Tìm Hiểu Biến Chứng Mỡ Máu Cao – Ai Cũng Có Thể Mắc Phải

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch và cướp đi mạng sống khoảng 17,5 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Do diễn biến bệnh âm thầm, nhiều người chủ quan chẳng lo. Đến khi xảy ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thì khó lòng phản ứng kịp.

Tỷ lệ mắc bệnh mỡ trong máu rất cao

Một người đàn ông 39 tuổi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Cologne (Đức) sau khi xuất hiện những triệu chứng như giảm cân đột ngột, nôn mửa, đau đầu và suy giảm nhận thức.

Khi lấy máu xét nghiệm, các bác sĩ bất ngờ vì máu của nam bệnh nhân hết sức đặc biệt, phân thành hai tầng và có màu trắng đục khác thường. Các xét nghiệm sâu hơn cho thấy, nồng độ triglyceride – nồng độ chất béo chủ yếu trong cơ thể – trong máu của người đàn ông lên tới 14.000 mg/dL, trong khi thông thường 500mg/dL đã bị cho là ngưỡng rất cao. Như vậy, chỉ số mỡ trong máu của bệnh nhân này cao gấp 28 lần so với mức rất cao của người khác.

Các bác sĩ đã tiến hành lọc mỡ trong máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong khi thực hiện quá trình, máu của bệnh nhân chứa nhiều mỡ đến nỗi làm tắc cả máy lọc. Sau hai lần tách huyết tương không thành công, ê kíp bác sĩ đã chuyển sang phương pháp “rút máu”. Họ rút 1 lít máu của bệnh nhân sau đó thay thế nó bằng hồng cầu và huyết tương của người hiến tặng.

Thống kê sơ bộ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy khoảng 26% người Việt Nam ở lứa tuổi 25 – 74 bị máu nhiễm mỡ. Tại các thành phố lớn, con số này có thể lên tới 44% – 45% như ở TPHCM, Hà Nội.

Tỉ lệ này rất cao vì ai cũng có thể mắc bệnh, không chỉ có người béo phì, thừa cân. Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, chóng mặt, tức ngực khó thở, chị Ly (35 tuổi, Tiền Giang) được bác sĩ kết luận bị rối loạn mỡ máu, huyết áp tăng cao bất thường và tim bị tổn thương. Dù thân hình gầy, nặng 45kg với chiều cao 1,60m nhưng chị vẫn mắc bệnh mỡ máu cao.

Trường hợp khác là anh Minh (40 tuổi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng mắt mờ hẳn đi chỉ trong hai tháng trở lại đây, chảy máu mắt. Kết quả khám cho thấy mắt anh xuất hiện những biến chứng trên là do cao huyết áp. Nguyên nhân là anh bị tăng mỡ máu, dù chỉ nặng 53kg, cao 1,72m.

Theo GS-TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, đánh giá trung bình cứ 2 người ở thành thị có 1 người thừa cholesterol, cứ 3 người cao tuổi lại có 2 người thừa cholesterol. Đây là tỷ lệ đáng lo ngại bởi tình trạng cholesterol máu cao có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là tim mạch.

Các biến chứng từ bệnh mỡ máu cao

Lượng mỡ trong máu được điều hòa bởi các receptor đặc hiệu. Khi các receptor giảm sút hoạt động, không thể đưa hết lượng cholesterol cơ thể sản xuất hằng ngày từ máu vào trong tế bào, cơ thể sẽ không giải phóng được lượng mỡ thừa. Do đó, dù ăn ít mỡ hoặc gầy ốm thì bệnh nhân vẫn có thể bị rối loạn các thành phần mỡ máu, dẫn đến mỡ trong máu tăng cao.

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, mỡ máu gây ra nhiều bệnh nguy hiểm nhưng ít có triệu chứng rõ ràng, không biểu hiện cụ thể, trừ khi có các biến chứng như xơ vữa mạch máu, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Và hàng loạt vấn đề ở các cơ quan khác có thể tử vong.

Xơ vữa động mạch

Động mạch là các mạch máu chuyên chở oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Động mạch thường rất mềm và đàn hồi trong điều kiện bình thường. Mỡ máu cao sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, cholesterol và một số chất khác trên thành động mạch, hình thành các mảng xơ vữa động mạch, thành mạch máu trở nên dày và cứng hơn.

Các mảng vữa này có thể bị vỡ ra, dẫn đến hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu bị tổn thương. Từ đó có thể dẫn đến thiếu máu nuôi các cơ quan do động mạch đó nuôi dưỡng, trong đó quan trọng nhất là tim, não và động mạch chủ, gây ra những biến chứng gây tử vong cao như:

Tai biến mạch máu não (đột quỵ)

Đột quỵ dạng nhũn não xảy ra khi xuất hiện huyết khối ở động mạch dẫn máu lên não. Nếu nhẹ có thể bị tê liệt nửa người, trường hợp nặng, bệnh nhân có thể ngưng thở và tử vong. Bệnh khởi phát rất nhanh, rất đột ngột với ít dấu hiệu cảnh báo, nhưng sẽ gây chết người nếu không xử lý thật nhanh. Hiện nay, tai biến mạch máu não cũng xuất hiện nhiều ở những người trẻ tuổi.

Theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 người Việt Nam bị đột quỵ não do biến chứng của mỡ máu cao thường xuyên. Trong đó, 50% bị tử vong hoặc chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời, một nửa còn lại của tăng mỡ máu không bao giờ khỏe mạnh trở lại như trước.

Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng xảy ra khi huyết khối xuất hiện ở động mạch vành (động mạch dẫn máu nuôi tim), dẫn đến chết mô tim, loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim.

Nhồi máu cơ tim thường xảy ra đột ngột, nhanh và rất nguy hiểm. Khoảng 1/4 đến 1/3 bệnh nhân chết trước khi kịp đến bệnh viện. Trong số những người nhập viện, có 5 đến 10% chết do các biến chứng như suy tim, choáng tim, rối loạn nhịp tim. Theo thống kê cứ 6 người bị nhồi máu cơ tim thì có một người sẽ bị tái phát cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tử vong do tim mạch sau một năm.

Bệnh mạch vành

Máu được cung cấp cho cơ tim thông qua hệ thống động mạch vành. Các động mạch vành chia thành các nhánh nhỏ dần tới nuôi dưỡng từng vùng của cơ tim. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị tắc do các nguyên nhân khác nhau (thông thường là do mảng vữa xơ động mạch vành) dẫn đến mạch vành không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ tim.

Người bệnh tim mạch vành có thể bị tử vong ngay lập tức hoặc trong vài giờ động mạch vành bị tắc nghẽn, trước khi xuất hiện nhồi máu cơ tim. Không chỉ vậy, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sinh hoạt bởi các cơn đau thắt ngực triền miên cùng nhiều biến chứng mãn tính như:

  • Suy tim: Xảy ra ngay sau cơn nhồi máu cơ tim do thiếu máu cơ tim trong thời gian dài hoặc hoại tử cơ tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Các cơn rung nhĩ khiến tim loạn nhịp, có khi đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc hỗn hợp, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
  • Đau thắt ngực: Có 2 loại đau thắt ngực gồm: cơn đau thắt ngực ổn định xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh gắng sức đến 1 mức độ nào đó và cơn đau thắt ngực không ổn định, thường xảy ra cả lúc nghỉ ngơi, gắng sức và không giảm bớt khi ngừng gắng sức. Trong đó, đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ chuyển sang nhồi máu cơ tim, đột tử cao nếu không điều trị kịp thời.

Bên cạnh các biến chứng nguy hiểm trên, xơ vữa động mạch còn có thể gây tắc nghẽn hoặc phình tại các động mạch khác:

– Tắc, hẹp động mạch thận, lâu dài dẫn đến suy thận.

