Gan nhiễm mỡ không còn là cụm từ xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do chủ quan để bệnh diễn tiến lâu dẫn tới biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, việc nhận biết sớm và kịp thời điều trị bệnh là vô cùng quan trọng. Vậy triệu chứng nào giúp nhận biết bạn đang bị gan nhiễm mỡ?
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan là nhà máy sản xuất ra mỡ, sau khi sản xuất xong, tế bào gan đưa mỡ đi vào máu, đi đến khắp cơ thể, đến các cơ quan trong cơ thể để đưa nguyên liệu cho cơ thể sử dụng thực hiện các chức năng của tế bào.
Gan có rất nhiều chức năng, đối với chuyển hóa mỡ trong cơ thể người- gan là cơ quan chuyển hóa chính. Trong các tế bào gan, đối với chuyển hóa mỡ nó tồn tại song song 2 chức năng- vừa là cơ quan chuyển hóa tiêu thụ mỡ đồng thời cũng là cơ quan sản xuất triglicerid. Hai quá trình này vừa có tính độc lập nhất định đồng thời có mối liên quan.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng trong tế bào gan tích tụ quá nhiều mỡ hơn mức bình thường ( tích tụ mỡ trong tế bào gan vượt quá 5%). Sự tích tụ này dẫn tới chức năng của gan bị suy giảm, không hoạt động bình thường, dẫn tới suy gan, lâu ngày bị viêm gan, xơ gan.
Đối tượng nào dễ mắc gan nhiễm mỡ nhất
Bất cứ ai cũng có thể mắc gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ thường thấy ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi nhưng không loại trừ độ tuổi từ 6-12. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu thường thấy ở nam giới, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường xuất hiện ở nữ giới.
Gan nhiễm mỡ không có tính di truyền, bởi vậy nếu người thân bạn mắc gan nhiễm mỡ thì bạn cũng không quá lo lắng.
Bệnh gan nhiễm mỡ không phải là loại bệnh độc lập mà do nhiều loại bệnh khác nhau gây ra, Ví du như bệnh béo phì, nghiện rượu hay bệnh tiểu đường, cũng có khi do người mẹ mang thai hoặc do uống thuốc.
Phân loại bệnh gan nhiễm mỡ
Căn cứ vào mức độ phát bệnh, bệnh gan nhiễm mỡ được chia ra 2 loại: cấp tính và mạn tính.
Gan nhiễm mỡ cấp tính
Bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính khá hiếm thấy, thường gặp ở thời kỳ mang thai hoặc do uống thuốc. Bệnh còn có tên gọi là gan nhiễm mỡ hoại tử, tỉ lệ tử vong cao, mắc bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính trong thời kỳ mang thai có thể gây hoauj tử một vùng gan lớn. Nếu không kịp thời phá bỏ thai thì khả năng tử vong lên tới 75%.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh gan nhiễm mỡ cấp tính là mệt mỏi, cảm giác buồn nôn, vàng da, vàng mắt ở mức độ khác nhau, chức năng gan suy kiệt. Trường hợp bệnh nghiêm trọng thì có thể dẫn tới tử vong( tỉ lệ này có thể lên tới trên 60%). Nhưng nếu kịp thời xử lý có hiệu quả thì trong thời gian ngắn có thể chuyển biến tốt mà không để lại di chứng như viêm gan mạn tính và viêm gan cấp tính do nhiễm virus. Cho dù có dấu hiệu tốt nhưng nếu phát hiện muộn vẫn có nguy cơ diễn tiến sang xơ gan và gây tử vong.
Gan nhiễm mỡ mạn tính
Bệnh gan nhiễm mỡ là loại bẹnh thường gặp, ở các nước phát triển nó đã trở thành loại bệnh gan lớn thứ hai sau viêm gan virus. Phát bệnh tiềm ẩn, quá trình phát bệnh kéo dài nhưng thường là loại lành tính. Trong thời gian dài, chức năng của gan có những thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp có thể phát sinh bệnh xơ gan và gan xơ hóa.
Bệnh gan nhiễm mỡ đơn thuần ở mức độ nhẹ và có thể không biểu hiện lâm sàng, bệnh ở mức độ nhẹ có thể không biểu hiện lâm sàng, bệnh ở mức độ vừa và nặng thì quá trình mắc bệnh kéo dài kèm theo các triệu chứng gan nhiễm mỡ và gan xơ hóa.
