Vì Sao Nam Giới Dễ Mắc ChoLesterol Cao Hơn Nữ Giới?

Cholesterol cao, còn được gọi là tăng cholesterol máu, khiến nam giới có nguy cơ mắc bệnh đau tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên. Đối với nam giới, nguy cơ cholesterol trong máu cao bắt đầu ở độ tuổi 20 và tăng dần theo những năm về sau. Vì vậy, nếu là nam giới, bạn nên bắt đầu xem xét và tìm hiểu về chứng cholesterol cao ngay từ bây giờ.

Cholesterol cao là gì?

Cholesterol là một chất sáp, giống như chất béo được tạo ra trong gan. Nó cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm, như các sản phẩm từ sữa, nội tạng và thịt.

Cơ thể bạn cần cholesterol để sản xuất hormone, vitamin D và axit mật giúp bạn tiêu hóa chất béo. Nhưng cơ thể chỉ cần một lượng cholesterol vừa đủ. Khi có quá nhiều cholesterol trong máu, các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, có thể phát triển.

Có nhiều loại cholesterol khác nhau, thông thường là hai loại cholesterol xấu và cholesterol tốt. Cholesterol tích tụ trong các thành động mạch được gọi là lipoprotein mật độ thấp, hoặc LDL cholesterol, thường được gọi là cholesterol xấu. Nếu trong máu của bạn có quá nhiều cholesterol xấu, chúng sẽ tích tụ thành các mảng mỡ trên thành động mạch. Hiểu nôm na giống như rỉ sét bên trong các đường ống. Sự tích tụ mảng bám này có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến cơ tim, làm giảm việc cung cấp oxy.

Nếu nồng độ máu và oxy đến tim giảm đủ lâu, bạn có thể bắt đầu cảm thấy đau ngực hoặc thấy khó thở. Một cơn đau tim xảy ra khi các mảng bám chặn hoàn toàn một mạch máu nuôi dưỡng một phần của cơ tim. Nếu mảng bám chặn mạch máu đi đến não của bạn, bạn có thể bị đột quỵ.

Một loại cholesterol khác gọi là lipoprotein mật độ cao hoặc HDL cholesterol, còn được gọi là cholesterol tốt, vì nó giúp loại bỏ LDL cholesterol ra khỏi máu và cuối cùng ra khỏi cơ thể. Để có sức khỏe tốt, lý tưởng nhất là bạn nên hạ mức LDL cholesterol và tăng mức HDL cholesterol trong máu lên. Nếu sự cân bằng này không được duy trì, đặc biệt là nếu nó bị đảo ngược, bạn sẽ gặp rắc rối to khi lượng cholesterol trong máu tăng cao.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến cholesterol tăng cao

Cholesterol cao có xu hướng “chạy” trong các gia đình theo gen di truyền. Nhưng lối sống của bạn như thế nào: bao gồm chế độ ăn uống, hoạt động và trọng lượng cơ thể – cũng ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu. Bạn sẽ gặp nguy cơ tăng cholesterol trong máu nếu:

Chế độ ăn uống của bạn có nhiều chất béo bão hòa. Những chất béo này, được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo, làm tăng LDL cholesterol. Cholesterol trong thực phẩm, được tìm thấy trong trứng và thịt nội tạng, cũng có thể làm tăng mức cholesterol trong máu, nhưng không nhiều như chất béo bão hòa .

Chế độ ăn uống của bạn có nhiều chất béo chuyển hóa. Đây là những chất béo nhân tạo được sản sinh ra trong quá trình hydro hóa một phần dầu ăn. Chúng làm tăng LDL cholesterol và giảm HDL cholesterol – kịch bản xấu mà chúng ta đang cố tránh.

Chế độ ăn của bạn có nhiều thực phẩm chế biến hoặc thực phẩm giàu carbohydrate. Những loại thực phẩm này cũng đã được chứng minh là làm tăng cholesterol LDL.

Bạn không thường xuyên vận động nhiều. Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên có thể tăng HDL, cholesterol tốt. Thiếu tập thể dục có thể dẫn đến tăng cân.

Vì sao nam giới thường bị cholesterol cao hơn nữ giới?

Etrogen ở phụ nữ giúp làm giảm lượng cholesterol có hại và làm tăng cholesterol có lợi, từ đó làm giảm nguy cơ tim mạch. Ngược lại, testosterone ở nam giới lại làm tăng lượng cholesterol có hại trong máu và giảm lượng cholesterol có lợi, khiến cho nam giới có nguy cơ cao hơn đối với các bệnh về tim mạch, huyết áp và đột quỵ.

Sự sản xuất estrogen của phụ nữ cao nhất là trong thời kỳ sinh đẻ. Vì vậy phụ nữ tiền mãn kinh thường được bảo vệ khỏi bệnh tim hơn so với nam giới. Khi phụ nữ mãn kinh, hoặc thừa cân, hoặc bị cả hai, cholesterol và triglycerides của họ có xu hướng tăng lên.

Béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính làm tăng cholesterol trong máu. Nam giới lại hay bị béo bụng hơn so với chị em phụ nữ, kéo theo lớp mỡ dày bao quanh phủ tạng, được gọi là mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng bị dư thừa nhiều thường đi kèm với tình trạng tăng triglyceride máu, giảm HDL Cholesterol (cholesterol tốt), dẫn đến huyết áp cao, và/hoặc tăng đường huyết lúc đói…

Bên cạnh đó, phụ nữ có ý thức về sức khỏe hơn nam giới, họ nhận thức được sức khỏe thể chất và tinh thần của mình rõ hơn. Điều này mang lại cho phụ nữ một lối sống lành mạnh và sự chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn nam giới.

Ngược lại, nam giới họ luôn tận dụng mọi lý do để trì hoãn việc tầm soát và điều trị cholesterol cao. Họ cũng ít tuân thủ quá trình điều trị hơn so với nữ giới.

Làm thế nào để biết bị cholesterol cao?

Cách duy nhất để biết mức cholesterol của bạn cao bao nhiêu, có nguy hiểm chưa, là làm xét nghiệm mỡ máu. Mọi người trên 20 tuổi nên được kiểm tra cholesterol ít nhất 5 năm một lần. Nếu chỉ số cholesterol của bạn cao, bạn cần phải kiểm tra thường xuyên hơn với bác sĩ của mình.

Các chỉ số cholesterol ở mức bình thường đối với nam giới từ 20 tuổi trở lên:

Loại Cholesterol Chỉ số bình thường
Cholesterol toàn phần 125 đến 200mg/dL
Non – HDL < 130mg/dL
LDL < 100mg/dL
HDL >= 40mg/dL hoặc cao hơn

Làm thế nào thể để giảm cholesterol cao trong máu?

Để giảm cholesterol, một trong những thay đổi quan trọng nhất cần thực hiện là cắt giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống của bạn. Điều đó có nghĩa là cắt giảm thịt và gia cầm, bằng cách ăn ít hoặc giảm tần suất ăn thịt. Bạn cũng nên chọn loại sữa ít béo, ăn ít thực phẩm chiên xào, thực phẩm chế biến và thực phẩm nhiều đường.

Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày, ví dụ như bột yến mạch, đậu, táo… Nó sẽ giúp bạn loại bỏ LDL cholesterol khỏi cơ thể.

Tất nhiên, không có công thức kỳ diệu để giảm cân, nhưng giảm khẩu phần ăn và loại bỏ những loại thực phẩm mà bạn có thể dễ dàng sống mà không cần có nó, chẳng hạn như đồ uống có đường, là một sự khởi đầu dễ dàng, bạn có thể bắt đầu giảm cân từ đây.

Cư dân hiện đại tại các thành phố lớn thường nhận được 20% lượng calo từ đồ uống. Chuyển sang dùng nước lọc là một thay đổi không gây mệt nhọc và đau đớn nhưng có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong tổng lượng calo bạn nhận được.

Tập thể dục thường xuyên – ít nhất là đi bộ nhanh trong 30 phút mỗi ngày – sẽ giúp bạn làm tăng HDL cholesterol và cũng giảm LDL cholesterol. Tập thể dục đặc biệt quan trọng nếu bạn có mức chất béo trung tính triglyceride cao, LDL cao và nhiều mỡ bụng.

Thuốc nào điều trị cholesterol cao?

Phương pháp điều trị đầu tiên được lựa chọn cho cholesterol cao là áp dụng lối sống lành mạnh, như đã đề cập ở trên. Với nhiều người có chỉ số cholesterol ở mức cao trong giới hạn, thói quen lành mạnh hơn có thể khiến chỉ số này giảm xuống tới mức bình thường.

Nếu thay đổi lối sống là không đủ, bạn phải dùng thuốc giảm cholesterol. Sự lựa chọn hàng đầu hiện nay là thuốc statin – có hiệu quả trong việc giảm LDL. Các nghiên cứu gần đây đã xác nhận rằng, bằng cách giảm mức cholesterol , những loại thuốc này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Điều quan trọng là bạn không được tự ý dùng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nam giới đã có sẵn nguy cơ mắc chứng cholesterol cao, vì vậy bạn đừng xem thường việc tầm soát bệnh định kỳ để có thể phát hiện kịp thời và điều trị ngay từ giai đoạn sớm. Đặc biệt là với bệnh tim mạch, vì khi để xảy ra biến chứng thì thường sẽ rất nguy hiểm, đừng đợi đến khi trái tim có bệnh mới chữa.

Bài viết liên quan