– Tắc, hẹp động mạch nuôi ruột gây hoại tử ruột.

– Tắc, hẹp động mạch nuôi chi gây thiếu máu chi, nếu nặng và mạn tính phải cắt cụt chi, gây tàn phế cho người bệnh.

Tăng huyết áp

Huyết áp cao lại tiếp tục gây áp lực lên thành mạch làm cho thành động mạch bị kéo căng hơn so với bình thường, cùng với thời gian và tuổi tác, gây tổn thương các tế bào nội mạc thành mạch. Khi nội mạch bị tổn thương thì các cholesterol xấu và các tế bào bạch cầu càng dễ tích tụ trong thành động mạch, hình thành các mảng bám xơ vữa. Các mảng bám này càng làm hẹp lòng mạch máu, khiến máu khó lưu thông, làm tăng cao nguy cơ tăng huyết áp.

Gan nhiễm mỡ

Khi triglycerit trong máu tăng cao, có sự mất cân bằng  giữa lipit vào gan và lipit ra khỏi gan, mỡ sẽ tích lại trong gan, tức là triglycerit tăng sẽ gây nên gan nhiễm mỡ.

Gan bị nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein do đó sẽ làm cho lượng axít béo vào gan quá lớn càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn.

Ngoài ra, nếu tăng quá cao triglycerit máu, sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính, gây ra những biểu hiện như: đau bụng dữ dội, sốt, thở nhanh, nhịp tim nhanh. Nếu trường hợp dịch tiêu hóa bị rò bên ngoài tuyến tụy có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tiểu đường

Gan đóng vai trò chuyển hóa glucose thành chất béo. Nhưng khi mỡ trong máu cao, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, mỡ xấu có xu hướng kháng insulin – một loại nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra để điều hòa chuyển hóa đường. Hậu quả là gây thiếu hụt insulin làm người bệnh dễ bị đái tháo đường hoặc làm cho bệnh tiểu đường nặng hơn.

Phòng tránh biến chứng của rối loạn mỡ máu

Khi đã được chẩn đoán rối loạn mỡ máu, để phòng tránh những biến chứng của bệnh này, bạn cần:

  • Hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng (gan, lòng, dồi…), các loại pho-mat, sữa nguyên kem…
  • Tăng cường ăn hoa quả tươi, rau, và các loại ngũ cốc. Lượng tinh bột chiếm khoảng 55 – 60 % khẩu phần. Chế độ ăn này cần được duy trì thường xuyên trong thời gian dài.
  • Sử dụng các vị thuốc dân gian như Xạ đen, Giảo cổ lam và Bụp giấm để hỗ trợ điều trị bệnh.
  • Tập thể dục hàng ngày giúp tiêu hao năng lượng, giảm lượng cholesterol “xấu” và làm tăng lượng cholesterol “tốt”.
  • Hạn chế hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu vì ảnh hưởng xấu tới tình trạng rối loạn mỡ máu và gây hại cho cơ thể.
  • Khám định kì, theo dõi chỉ số mỡ máu thường xuyên để kịp thời phát hiện các biến chứng của bệnh và điều trị sớm.
  • Tránh căng thẳng, giữ thái độ sống thoải mái, vui vẻ, lạc quan yêu đời.

Biến chứng do mỡ máu cao (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…) có thể không có bất kỳ một dấu hiệu báo trước nào. Trong quá trình mắc và phát triển máu nhiễm mỡ, các biến chứng xảy ra cũng rất âm thầm, song hành. Cơn đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim xảy ra cũng đến rất nhanh và bất ngờ, đột ngột để lại di chứng khôn lường chỉ trong vài phút đến vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Để phòng tránh, bạn nên giữ thói quen vận động, giữ cân nặng hợp lý, chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Ngoài ra, người trên 50 tuổi, hút thuốc lá nhiều, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và có tiền sử gia đình nên thực hiện tầm soát bệnh lý mạch máu định kỳ.

Bài viết liên quan