Bệnh gan nhiễm mỡ giống như các bệnh gan mạn tính khác là ít có biểu hiện và không có biểu hiện riêng biệt.
Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm mỡ
Dưới đây là một vài biểu hiện có thể gặp phải ở người mắc gan nhiễm mỡ:
Ăn uống kém ngon
Ăn uống kém ngon là một trong những triệu chứng thường thấy của bệnh gan nhiễm mỡ vì lúc này gan không thực hiện tốt chức năng chuyển hóa chất trong cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, ngoài việc nghi ngờ bệnh viêm dạ dày và các bệnh khác, bạn cũng nên xem xét khả năng gan nhiễm mỡ.
Mệt mỏi
Bệnh gan nhiễm mỡ ở thể trung bình có biểu hiện kiệt sức, dễ mệt mỏi. Khi bị gan nhiễm mỡ, gan không thực hiện tốt chức năng của nó khiến cho người bệnh cảm thấy ăn không ngon, chất dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể giảm đi. Do đó, năng lượng cung cấp cho cơ thể không đủ. Điều này dễ dàng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
Mệt mỏi cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác, do đó nó rất dễ bị chẩn đoán nhầm. Vì vậy, nếu bạn thấy cơ thể mình luôn bị mệt mỏi kéo dài thì nên đi kiểm tra sức khỏe tổng thể để biết chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp và kịp thời.
Đau tức hạ sườn phải
Gan nằm ở vị trí hạ sườn phải, bởi vậy khi vùng này đau nhiều liên tục có thể là dấu hiệu nhắc bạn đang bị gan nhiễm mỡ
Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể, nằm trong khu vực hạ sườn phải, được cấu tạo bởi nang với các ống mao dẫn và dây thần kinh nằm dọc theo bề mặt. Đây là nơi dịch mật được sản xuất ra hàng ngày và sẽ được đổ vào dự trữ tại túi mật. Do vị trí của gan là ở phần bên phải, góc hạ sườn, nên khi có bất kỳ tổn thương nào tại gan, hay dịch mật chậm luân chuyển ra khỏi gan, cũng sẽ làm xuất hiện cơn đau ở khu vực này.
Viêm gan, nhiễm virus, gan nhiễm mỡ, sỏi đường mật trong gan hoặc áp xe gan là nguyên nhân chính có thể gây đau đớn ở vùng gan (vùng hạ sườn phải).
Buồn nôn, đầy bụng
Bệnh gan nhiễm mỡ nếu ở thể nhẹ có thể gây tổn thương chức năng gan, buồn nôn, mệt mỏi, đầy bụng…
Nếu đầy bụng khó tiêu mà kèm theo với các triệu chứng khác như là: nước tiểu sậm màu, phân xám, vàng hoặc bạc màu, bị giãn tĩnh mạch, nôn ói, ói mửa, chán ăn, mệt mỏi, trì trệ và suy nhược. Đây có thể là triệu chứng bệnh lý của gan.
Sao mạch (u mạch hình con nhện)
Sao mạch là u mạch hơi nổi trên mặt da từ đó nhánh mạch nhỏ lan tỏa ra xung quanh (giống nhện), thường xuất hiện ở những vị trí như mặt, cổ, lưng, cánh tay, ngực. Khi kiểm tra, dùng đầu ngón tay hoặc một miếng bông ấn vào giữa, “mạng lưới các mạch máu nhỏ” có hình bức xạ có thể mờ dần, sau khi thôi ấn lại xuất hiện trở lại. Thường gặp ở những người viêm gan hoặc xơ gan cấp tính, nhưng cũng có thể nhìn thấy trên cơ thể những người gan nhiễm mỡ.
Suy dinh dưỡng
Khi bị gan nhiễm mỡ do sự tích tụ của chất béo và thiếu vitamin trong chế độ ăn, nên cơ thể dễ xuất hiện triệu chứng thiếu hụt nhiều loại vitamin. Biểu hiện lâm sàng có thể thấy là viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm lưỡi, viêm miệng, bầm da, tăng sừng…Một số ít người cũng có triệu chứng tiêu hóa ra máu, chảy máu nướu, chảy máu cam…
Vàng da
Vàng da là do sự chuyển hóa bilirubin trong cơ thể gặp trở ngại, khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao, xâm nhập vào các mô, nhuộm vàng màng cứng, màng nhầy và da. Khi gan nhiễm mỡ các kiểu vàng da thường là tế bào gan, kiểu vàng da này thường kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Số ít người gan nhiễm mỡ sẽ vàng da thể nhẹ, sau khi chất béo trong gan được loại bỏ, bệnh vàng da sẽ lập tức biến mất.
