Thừa Cân Béo Phì Là Gì? Những Phương Pháp Điều Trị Và Phòng Ngừa

Thừa cân béo phì không những khiến bạn tự ti về ngoại hình mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Nhận thức đúng về nguyên nhân, tác hại của béo phì có thể làm thay đổi hành vi để phòng tránh cũng như thay đổi cân nặng ở người béo phì.

Thế nào là thừa cân béo phì?

Thừa cân là tình trạng cân nặng tăng quá nhiều so với chiều cao không chỉ do dư thừa chất béo mà còn có thể do nhiều cơ bắp hoặc nước trong cơ thể.

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng của bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ bệnh tật và vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường và huyết áp cao.

Mọi người muốn khỏe mạnh đều cần một lượng chất béo tối thiểu cho các chức năng quan trọng trong cơ thể như: hooc-môn, sinh sản hay dùng để cung cấp năng lượng, cách nhiệt và dự trữ.

Nhưng tích trữ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng chẳng hạn ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp và ung thư

Béo phì và thừa cân là hai khái niệm khác nhau, tuy nhiên chúng đều mang ý nghĩa có nhiều mỡ hơn lượng cho phép trong cơ thể. Cả hai đều được sử dụng để xác định những người có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe do cơ thể có quá lượng mỡ. “Béo phì” chỉ mức độ dư mỡ nhiều hơn, được phân loại cao hơn so với “thừa cân”.

Làm thế nào để biết thừa cân béo phì?

Không đơn giản là nhìn vào ngoại hình của một người thấy mập mạp để xác định rặng họ thừa cân hoặc béo phì. Trong y học luôn cần những điều cụ thể và rõ ràng, do đó có nhiều công cụ đo lường lượng mỡ trong cơ thể được dùng để xác định bạn có thừa cân hay béo phì không.

Có thể kể tới một vài phương pháp như đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng cơ thể, dùng các chất phóng xạ hoặc các loại cân đặc biệt để đo tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể,… Trong đó một phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là BMI.

BMI là tên viết tắt của Body Mass Index – chỉ số khối cơ thể. Đây là một cách nhanh chóng và đơn giản để giúp xác định những người thừa cân hoặc béo phì.

Tuy nhiên, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), dùng chỉ số BMI làm thước đo để xác định béo phì không phải lúc nào cũng đúng. Do cân nặng của con người bao gồm cả cơ và mỡ, nên một số người có chỉ số BMI cao nhưng tỷ lệ mỡ lại thấp (như vận động viên, cầu thủ bóng đá, người tập thể hình…) thì không được coi là béo phì.

Ngược lại, nhiều người có BMI thấp nhưng tỷ lệ mỡ lại cao, tập trung ở các vùng bụng, ngực đối với nam và eo, mông, đùi đối với nữ thì vẫn bị xem là béo phì.

Vì vậy, thước đo chính xác hơn để xác định người đó có bị béo phì hay không là xác định lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, nếu lượng mỡ đó vượt quá 30% (nữ) hoặc 25% (nam) so với trọng lượng cơ thể thì được coi là béo phì.

Với người có BMI bình thường nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ thể lại vượt mức an toàn thì vẫn được xem là béo phì và dạng này được xem là béo phì thể ẩn (normal weight obesity – NWO).

Nguyên nhân gây béo phì

Thói quen và chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân chính gây nên bệnh béo phì

Do mất cân bằng dinh năng lượng

Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì hiện nay. Khi năng lượng tiêu thụ mà nhiều hơn năng lượng bạn tiêu hao. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít  trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng tích lũy, dự trữ năng lượng và được chuyển thành mỡ tích lũy, lâu dần gây ra thừa cân, béo phì.

Yếu tố di truyền

Theo nghiên cứu, trong số trẻ em mắc bệnh béo phì, thì có đến 80% trong số chúng là có cha hoặc mẹ bị béo phì, 30% có cả cha hoặc mẹ bị béo phì.

