Mỡ máu là một chất tự nhiên trong cơ thể rất cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, giống như nhiều thứ khác, nếu dư thừa quá nhiều mỡ trong máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nguy hiểm hơn, bệnh này có thể xảy ra ở bất kì ai, bất kì lứa tuổi nào, và cả người gầy cũng có thể mắc.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại chất sáp (được gọi là lipid hay mỡ) có rất nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm cả việc sản xuất ra các tế bào mới.
Cholesterol có thể được chia thành 2 loại chính: cholesterol trong chế độ ăn uống, được tìm thấy trong thực phẩm chúng ta ăn; và cholesterol huyết thanh, một chất tự nhiên được tạo ra trong cơ thể.
Hãy hình dung cholesterol giống như viên sô cô la M&M trong máu của bạn: lớp lõi là cholesterol và lớp vỏ bên ngoài là protein giúp vận chuyển lipid trong máu và đưa tới các tế bào. Phân tử mà nó mang theo được gọi là lipoprotein và được phân loại là lipoprotein mật độ thấp (LDL ), được gọi là cholesterol xấu hay cholesterol mật độ cao (HDL), cholesterol tốt.
Điều gì làm cho chúng tốt hay xấu được xác định bởi lượng cholesterol trung tâm và vỏ protein. Cholesterol tốt có nhiều protein và ít cholesterol hơn; cholesterol xấu có nhiều cholesterol và ít protein hơn. Thành phần của phân tử cholesterol tốt ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol trong động mạch của bạn, hấp thụ cholesterol trong cơ thể và đưa nó trở lại gan, nơi nó được loại bỏ khỏi cơ thể.
Mức HDL cao hơn đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Mức cholesterol lý tưởng cho hầu hết người trưởng thành là tổng lượng cholesterol dưới 200 mg / dL, dưới 100 mg / dL LDL và trên 60 mg / dL HDL. Nhưng phân tử cholesterol xấu có thể dẫn đến sự tích tụ và tắc nghẽn trong các động mạch, dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
Ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol sẽ làm tăng đáng kể mức cholesterol trong cơ thể
Trong nhiều năm, các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng chế độ ăn nhiều cholesterol sẽ làm tăng mức cholesterol trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chính nguyên nhân di truyền, thay vì từ chế độ ăn uống, sẽ quyết định mức cholesterol trong cơ thể.
Khoảng 85% cholesterol trong cơ thể được sản xuất trong gan, thay vì từ cholesterol chúng ta tiêu thụ. Ngoài ra, người ta tin rằng khi cholesterol trong chế độ ăn uống tăng lên, cơ thể sẽ bù lại và gan bắt đầu sản xuất ít cholesterol hơn.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng con đường tốt nhất để giữ cho trái tim khỏe mạnh hơn là áp dụng chế độ ăn giảm cholesterol. Thật vậy, một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa và kiểm soát cholesterol cao là ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giảm cân (nếu bạn đang quá cân).
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị một chế độ ăn cho người mỡ máu cao bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, sữa ít béo và protein từ thịt nạc, với giới hạn 300 mg cholesterol mỗi ngày và ít hơn 30% lượng calo từ chất béo.
Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có cần dùng thuốc để giảm cholesterol hay không, dựa trên các xét nghiệm về mức cholesterol trong máu của bạn. Nhưng ngay cả những người dùng thuốc cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc thay đổi lối sống, cũng như chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm cân và cai thuốc lá.
Những người gầy có bị máu nhiễm mỡ không?
Đúng là những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng bị cholesterol cao và sự kết hợp giữa tập thể dục và chế độ ăn uống có thể làm giảm mức cholesterol cao. Tuy nhiên, người gầy cũng có thể bị mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Nguyên nhân là cơ thể có cơ chế tự điều chỉnh lipid máu, nếu cơ chế này có vấn đề thì sẽ gây rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu, bất kể bạn đang thừa cân béo phì hay đang gầy.
Hãy hình dung, mỡ trong máu bắt đầu tăng sau 2 – 3 giờ khi ăn nhiều mỡ, đạt mức cao nhất sau 4 – 6 giờ và tới giờ thứ 9 thì trở về mức bình thường.
