặng gia tăng.
  • Sự rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Ở những người già mắc bệnh rối loạn nội tiết và chuyển hóa sẽ gia tăng kích thích tạo mô mỡ. Mô mỡ gia tăng kéo theo nhu cầu về đường, dẫn tới tăng insuline, gây ra bệnh béo phì và đái tháo đường ở người cao tuổi.
  • Do độ tuổi: Ở người cao tuổi bị béo phì, tế bào mỡ tăng cả số lượng và kích thước, dẫn tới việc giảm cân khó khăn hơn. Các chức năng cũng hoạt động yếu đi, việc tiêu thụ thức ăn cũng chậm lại, hoạt động ít dẫn tới cân nặng khó kiểm soát hơn.

Tác hại của thừa cân béo phì ở người cao tuổi

Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình mất cân đối, đi lại nặng nề, vận động chậm chạp mà còn khiến sức khỏe, năng suất lao động, chất lượng cuộc sống suy giảm. Những tác hại nghiêm trọng về sức khỏe người lớn tuổi do thừa cân béo phì có thể gây ra:

  • Bệnh xương khớp: Người béo phì có nguy cơ cao phải đối mặt với các bệnh về xương khớp: thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức xương khớp thường xuyên,… bởi xương phải chịu áp lực bởi trọng lượng lớn của cơ thể. Vị trí dễ tổn thương nhất là khu vực khớp gối và cột sống. Tỉ lệ người già béo phì mắc bệnh gout cũng khá cao.
  • Bệnh về tim mạch: Tỉ lệ các cuộc khảo sát cho thấy những người béo phì thường đi kèm tình trạng rối loạn lipid máu, mỡ máu cao,… Cholesterol xấu tăng cao dẫn tới xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… Tim của những người cao tuổi mắc bệnh béo phì phải làm việc nhiều hơn để  quá trình bơm máu đi nuôi cơ thể diễn ra liên tục, thậm chí quá tải. Nhiều ca bệnh tử vong do bệnh lý tim mạch là biến chứng của thừa cân, béo phì.
  • Bệnh tiểu đường: Tiểu đường tuýp 2 là hệ quả lớn của thừa cân, béo phì. Tỉ lệ cao những người mắc bệnh đường huyết có chỉ số cân nặng vượt ngưỡng bình thường.
  • Bệnh về đường tiêu hóa: Béo phì tương ứng với lượng mỡ dư thừa, nếu chúng bám vào quai ruột sẽ dễ dàng gây nên tình trạng táo bón hoặc bệnh trĩ, các bệnh đường ruột, bao gồm cả ung thư đại tràng.
  • Gan nhiễm mỡ: Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể thường xuyên cung cấp lượng chất béo triglyceride vượt ngưỡng cơ thể có thể hấp thu thì sẽ có hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết, tạo thành nguy cơ gan nhiễm mỡ.
  • Gây suy giảm trí nhớ: Người cao tuổi thừa cân, béo phì dễ có nguy cơ cao phải đối mặt với chứng Alzheimer- suy giảm trí nhớ.
  • Bệnh lý đường hô hấp: Trọng lượng cơ thể tăng không kiểm soát có ảnh hưởng đến hoạt động của cơ hoành, khí phế quản gây ra tình trạng rối loạn nhịp thở, ngáy, ngưng thở khi ngủ ở người béo phì. Lượng cân nặng dư thừa càng cao, bệnh lý đường hô hấp càng nặng.
  • Giảm tuổi thọ: Có một vài nghiên cứu chưa chính thức chỉ ra rằng những người béo phì có tuổi thọ thấp hơn người có ngoại hình cân đối từ 6 – 8 năm, đồng thời tăng nguy cơ mắc nhiều các bệnh lý khác gây hại cho sức khỏe.
  • Rối loạn nội tiết: Béo phì có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố, đặc biệt là với phụ nữ. Nữ giới béo phì khi còn trẻ dễ dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, nguy cơ mắc đa nang buồng trứng, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Phụ nữ sau mãn kinh béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa và mắc các bệnh nội tiết.
  • Ung thư: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư như: ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tử cung, ung thư vú, ung thư gan, …

Giảm cân an toàn cho người cao tuổi

Ở nhóm người cao tuổi, mức độ suy giảm chức năng ở mỗi người mỗi khác. Chính bởi vậy, cần chú trọng tới việc khám sức khỏe định kỳ để có kết quả chính xác nhất và nhận sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Cùng với đó, có kế hoạch ăn uống và luyện tập đúng cách để giữ chỉ số cơ thể phù hợp.

Tập luyện đúng cách cho người cao tuổi

Sau 50 tuổi, khối lượng cơ bắp bắt đầu giảm dần, khoảng 2%/ năm, quá trình trao đổi chất cũng chậm lại, dễ gây tăng cân. Tích cực vận động, rèn luyện sức khỏe luôn đem lại lợi ích tích cực cho sức khỏe cho mọi người, mọi giới tính và độ tuổi. Người cao tuổi sẽ có những bài tập riêng để phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Đơn giản là bài tập hít thở đều cùng những động tác tay không nhịp nhàng, đi bộ, chạy bộ,… Yoga cũng là một gợi ý thú vị, đây là một bộ môn có ích cho sức khỏe tổng quan, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra một số bài tập yoga có thể giúp giảm cân an toàn và hiệu quả. Tập luyện tích cực không chỉ giúp giữ cân nặng phù hợp, chân tay nhanh nhẹn hơn, còn có lợi cho sức khỏe tim mạch ở người già.

Chế độ ăn uống khoa học

Như đã phân tích ở trên, quá trình trao đổi chất ở người cao tuổi diễn ra chậm hơn. Chính bởi vậy, việc nạp năng lượng cũng cần có sự tính toán và chuẩn bị trước. Cần lựa chọn những thực phẩm sạch, dễ hấp thụ. Đặc biệt, cần bổ sung protein, chúng không chỉ quan trọng đối với việc giảm cân mà còn ngăn chặn tình trạng mất cơ do tuổi cao.

Các món ăn cũng nên chế biến theo phương pháp luộc, hấp, ninh nhiều hơn là các món chiên xào, nhiều dầu mỡ. Rau xanh cũng là một thực phẩm nên tăng cường bổ sung ở độ tuổi này, chúng không chỉ giúp bổ sung chất xơ, vitamin mà còn tạo cảm giác no lâu hơn. Và tất nhiên, rượu bia, các thức uống quá ngọt, quá béo hay đồ ăn nhanh cũng cần hạn chế ở mức cao nhất.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Tuổi càng cao, chức năng suy giảm, cùng với quá trình lão hóa, các tế bào thần kinh cũng bị ảnh hưởng dẫn tới tình trạng giấc ngủ kém, ngủ không ngon, mất ngủ. Mất ngủ kéo dài cũng dễ làm tăng cân, cản trở việc giảm cân ở người cao tuổi. Một nghiên cứu trên 245 người trong thời gian 2 năm đã chứng minh rằng những người ngủ nhiều hơn 7 giờ/đêm có khả năng giảm cân cao hơn so với những người ngủ ít hơn.

Người cao tuổi có sức đề kháng yếu kém dần, các chức năng cũng suy yếu, nếu đi cùng béo phì sẽ gia tăng các nguy cơ bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, bệnh tim mạch, mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, … Chính bởi vậy người già cần lưu ý hơn về cân nặng, chế độ ăn uống và tập luyện của mình.

Bài viết liên quan