Những người bị thừa cân béo phì do yếu tố di truyền có tốc độ trao đổi chất chậm chạp, khó cải thiện. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% người béo phì có nguyên nhân do di truyền.

Suy giáp

Khi tuyến giáp hoạt động càng hiệu quả, thì sự trao đổi chất trong cơ thể càng cao. Tuy nhiên, nếu bị suy giáp tuyến giáp sẽ không sản xuất đủ hormone cần thiết cho cơ thể làm chậm quá trình trao đổi chất, chất béo không được đốt cháy tiêu thụ, lâu dần se gây tăng cân béo phì.

Thiếu ngủ

Theo nhiều nghiên cứu nếu bạn thường xuyên thiếu ngủ khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơbị  thừa cân, béo phì lên đến 17%.

Nguyên nhân là do khi bạn không ngủ đủ giấc, lượng ghrelin trong cơ thể sẽ tăng lên khiến bạn thường xuyên cảm thấy đói, thèm đồ ăn có nhiều đường. Lâu dần sẽ dẫn đến sự thèm ăn mất kiểm soát, đây là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.

Ai có nguy cơ dễ bị thừa cân béo phì?

  • Những người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo bão hòa, ăn nhiều đồ chiên, rán, ăn ít rau, uống nhiều đồ nhiều đường như nước ngọt, nước có ga, trà sữa…
  • Những người tuổi trung niên, phụ nữ sau sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị.
  • Người làm việc trong văn phòng ít vận động hoặc lười tập luyện và chế độ ăn uống không hợp lý cũng là nguyên nhân của béo phì.

Tác hại của bệnh béo phì

Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia hiện có gần 7 triệu người bị thừa cân, béo phì, chiếm hơn 8% dân số. Mức độ mắc béo phì ngày càng gia tăng, có xu hướng dễ gặp ở nhiều người. Bệnh béo phì cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật khác, đe dọa sức khỏe và cuộc sống của bạn

Bệnh lí tim mạch

Một trong những rủi ro lớn khi béo phì là sự phát triển của hàm lượng cholesterol cao. Béo phì đồng nghĩa với lượng mỡ máu tăng lên làm tăng mức độ chất béo trung tính và cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể – đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về xơ vữa động mạch mà kết quả trong việc thu hẹp các mạch máu dẫn đến bệnh tim mạch như đau tim, nhồi máu cơ tim.

Hiện tại, bệnh lý tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong, trong đó có rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.

Bệnh lí xương khớp

Người thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống là những khớp bị tổn thương sớm nhất. Bên cạnh đó, người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh Gout

Bệnh tiểu đường

Lượng mỡ trong cơ thể người béo phì quá nhiều làm việc chuyển hóa đường trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Điều này khiến cho những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao dư thừa lượng đường huyết, biến những đối tượng này thành nạn nhân của bệnh tiểu đường.

Bệnh lí về đường tiêu hóa

Thừa cân béo phì có thể làm lượng mỡ dư thừa bám vào quai ruột gây táo bón, dễ sinh bệnh trĩ. Ngoài ra, lượng mỡ dư thừa tích tụ trong gan có thể gây gan nhiễm mỡ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến xơ gan

Bệnh lí về đường hô hấp

Béo phì là yếu tố nguy cơ có thể gây ngưng thở khi ngủ. Một người thừa cân có thể có nhiều chất béo được lưu trữ quanh cổ.

Điều này có thể làm cho đường thở nhỏ hơn. Một đường thở nhỏ hơn có thể làm cho cho bạn có các triệu chứng như ngáy to khó thở, hoặc nghiêm trọng hơn là ngừng hoàn toàn trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, chất béo được lưu trữ ở cổ và khắp cơ thể có thể tạo ra các chất gây viêm. Viêm ở cổ là một yếu tố nguy cơ gây ngưng thở khi ngủ

Tác động tâm lí

Thừa cân, béo phì khiến vóc dáng thay đổi, cơ thể trở nên quá khổ làm người thừa cân béo phì thường không tự tin khi giao tiếp hay xuất hiện trước đám đông. Đồng thời hay tự tin làm giảm sút hiệu quả công việc, không thấy hạnh phúc trong cuộc sống

Các phương pháp chữa bệnh béo phì

Mục tiêu của việc điều trị bệnh béo phì là đưa lượng mỡ trong cơ thể về mức an toàn để tránh các biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim mạch, tiêu hóa hay hô hấp.

Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyến cáo các biện pháp sau để chữa thừa cân béo phì:

Chế độ ăn kiêng

Đây là phương pháp đầu tiên mà người béo phì nên nghĩ đến và áp dụng. Bạn nên giảm từ từ khẩu phần ăn hàng ngày – đây được coi là một chế độ ăn kiêng an toàn về lâu dài cho sức khỏe của người bị béo phì.

Với năng lượng bạn nạp vào thấp hơn nhu cầu sinh lý thì năng lượng thêm vào để tiêu dùng là năng lượng từ mô dự trữ. Khi thiếu lượng thức ăn nạp vào, năng lượng được rút ra từ mô dự trữ là 1500 – 3000 kcal.  Với cách tính này bạn có thể giả từ từ lượng mỡ trong cơ thể mà không ảnh hưởng đến sức khỏe

Luyện tập thể dục – Các bài tập đốt mỡ

Bên cạnh chế độ ăn uống, bạn nên kết hơp các bài ập thể dục để giúp đốt chát lượng calo nhanh hơn. Tùy vào từng mức độ béo phì bạn có thể lựa chọn các bài tập thể dục khác nhau.

Các bài tập vận động có thể áp dụng như chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội …Bạn nên luyện tập tối thiểu 30-60 phút/ 1ngày. Đối với những người béo phì mức độ  nặng có thể lựa chọn các các tập nhẹ hơn như đi bộ, yoga và nên tăng dần cường độ luyện tập theo thời gian.

Với nhiều người quá béo, di chuyển cơ thể nặng nề không thể tập được thể dục vì có thể bị đau khớp, ngoài ra bệnh tim mạch nặng cũng hạn chế tập luyện thì nên nghĩ đến cách điều trị khác.

Điều trị bằng thuốc

Khi việc thay đổi chế độ ăn kiêng và tập thể dục sau 12 tuần tiết thực giảm trọng lượng và tập luyện thể dục mà không cải thiện, vẫn không làm giảm trọng lượng cơ thể thì các bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc.

Hiện nay, các thuốc được công nhận có tác dụng điều trị béo phì không có nhiều, thuốc điều trị béo phì được phân thành 3 nhóm: nhóm can thiệp vào thần kinh trung ương, chủ yếu có tác dụng làm chán ăn; nhóm can thiệp vào cơ quan tiêu hóa, chủ yếu có tác dụng làm giảm hấp thu và nhóm can thiệp vào cơ quan ngoại vi, chủ yếu có tác dụng làm tiêu hao năng lượng.

Hầu như tất cả các thuốc đều có tác dụng phụ, làm mất sự ăn ngon miệng, giảm trọng lượng. Vì vậy khi sử dụng thuốc cần được cân nhắc kỹ càng giữa những lợi ích và tác hại do việc sử dụng thuốc mang lại.

Ngoài ra sử dụng thuốc cần phải được kê bởi các nhân viên y tế sau khi đã thăm khám chuẩn đoán bệnh, không tự ý mua thuốc tự điều trị vì có thể gặp nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật áp dụng khi người bệnh mắc béo phì ở cấp độ III, khi các phương pháp thay đổi chế độ dinh dưỡng và vận động không có hiệu quả. Chú ý phương pháp này chỉ áp dụng béo phì quá trầm trọng, đe dọạ sự sống (> 50% trọng lượng lý tưởng) ở bệnh nhân < 40-50 tuổi.

  • Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): Bệnh nhân sẽ đượccắt bỏ khoảng 80% dạ dày và tạo ra một dạ dày hình ống. Sau khi thực hiện, bệnh nhân sẽ cảm giác ít đói hơn và nhanh no hơn sau khi ăn.
  • Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): Bác sĩ sẽ tạo một túi dạ dày nhỏ hơn và nối nó với ruột non, cách này sẽ giúp người bệnh mau no hơn và giảm hấp thu chất khoáng.
  • Thắt đai dạ dày (Lap Band): Bác sĩ thắt một đai quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ phía trên đai, nhờ đó dạ dày sẽ được làm đầy nhanh hơn khi ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn.
  • Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): Ở phương pháp này sẽ cần cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày (như phẫu thuật tạo dạ dày hình ống), chuyển dòng ruột, cắt bỏ túi mật. Kết quả cũng tương tự như các phương pháp trên là người bệnh sẽ cảm thấy ít đói hơn, nhanh no và hấp thụ vào cơ thể ít lượng calo và chất khoáng hơn.

Đây là 4 phương pháp phẫu chữa béo phì được các trung tâm điều trị béo phì lớn trên thế giới áp dụng phổ biến. Trong đó, phương pháp tạo dạ dày hình ống được sử dụng nhiều nhất vì mang lại hiệu quả điều trị béo phì tốt, đặc biệt là hiệu quả điều trị rối loạn chuyển hóa đường đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Có nhiều người tuy giảm cân nhưng lượng mỡ vẫn nhiều. Cho dù bạn có giảm được cân nhưng các mô mỡ thừa có thể vẫn còn nguyên đó, thì vẫn coi là bị béo phì. Vì vậy, khi được xác định bị béo phì thì mọi chế độ ăn uống, tập luyện cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Phòng ngừa bệnh béo phì như thế nào?

Bản chất của béo phì là do năng lượng nạp vào lớn hơn năng lượng tiêu thụ. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh béo phì, bạn nên nạp vào cơ thể một lượng năng lượng vừa đủ và phải đảm bảo tiêu thụ chúng, tránh để dư thừa calo dễ gây béo phì. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

Chế độ ăn lành mạnh

Thực đơn giảm cân nên tăng cường chất xơ, rau xanh và giảm chất béo bảo hòa

Nên xây dựng cho mình chế độ ăn uống an toàn, đủ dinh dưỡng nhưng ít calo dựa trên việc ăn nhiều trái cây và rau xanh, uống nhiều nước, ăn các món ăn tự tay chế biến và hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh, món ăn nhiều dầu mỡ, tránh xa các loại nước ngọt có gas và bia rượu.

Tăng cường hoạt động thể dục

Bạn nên xây dựng một lối sống năng động, bắt đầu từ những thói quen đơn giản như: dọn dẹp nhà, đi bộ, đạp xe đạp,…để đốt cháy calo và mỡ thừa, giúp giảm cân và phòng ngừa hiệu quả bệnh béo phì.

Việc thường xuyên luyện tập và duy trì các bài thể dục sẽ giúp bạn hình thành lối sống tích cực, đêm lại cho bạn sức khỏe dẻo dai và thân hình cân đối

Ngủ đủ giấc

Việc ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc giúp hạn chế cơ thể tiết ra các nội tiết tố kích thích sự thèm ăn. Nhờ đó mà phòng ngừa được bệnh béo phì. Ngủ đủ 8 tiếng cũng khiến bạn đầu óc tỉnh táo và tinh thần thoải mái để bắt đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng

Như vậy, bệnh béo phì là một rối loạn do chính lối sống của mỗi người gây nên. Thay đổi để hướng đến một cuộc sống cân bằng hơn, lành mạnh hơn. Quan trọng là khi không còn dư cân, béo phì, sức khỏe bạn tốt hơn, bạn tự tin hơn. Và cuối cùng là bạn hạnh phúc hơn.

Trên đây là những thông tin chung về bệnh béo phì. Hy vọng sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Bài viết liên quan