Rối loạn nội tiết
Nghiên cứu ở nhóm người bị gan nhiễm mỡ nặng cho thấy có nhiều trường hợp bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện rối loạn nội tiết như ở nam giới: tuyến vú nam giới phát triển, teo tinh hoàn, chức năng cương dương gặp trở ngại; ở nữ giới: rong kinh, chậm kinh, mất kiểm soát cân nặng, …
Đau bụng
Đau bụng có thể là hệ quả của viêm gan hoặc căng gan. Tuy nhiên, triệu chứng này không phổ biến lắm. Thông thường, nếu trong trường hợp gan nhiễm mỡ gây đau bụng thì người bệnh sẽ bị đau tập trung ở phần trên bên phải của bụng.
Huyết áp cao
Các nghiên cứu của các nhà khoa học Đức trên 30000 người, đã chỉ ra rằng những người bị gan nhiễm mỡ có chỉ số huyết áp cao gấp 3 lần so với người bình thường. Cho thấy có mối liên hệ giữa cao huyết áp và gan nhiễm mỡ. Do vậy khi huyết áp của bạn quá cao, có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc gan nhiễm mỡ, hãy đi khám ngay. Kiểm soát huyết áp ở ngưỡng cho phép có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
Trên đây là những triệu chứng thường thấy ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không thực sự rõ ràng, nhất là ở những giai đoạn đầu. Do vậy, để chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình, bạn cần có kế hoạch theo dõi, thăm khám sức khỏe thường xuyên.
Cách ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
Chúng ta đều biết ” phòng bệnh hơn chữa bệnh”- thế nên việc chủ động bảo vệ sức khỏe của mình vẫn là điều quan trọng nhất. Để bảo vệ lá gan của mình khỏe mạnh, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
Giảm cân
Với những trường hợp đang bị thừa cân, béo phì, cần phải có kế hoạch giảm cân lành mạnh, đảm bảo trọng lượng phù hợp. Lưu ý, không sử dụng các loại thuốc giảm cân cấp tốc gây mất nước và làm cơ thể mệt mỏi, cũng không gò ép bản thân ăn kiêng dẫn đến thiếu chất và tập luyện quá tải.
Giảm 5% đến 10% trọng lượng, đặc biệt là mỡ ở vòng bụng thực sự cần thiết cho sức khỏe của gan, giúp cải thiện chất béo tích tụ, giảm tổn thương tế bào gan và viêm.
Tập thể dục
Tập thể dục có thể ngăn ngừa và giúp điều trị gan nhiễm mỡ. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân, cải thiện độ nhạy insulin, cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Bên cạnh tập thể dục đều đặn, bạn có thể lựa chọn cho mình môn thể thao có thể tập luyện và vui chơi. Yoga cũng là một gợi ý hay, bộ môn này được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng quan và cải thiện chức năng gan nói riêng.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ích cho gan của bạn rất nhiều.
- Axit béo omega-3 trong dầu cá có thể làm giảm mức chất béo trung tính, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cũng như giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim. Một số nghiên cứu cho thấy chúng cũng có thể làm giảm mỡ trong gan.
- Bổ sung vitamin D, E – vitamin E có khả năng chống oxy hóa, đã được chứng minh trong một số thử nghiệm lâm sàng có thể cải thiện chất béo tích tụ trong gan, vitamin D làm giảm mức độ nghiêm trọng của chất béo và viêm gan.
- Kết hợp gừng, nghệ và tỏi trong các món ăn- đây cũng là các loại thực phẩm rất tốt để ngăn ngừa sự tích tụ mỡ gan.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như thực phẩm có đường và chất tạo ngọt.
- Hạn chế lượng chất béo bão hòa và lượng chất béo chuyển hóa có thể cải thiện khả năng đề kháng insulin và giảm viêm.
- Loại bỏ rượu khỏi chế độ ăn uống của bạn- rượu là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan.
- Tránh lạm dụng thuốc: Paracetamol và một số thuốc giảm đau khác có thể gây tổn thương gan nếu dùng quá liều và dùng trong thời gian dài. Nên uống thuốc theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, tránh lạm dụng thuốc.