Để điều trị hiệu quả bệnh xơ vữa động mạch, bạn cần phải biết được nguyên nhân nào gây ra bệnh từ đó sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp với từng căn nguyên ấy.
Nguyên nhân nào gây nên xơ vữa động mạch?
Xơ vữa động mạch hay còn gọi là xơ cứng động mạch là tình trạng các động mạch thường gặp nhất là động mạch ở tim (xơ vữa động mạch vành), não( xơ vữa động mạch cảnh), thận ( xơ vữa động mạch thận), tay, chân ( xơ vữa động mạch ngoại vi ) bị tắc nghẽn bởi các mảng bám được tạo thành từ cholesterol, các chất béo, chất thải tế bào, canxi và fibrin (một chất đông máu trong máu). Dẫn đến tình trạng các động mạch dần bị xơ cứng và thu hẹp khiến lượng oxy và các chất dinh dưỡng khác đến cơ thể bị giảm đáng kể.
Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch dần hẹp lại, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, từ đó, gây ra nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây xơ vữa động mạch chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh được sự hình thành các mảng xơ vữa có liên quan đặc biệt đến sự tổn thương của các tế bào nội mạc.
Nội mạc là lớp tế bào mỏng trong cùng của thành mạch, có vai trò bảo vệ thành mạch và sinh ra các chất chống lại xơ vữa động mạch.
Do vậy, ta có thể hiểu đơn giản, căn nguyên gây xơ vữa động mạch chính là tổn thương lớp nội mạc, các yếu tố tác động làm lớp nội mạc bị tổn thương được xếp vào nguyên nhân gây xơ vữa động mạch bao gồm:
Cholesterol cao
Cholesterol là một chất béo steroid, mềm, màu vàng nhạt, có ở màng tế bào mô trong cơ thể, và được vận chuyển trong huyết tương.
Cholesterol trong máu cao đồng nghĩa mỡ máu tăng dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu và gây nên mảng xơ vữa động mạch làm hạn chế hoặc ngăn cản máu lưu thông đến tim và các cơ quan khác.
Theo nghiên cứu, cứ mỗi 1 mmol/L cao hơn mức trung bình liên kết với 35% nguy cơ tử vong tăng lên do bệnh tim và 25% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Bạn có thể xác định mức độ cholesterol dựa vào bảng chỉ số cholesterol trong cơ thể
Chỉ số Cholesterol toàn phần | Mức độ nguy cơ xơ vữa động mạch |
<5,2mmol/l | Nguy cơ thấp |
5,2 – 6,2mmol/l | Có nguy cơ |
>6,2mmol/l | Nguy cơ cao |
Huyết áp cao
Huyết áp cao tác động lên động mạch khiến nội mạc tổn thương. Khi nội mạc suy yếu, nó không còn khả năng chống lại sự hình thành xơ vữa động mạch, ngược lại còn thu hút các cholesterol xấu cùng các tế bào bạch cầu, lâu dần sẽ hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch.
Huyết áp tăng tăng nguy cơ bị các biến chứng đột quỵ não và bệnh tim mạch lên 3-5 lần.Theo ước tính, mức tăng 5mmHg của huyết áp tâm trương kéo dài, nguy cơ đột quỵ tăng 34% và nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 21%
- Huyết áp tâm thu hay chỉ số trên là mức huyết áp cao nhất trong trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp.
- Huyết áp tâm trương hay chỉ số dưới là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng.
Mức độ cao huyết áp | Huyết áp tâm thu(mmHg) | Huyết áp tâm tương(mmHg) |
Tốt | <120 | <80 |
Bình thường | 120-139 | 80-90 |
Huyết áp cao (GD1) | 140-159 | 90-99 |
Huyết áo cao (GD2) | >160 | >100 |
Tăng huyết áp nghiêm trọng | >180 | >110 |
Đường huyết trong máu cao
Khi lượng đường trong máu cao, độ nhớt của máu cao sẽ làm tăng sự lắng đọng và bám dính của tế bào mỡ lên thành mạch, tạo nên các mảng xơ vữa.
Nguy cơ phát triển chứng xơ vữa động mạch cao gấp 2 đến 6 lần đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ
Vậy chỉ số đường huyết như thế nào gọi là an toàn?
- Đường huyết thấp: < 70 mg/dl (3,9 mmol/l)
- Đường huyết bình thường (khi đói): 70 – 130 mg/dl (4,0 – 7,2mmol/l)
- Đường huyết chấp nhận được (khi no- 2 tiếng sau ăn): 130 mg/dl – 180 mg/dl (7,2 – 10 mmol/l)
- Đường huyết cao: >181 mg/dl (10,1 mmol/l)
Các nguyên nhân rủi ro khác
Ngoài ra còn một số yếu tố không trực tiếp làm tổn thương lớp nội mạc nhưng lại làm tăng nguy cơ huyết áp cao, tăng cholesterol – gián tiếp gây xơ vữa động mạch
- Chế độ ăn : thức ăn nhiều dầu mỡ ( đồ chiên, xào, nấu), nội tạng, da, mỡ động vật – là những chất béo bão hòa thúc đẩy hấp thụ cholesterol tạo thành các mảng xơ vữa.
- Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc là làm tăng nhịp tim và làm co mạch gây ra huyết áp cao. Nguy cơ đau tim tăng gấp 3 lần ở nam giới và 6 lần ở phụ nữ hút 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày so với những người không hút thuốc.
- Lười vận động: Lười vận động làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường
- Do thừa cân, béo phì: trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ làm tăng mỡ máu gây nên các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao. Ở Việt Nam số người tiểu đường bị xơ vữa động mạch chiếm 70%
- Di truyền: Người có tiểu sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hay huyết áp cao sẽ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao gấp 2 lần so với người bình thường .
- Tuổi tác: Tuổi tác cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Theo nghiên cứu, nam giới trên 45 và phụ nữ sau 50 chiếm khoảng 85% các ca xơ vữa động mạch.
Làm thế nào để nhận biết sớm dấu hiệu xơ vữa động mạch?
Ở giai đoạn sớm của xơ vữa động mạch thường không có dấu hiệu rõ rệt. Về sau, các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ hơn do mảng xơ vữa đã phát triển khiến động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn đến mức nó không thể cung cấp đủ máu cho các cơ quan và mô của bạn.
Lúc này, các triệu chứng cụ thể sẽ tùy thuộc vào vị trí tổn thương của các động mạch
Vị trí | Triệu chứng |
Xơ vữa động mạch vành | Đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi |
Xơ vữa động mạch cảnh | Đau đầu, chóng mặt, trí nhớ kém, tê mỏi tay chân, thị lực suy giảm |
Xơ vữa động mạch ngoại biên | Vết thương ở chi lâu lành, đau đớn khi vận động, chuột rút, hoại tử |
Xơ vữa động mạch thận | Ăn mất ngon, phù nề tay chân, khó tập trung |
Cách chuẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch
Bạn sẽ khó có thể biết được mình bị xơ vữa động mạch ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng thường chỉ xuất hiện sau khi tổn thương đã được thực hiện, đừng chờ đợi các triệu chứng phát triển mới nghĩ đến cách điều trị.
Nếu được phát hiện sớm thì việc chữa trị sẽ hiệu quả và đơn giản hơn nhiều. Cách duy nhất để bạn biết về sự có mặt của các mảng xơ vữa sớm nhất đó là kiểm tra sức khỏe định kì.
Do đó khi có nguy cơ bị xơ vữa động mạch, bước đầu tiên bạn nên xét nghiệm máu để phát hiện tỷ lệ cholesterol trong máu xem có ở ngưỡng an toàn không, có bị mỡ máu cao không. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi để phát hiện sớm bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường.
Vì đây đều là những yếu tố gây bệnh. Do đó, để chủ động phát hiện sớm bệnh này, bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân xét nghiệm máu, đo tỷ lệ cholesterol máu ít nhất 5 năm một lần sau tuổi 20.…
Các kỹ thuật chuẩn đoán xơ vữa động mạch thường được áp dụng là
- Siêu âm Doppler (Doppler ultrasound scanning).
- Làm điện tâm đồ (ECG).
- Chụp động mạch vành.
Các kỹ thuật này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và đánh giá chức năng động mạch tim, tình trạng dòng máu tuần hoàn, từ đó xác định mức độ của xơ vữa động mạch.
Làm thế nào để phòng tránh xơ vữa động mạch?
Lối sống tích cực ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành của mảng xơ vữa. Đối với người đang có nguy cơ mắc bệnh thì thay đổi lối sống là biện pháp phòng ngừa đơn giản và mang lại hiệu quả tốt nhất
- Tập thể dục thường xuyên: Luyện tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp ngăn ngừa bệnh lí tim mạch và kiểm soát các yếu tố gây xơ vữa động mạch
- Ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây, protein từ thịt nạc, cá. Hạn chế các chất béo bão hòa, thay thế bằng chất béo tốt từ dầu thực vật như oliu, dầu hướng dương
Bắt đầu bằng cách thay đổi lối sống ở trên ngay cả khi bạn còn khỏe mang lại hiệu quả tốt về lâu dài cho sức khỏe và cuộc sống của bạn
Ngoài ra, kết hợp sử dụng thuốc có thể làm giảm huyết áp, điều chỉnh mức cholesterol không lành mạnh và giảm nguy cơ phát triển cục máu đông nguy hiểm…
Xơ vữa động mạch diễn ra âm thầm nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình
Hi vọng, các thông tin về xơ vữa động mạch nêu trên sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích