Hiện nay, vấn đề rối loạn mỡ máu (lipid máu) là một trong những mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe trên thế giới. Các tổ chức tại Mỹ và Châu Âu thường xuyên đưa ra các hướng dẫn về quản lí và điều trị rối loạn mỡ máu. Tại Việt Nam, 75% số ca tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch, một con số rất đáng quan ngại. Do đó, vấn đề tăng cường hiểu biết, dự phòng có hiệu quả các bệnh tim mạch, nhất là các bệnh xơ vữa động mạch là rất quan trọng và cấp thiết.
Mỡ máu (Lipid máu) là gì?
Lipid trong cơ thể tồn tại dưới các dạng:
- Lipid dự trữ: chủ yếu là triglycerid còn gọi là mỡ trung tính, được đưa tới các mô mỡ và dự trữ ở các mô mỡ.
- Lipid màng: chủ yếu là phospholipid và cholesterol, tham gia vào thành phần cấu tạo của các tế bào ở các mô, các cơ quan trong cơ thể.
- Lipid vận chuyển trong máu: gồm các acid béo tự do, triglycerid, cholesterol toàn phần, phospholipid. Các lipid này vận chuyển trong máu dưới dạng các lipoprotein.
- Lipid có hai chức năng chính: tham gia cấu trúc tế bào và sản sinh năng lượng. Ngoài ra, lipid còn tham gia vào các hoạt động chức năng của cơ thể như: đông máu, dẫn truyền xung thần kinh, tham gia cấu tạo một số hormone, acid mật và muối mật, ….
Nhu cầu lipid của cơ thể:
- Năng lượng do lipid cung cấp từ 15-20 % nhu cầu năng lượng trong một ngày.
- Cần cung cấp 60-100g lipid/ngày với người trưởng thành, con số này ở trẻ em là khoảng 30-80g lipid/ngày và chủ yếu dưới dạng triglycerid.
Lipoprotein là gì?
Lipid không tan trong nước nên để có thể di chuyển trong máu lipid phải liên kế với protein đặc hiệu gọi là apoprotein để tạo nên các phân tử lipoprotein có khả năng hòa tan trong nước và đây là dạng vận chuyển của lipid trong máu tuần hoàn.
Cấu trúc của lipoprotein
Lipoprotein (LP) là những phần tử hình cầu, bao gồm:
+ Phần nhân chứa đựng những phân tử không phân cực là triglycerid và cholesterol este
+ Xung quanh bao bọc bởi lớp các phân tử phân cực: phospholipid và apoprotein (apo)
+ Giữa 2 phần là cholesterol tự do.
Các apo có vai trò quan trọng trong cấu trúc và chuyển hóa của lipoprotein.
Các loại lipoprotein
Bằng phương pháp điện di và siêu ly tâm người ta phân ra các loại lipoprotein chính theo tỷ trọng là:
- CM (Chylomycron): là lipoprotein lớn nhất, tỷ trọng < 0,95, được tạo thành duy nhất bởi tế bào niêm mạc ruột, thành phần chủ yếu là triglycerid thức ăn, apo chính là C, B-48, E và AI, AII. Chức năng chủ yếu là vận chuyển triglycerid và cholesterol ngoại sinh về gan.
- VLDL (Very low density lipoprotein): là lipoprotein có tỷ trọng rất thấp, được tạo thành chủ yếu ở gan, chứa nhiều triglycerid (65%). Apo gồm B- 100, C và E. Chức năng là vận chuyển triglycerid nội sinh (được tổng hợp từ tế bào gan) vào hệ tuần hoàn.
- IDL (Intermediate-density-lipoprotein): là lipoprotein có tỷ trọng trung gian, là sản phẩm thoái hóa của VLDL trong máu, gọi là VLDL tàn dư (remnant).
- LDL (Low-density-lipoprotein): là lipoprotein có tỷ trọng thấp, là sản phẩm thoái hóa của VLDL trong máu, chứa nhiều cholesterol (50% CE và 10% TG). Phân tử LDL gồm có lõi chứa CE và lớp vỏ chứa apo-B100 còn các apolipoprotein khác chỉ có vết, ở người phần lớn VLDL chuyển thành LDL và apo-B100.
