Trong quá trình mang thai, cơ thể thai phụ gặp nhiều xáo trộn cả về tâm lý lẫn sức khỏe. Một trong số đó bao gồm việc tăng chỉ số triglyceride máu thai kỳ. Ảnh hưởng của chỉ số này có đáng lo ngại không, có nguy hiểm gì cho mẹ và bé không? Cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây!
Chỉ số Triglyceride là gì?
Triglyceride (TG) hay còn được gọi là chất béo trung tính, là một thành phần mỡ máu (lipid máu) di chuyển cùng cholesterol. Chúng được gọi là chất béo trung tính vì mỗi phân tử chứa 3 axit béo và gốc glyxerin. Sau khi được đưa vào cơ thể, triglyceride sẽ được đưa tới ruột non rồi phân tách và kết hợp với cholesterol để tạo thành năng lượng cho cơ thể sử dụng.
Năng lượng này sẽ được tích trữ chủ yếu tại gan và tế bào mỡ. Khi lượng chất béo triglyceride quá cao, chúng sẽ bám vào các thành mạch tạo nên các mảng mỡ bám vào động mạch, gây cản trở quá trình lưu thông máu. Khi máu không kịp đi nuôi các cơ quan và tế bào sẽ gây ra những tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe như bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, gan nhiễm mỡ,…
Người bệnh có thể xác định chỉ số mỡ máu triglyceride trong cơ thể nhờ vào xét nghiệm máu. Theo Hội tim mạch Hoa Kỳ, mức đánh giá chỉ số triglyceride được phân thành 4 mức như sau:
- Mức bình thường: <150 mg/dL (1,7 mmol/L)
- Mức ranh giới cao: 150 – 199 mg/dL (1.7 – 2 mmol/dL)
- Mức cao: 200 – 499 md/dL (2 – 6 mmol/dL)
- Mức rất cao: >500 mg/dL (6 mmol/dL)
Triglyceride thường tăng trong quá trình mang thai do hoạt động của các hormone. Cơ thể của bạn sử dụng triglyceride để tạo năng lượng giúp cho các chất dinh dưỡng được sử dụng cho em bé đang lớn trong bụng. Mức triglyceride thường đạt ngưỡng cao nhất trong kỳ tam cá nguyệt thứ ba. Nồng độ triglyceride máu bình thường trong thời kỳ mang thai nên là 150 mg/ dL hoặc thấp hơn.
Nguyên nhân tăng Triglyceride khi mang thai
Tâm lý bà bầu thường lo lắng em bé bị thiếu chất và bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng, đôi khi dẫn tới dư thừa và cơ thể không dung nạp hết. Cùng với đó cơ thể nặng khiến cho các mẹ bầu hạn chế vận động, mà đây lại là lý do phổ biến nhất dẫn tới tình trạng tăng triglyceride.
Nguyên nhân dẫn tới chỉ số triglyceride tăng cao khi mang thai có thể kể tới như:
- Chế độ ăn uống không khoa học: Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa (thịt mỡ, da gia cầm, các chế phẩm từ sữa,…) và các chất béo chuyển hóa như bánh quy, bánh ngọt, đồ ăn nhẹ, thực phẩm đông lạnh, ngũ cốc tinh chế,…
- Hạn chế vận động: Nhất là những tháng cuối thai kỳ, khi bụng ngày một lớn, bị xuống máu, chân tay sưng phù khiến chị em ngại vận động. Điều này khiến quá trình chuyển hóa chất béo chậm lại, lượng mỡ máu bao gồm triglyceride tích tụ ngày một nhiều hơn.
- Mẹ bầu có bệnh lý nền: béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ,… nếu không kiểm soát tốt rất dễ làm cho chỉ số triglyceride tăng cao.
- Giữ thói quen xấu: uống rượu bia, hút thuốc lá,… gây rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất béo của cơ thể. Những thói quen xấu này nếu để lâu dài sẽ làm giảm quá trình đào thải mỡ, lượng mỡ tích tụ làm tăng triglyceride máu, nguy hiểm nhất là mạch máu ở tim vào não.
- Áp lực kéo dài: Hầu hết, trong giai đoạn mang thai nội tiết tố thay đổi, cơ thể nặng nề khiến chị em thường xuyên cảm thấy mệt mỏi lo lắng. thậm chí nhiều trường hợp còn trầm cảm, đặc biệt là những thai phụ mang thai lần đầu. Khi đó, quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng, làm tăng hàm lượng mỡ máu bao gồm triglyceride.
Tăng Triglyceride khi mang thai gây ảnh hưởng gì?
Triglyceride máu tăng cao gây cản trở quá trình vận chuyển máu, làm ảnh hưởng xấu đến nhiều tế bào và cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là những cơ quan quan trọng như tim, não,… Hơn thế, đối với phụ nữ mang thai là trường hợp quan tâm đặc biệt, nếu tăng triglyceride không được kiểm soát tốt không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn có thể gây ra những nguy hiểm cho thai nhi.
Đối với thai phụ
Tăng triglyceride trong thai kỳ có thể dẫn tới biến chứng cho mẹ bầu:
Tiền sản giật: Mẹ bầu có chỉ số mỡ máu cao có thể tăng nguy cơ tiền sản giật gấp 2 lần so với thai phụ có chỉ số mỡ máu bình thường.
Bệnh tim mạch: Khi lượng triglyceride tăng cao sẽ giải phóng nhiều chất béo, chúng tích tụ và lắng đọng trong các thành mạch, làm hẹp đường kính thành động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu, mang oxy đi nuôi tim. Nếu mẹ bầu có chỉ số triglyceride tăng cao cùng và có gặp phải hội chứng chuyển hóa thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn gấp 2 lần. Đó có thể là: tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim,…
Tiểu đường thai kỳ: Quá trình mang thai khiến nội tiết tố của người mẹ bị xáo trộn, đặc biệt là sự đề kháng ới insulin. Nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Collorado, Mỹ phân tích rằng khả năng áp chế sự phân giải mỡ của insulin trong giai đoạn cuối thai kỳ suy giảm rõ rệt, làm giai tăng nồng độ axit béo tự do trong máu. Tình trạng này xảy ra cùng triglyceride cao sẽ càng làm cho hiện tượng đề kháng insulin trở nên trầm trọng, tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2.
Gan nhiễm mỡ: lượng triglyceride tăng cao không kiểm soát sẽ sản sinh ra các axit béo, tích tụ trong gan. Khi lượng mỡ tích tụ quá 10% trọng lượng gan sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Ảnh hưởng lên chân: Việc quá nhiều chất béo trong máu tạo ra các mảng bám hình thành trong các động mạch chảy đến chân, có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD). PAD có thể gây đau và tê ở chân, nhất là khi đi bộ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân. Điều này rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, bởi vốn trong quá trình mang thai phần chân của mẹ bầu thường hay sưng phù.
Ngoài ra, một số biến chứng do triglyceride máu tăng cao trong thai kỳ khác gây ra cho thai phụ có thể là: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm gan, suy thận, xơ gan, ung thư gan, sỏi mật,…
Đối với thai nhi
Theo nghiên cứu y khoa, những hợp chất không phân cực và tan trong mỡ sẽ đi qua được nhau thai nhiều hơn những ion hóa hoặc chất ưa nước. Do đó, triglyceride có thể truyền từ máu của mẹ sang thai nhi một cách dễ dàng. Hơn thế, triglyceride còn kết hợp với cholesterol để duy trì năng lượng cho tế bào trong cơ thể và làm tăng nguy cơ làm tăng mỡ máu cho trẻ. (Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỡ máu cao có tính di truyền).
Mặc dù triglyceride cũng góp phần vào sự phát triển của thai nhi, song nếu hàm lượng triglyceride tăng cao không kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng khó lường cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai và về sau này.
Thai phụ cần làm gì để ổn định triglyceride?
Chính bởi những nguy hiểm kể trên mà việc sớm ổn định lượng triglyceride trong quá trình mang thai là vô cùng quan trọng. Các mẹ bầu nên lưu ý những điều dưới đây để kiểm soát tốt và ngăn ngừa tăng triglyceride máu trong thời gian mang thai.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Thai phụ nên bổ sung các loại cá béo vào thực đơn ăn uống của mình
Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cân đối dinh dưỡng, vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho bé mà không làm tăng lượng triglyceride trong máu của mẹ:
- Bổ sung các món ăn từ cá: Cá, đặc biệt là cá béo là thực phẩm giàu omega-3, rất tốt cho hoạt động của tim mạch. Cá còn giúp hỗ trợ phát triển thị giác và trí não cho thai nhi. Các loại cá tốt có thể kể tới như cá hồi, cá trích, các ngừ, cá mòi,… hạn chế các loại các có nồng độ thủy ngân cao như cá kình, cá kiếm,..
- Tăng cường bổ sung chất xơ: Thai phụ nên bổ sung nhiều rau xanh để giúp việc đào thải chất béo tốt hơn. Bên cạnh đó, các nhóm thực phẩm giàu chất xơ thường rất ít cholesterol nhờ đó có thể làm giảm sự thấp thu của đường ruột với lipid. Bên cạnh rau xanh, các mẹ nên lựa chọn các nguồn thực phẩm như gạo lứt, lúa mạch, yến mạch, trái cây tươi,…
- Duy trì chế độ ăn nhạt: để kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch và các biến chứng thai kỳ.
- Tránh các thực phẩm giàu chất béo xấu: đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đã qua tinh chế,… như khoai tây chiên, bánh quy, nước ngọt đóng chai, chế phẩm từ sữa,…
Vận động nhẹ nhàng đều đặn
Vận động nhẹ nhàng và đều đặn trong quá trình mang thai giúp thai phụ duy trì được cân nặng hợp lý, cải thiện hệ tuần hoàn, vận chuyển triglyceride máu dễ dàng, vóc dáng không bị xồ sề sau sinh. Cùng với đó, hoạt chất Endorphin được tiết ra trong quá trình vận động được truyền qua nhau thai, giúp mẹ và bé thư giãn, mang tới trạng thái tinh thần tích cực, rất tốt để loại bỏ căng thẳng, lo âu, quá trình chuyển hóa chất cũng diễn ra trơn tru hơn.
Các bài tập vận động nhẹ nhàng có thể tập ở nhà hoặc những nơi an toàn đơn giản như đi bộ, thiền, yoga. Bạn có thể dành ra khoảng 20-30 phút/ngày để thực hiện. Tuyệt đối không tham gia những môn thể thao mạo hiểm, các bài tập tốn quá nhiều sức lực, cần nghỉ ngơi ngay nếu cảm thấy mệt.
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa về chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Tránh xa thói quen xấu
Những thói quen xấu cần loại bỏ ngay trong quá trình mang thai: uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya, vận động quá lao lực, suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng áp lực kéo dài,…
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Để phòng ngừa tăng triglyceride máu khi mang thai, nếu có kế hoạch mang thai bạn nên sắp xếp thời gian tới các trung tâm y tế để khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khi đó, chuyên gia sẽ cho bạn thời khuyên phù hợp để chuẩn bị cho việc mang thai và tư vấn sức khỏe và chế độ dinh dưỡng tốt nhất để mang thai an toàn.
Theo quy định của Bộ Y Tế Việt Nam, mỗi thai phụ cần được khám thai ít nhất 3 lần trong mỗi thai kỳ. Đối với trường hợp mẹ bầu tăng triglyceride máu thì tần suất khám thai định kỳ cần tăng lên là mỗi tháng một lần để bác sĩ có thể theo dõi và xử trí kịp thời và tốt nhất cho cả mẹ và bé nếu có những diễn biến phức tạp.
Đối với thai phụ có tiền sử mắc bệnh mỡ máu cao, tăng triglyceride máu cao đang lên kế hoạch mang thai cần điều trị bệnh sớm để không gây ảnh hưởng trong quá trình mang thai.
Trên đây là chi tiết những nội dung đáng lưu ý về vấn đề tăng triglyceride trong quá trình mang thai. Mong rằng các mẹ bầu có sức khỏe thật tốt, có một thai kỳ an toàn và mẹ tròn con vuông!