- HDL (High-density-lipoprotein): là lipoprotein có tỷ trọng cao, được tổng hợp ở gan và một phần ở ruột, một phần do chuyển hóa của VLDL trong máu. Thành phần của HDL gồm nhiều protein (55%), TG (5%), cholesterol (20%) và apo chính là A, C, E.
- LP(a) (Lipoprotein(a)): được tổng hợp ở gan với số lượng ít, có cấu trúc tương tự như LDL nhưng có thêm 1 protein gắn vào apo B-100 gọi là apo (a). Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy Lp(a) có thể là yếu tố nguy cơ độc lập của động mạch vành.
Sự chuyển hóa của lipid trong cơ thể
Con đường ngoại sinh
Gọi đây là con đường ngoại sinh vì lipid được đưa từ bên ngoài vào dưới dạng thức ăn (chủ yếu là triglycerid). Sau khi được phân giải và hấp thu ở ruột dưới dạng chylomycron, lipid được đưa đến các mô cơ, mô mỡ để tiêu thụ hoặc tích lũy một phần ở đây. Phần còn lại được vận chuyển đến gan để tham gia vào chu trình nội sinh.
Triglycerid, cholesterol toàn phần, phospholipid từ lipid thức ăn được hấp thu qua niêm mạc ruột non tạo thành chylomycron. Chylomycron theo các bạch mạch đến ống ngực, đổ vào hệ tuần hoàn rồi tới mô mỡ và cơ.
Tại các mô, triglycerid được tách ra nhờ enzym LPL thành glycerol và acid béo, các acid béo được dự trữ hoặc được các mô sử dụng làm nguồn cung cấp năng lượng. Quá trình này xảy ra liên tục làm cho chylomycron bị mất triglycerid, ApoC (trả về cho HDL) và tạo thành chylomycron tàn dư giàu cholesterol.
Chylomycron tàn dư được gắn bắt ở tế bào gan nhờ các thụ thể đặc hiệu với apo B – 48 và apo E có trong thành phần chylomycron tàn dư. Đời sống của chylomycron rất ngắn, chỉ vài phút.
Ở gan, cholesterol được chuyển thành acid mật và đào thải theo đường mật xuống ruột non, một phần cholesterol và triglycerid tham gia tạo VLDL. VLDL này rời gan vào hệ tuần hoàn để bắt đầu con đường vận chuyển hay chuyển hoá lipid nội sinh (còn gọi là chuyển hoá lipid ở mạch máu).
Con đường nội sinh
Gọi đây là con đường nội sinh vì phần lớn lượng lipid có trong cơ thể chúng ta được tổng hợp ở gan. Từ các sản phẩm chuyển hóa của cơ thể như acetyl CoA, gan sẽ thông qua chuỗi phản ứng để tạo thành lipid trong cơ thể.
Con đường này liên quan đến lipid chủ yếu có nguồn gốc từ gan. VLDL giàu triglycerid chứa apoprotein là apo B-100, apo E và apo C được tạo thành ở gan (90%) và một phần ở ruột (10%) vào máu đến các mô ngoại vi, tại đây triglycerid bị tách ra do tác dụng của enzym LPL, đồng thời apo C cũng được chuyển để tạo thành HDL.
VLDL chỉ còn lại apo B100 và apo E và kích thước bị giảm dần. Một enzym khác cũng tác động đến cholesterol của VLDL là enzym LCAT từ gan vào huyết tương, enzym này xúc tác sự vận chuyển acid béo từ lecithin để este hoá phân tử cholesterol tạo thành cholesterol este.
Như vậy, VLDL sau khi giải phóng triglycerid, nhận thêm cholesterol este và mất đi apo C, chuyển thành IDL – tiền chất của LDL. Ở điều kiện bình thường LCAT tạo ra 75-90% cholesterol este trong huyết tương, phần cholesterol este còn lại của huyết tương do gan hoặc ruột sản xuất bởi enzym ACAT (acyl-CoA cholesterol acyl transferase) của nội bào. Do vậy, sự thiếu hụt LCAT gây nên các rối loạn chuyển hóa lipoprotein.
Chuyển hoá của HDL và LDL
LDL Cholesterol (Cholestreol xấu) và HDL Cholesterol (Cholesterol tốt)
+ Lipoprotein tỷ trọng trung gian (IDL) trở lại gan, gắn vào các thụ thể đặc hiệu ở màng tế bào và chịu tác dụng của lipase gan.
+ Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) là chất vận chuyển chính cholesterol trong máu, chủ yếu dưới dạng cholesterol este. LDL gắn với các thụ thể LDL nhận biết ApoB-100 trên màng tế bào gan (70%) và các màng tế bào khác của cơ thể (30%). Các LDL được chuyển vào trong tế bào và chịu sự thoái hóa trong lysosom, giải phóng cholesterol tự do.
Đại thực bào tạo ra từ các monocyt trong máu có thể bắt giữ LDL qua thụ thể thu dọn. Quá trình này xảy ra ở các nồng độ LDL bình thường nhưng được tăng cường khi nồng độ LDL tăng cao và bị biến đổi (LDL bị oxy hóa hoặc glycosyl hóa). Sự bắt giữ LDL bởi đại thực bào ở thành động mạch là yếu tố quan trọng trong bệnh sinh của vữa xơ động mạch. Khi đại thực bào quá tải cholesterol este, chúng chuyển thành các tế bào bọt (foam cell) – một thành phần của mảng vữa xơ.
+ Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) được tổng hợp tại gan hoặc từ sự thoái hóa của VLDL và chylomycron trong máu. Cholesterol tự do được este hóa thành cholesterol este bởi LCAT có trong HDL mới sinh, làm tăng tỷ trọng của HDL. HDL đóng vai trò loại trừ cholesterol thừa, vì vậy nó được gọi là “cholesterol tốt” và là cơ chế chống vữa xơ động mạch quan trọng nhất.
Ở người bình thường, quá trình tổng hợp và thoái hoá lipid diễn ra cân bằng nhau và phụ thuộc vào nhu cầu cơ thể, vì thế duy trì được sự ổn định về nồng độ lipid và lipoprotein trong máu. Khi có sự bất thường, các kiểu rối loạn chuyển hoá lipid sẽ xảy ra.
Hội chứng rối loạn lipid máu
Chẩn đoán xác định rối loạn lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau đây.
Tăng cholesterol huyết tương (TC)
+ Bình thường: cholesterol trong máu <5,2 mmol/L (<200 mg/dL)
+ Tăng giới hạn: TC máu từ 5,2- 6,2 mmol/L (200 – 239mg/dL)
+ Tăng cholesterol trong máu khi >6,2 mmol/L (>240 mg/dL)
Tăng Triglycerid (TG) trong máu
+ Bình thường: TG máu <2,26 mmol/L (<200 mg/dL)
+ Tăng giới hạn: TG từ 2,26 – 4,5 mmol/L (200 – 400 mg/dL).
+ Tăng TG: TG từ 4,5 – 11,3 mmol/L (400 – 1000 mg/dL)
+ Rất tăng: TG >11,3 mmol/L (>1000 mg/dL)
Giảm HDL-C
HDL-C là một lipoprotein có tính bảo vệ thành mạch. Nếu giảm HDL-C là có nguy cơ cao với xơ vữa động mạch:
+ Bình thường HDL-C trong máu >0,9 mmol/L;
+ Khi HDL-C máu <0,9 mmol/L (<35 mg/dL) là giảm.
Tăng LDL-C
+ Bình thường: LDL-C trong máu <3,4 mmol/L (<130mg/dL);
+ Tăng giới hạn: 3,4 – 4,1 mmol/L (130 – 159 mg/dL);
+ Tăng nhiều khi: >4,1 mmol/L (>160 mg/dL).
Rối loạn lipid máu hỗn hợp
Rối loạn lipid máu ngày càng phổ biến, là bệnh lí làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ não thậm chí là tử vong. Bạn nên khám định kì thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm trước khi bệnh chuyển biến nặng hơn.