Thời gian lâu hay mau, mức độ tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại mỡ (dầu thực vật hấp thu nhanh hơn mỡ độngvật), thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày, cường độ nhu động ruột, lượng mật bài tiết, hoạt tính men lipaza tụy và ruột, lượng mỡ trong máu lúc ban đầu…
Thông thường, khi mỡ trong máu đã tăng, dù có ăn thêm mỡ, lipid máu cũng không tăng bao nhiêu. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh lipid máu, do lipid máu tăng sẽ ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của tổ chức phổi, kích thích hệ lưới nội mô gây tăng tiết các hoóc-môn và heparin. Nếu một khâu trong dây chuyền đó có vấn đề thì sẽ gây rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu.
Thêm nữa, mặc dù bạn gầy, nhưng nếu bạn có lối sống rất ít vận động thì có thể có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu cao hơn. Hoặc bạn có một số rối loạn di truyền (ví dụ, tăng cholesterol máu gia đình) có thể khiến mức cholesterol cao hơn, bất kể cân nặng của bạn.
Cũng cần lưu ý rằng khi mọi người già đi, nồng độ cholesterol có xu hướng tăng lên. Đây là lý do tại sao Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị rằng bắt đầu từ tuổi 20, mọi người nên được kiểm tra cholesterol và các tyếu tố nguy cơ khác cứ sau 4 đến 6 năm.
Khi nào tôi cần đi xét nghiệm mỡ máu?
Người lớn
Người trưởng thành khỏe mạnh, không có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác, nên được chỉ định các xét nghiệm lipid lúc đói mỗi 4 đến 6 năm một lần.
Nếu kết quả bất thường, bạn sẽ được xét nghiệm thường xuyên hơn, với bệnh án đầy đủ.
Nếu một người có các yếu tố nguy cơ gây rối loạn lipid máu, hoặc trước đó có rối loạn lipid máu, nên được chỉ định xét nghiệm lipid máu thường xuyên hơn, với hồ sơ lipid đầy đủ, để hướng dẫn chế độ ăn, tập luyện thể dục hoặc theo dõi điều trị.
Các yếu tố tăng nguy cơ rối loạn lipid máu ở người trưởng thành bao gồm:
- hút thuốc lá,
- thừa cân hoặc béo phì,
- chế độ ăn uống không lành mạnh,
- không hoạt động thể chất, không tập thể dục,
- tuổi cao (nam từ 45 tuổi trở lên hoặc nữ từ 50-55 tuổi trở lên),
- tăng huyết áp (huyết áp từ 140/90 trở lên),
- tiền sử gia đình mắc bệnh tim,
- bệnh tim cũ,
- đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường.
Thanh thiếu niên
Thanh thiếu niên nên được chỉ định xét nghiệm một lần trong độ tuổi từ 9 đến 11 và một lần nữa trong khoảng từ 17 đến 21.
Các yếu tố tăng nguy cơ rối loạn lipid máu ở thanh thiếu niên cũng tương tự như ở người lớn, bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao hoặc thừa cân.
Các thanh thiếu niên có nguy cơ rối loạn lipid máu cao nên được chỉ định xét nghiệm lipid máu từ 2 đến 8 tuổi để đánh giá sự thành công của việc thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập thể dục hoặc để đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc (như statin).
Bị mỡ máu nên ăn uống như thế nào?
Để đảm bảo sức khỏe tim mạch và giúp giảm cholesterol, đây là một số khuyến nghị về thực phẩm và chất dinh dưỡng cần có trong chế độ ăn uống của bạn:
- Chất xơ. Chất xơ giúp giảm cholesterol, và có thể giúp bạn giảm cân. Cả chất xơ hòa tan (có trong yến mạch và đậu) và chất xơ không hòa tan (trong trái cây, rau, trái cây và ngũ cốc) có thể giúp giảm cholesterol. Chất xơ liên kết và giúp mang cholesterol dư thừa từ cơ thể của bạn ra bên ngoài. Bạn nên ăn từ 400 – 500 g rau củ mỗi ngày.
- Đậu nành. 25 gram protein đậu nành hàng ngày có thể giúp giảm cholesterol bằng cách giảm quá trình sản xuất cholesterol ở gan và giúp loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi máu. Các chế phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, sữa chua đậu nành, đậu phụ, hạt đậu nành, edaname – cũng có thể giúp bạn giảm mức cholesterol .
- Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Đây là những “chất béo tốt” có trong thực phẩm như dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu canola, bơ, và các loại hạt. Hãy chọn những chất béo này thay cho các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa để giúp giảm mức cholesterol của bạn.
- Rượu vang đỏ. Một ly rượu vang đỏ có thể giúp bạn giảm mức cholesterol trong máu. Rượu vang đỏ có chứa các chất gọi là saponin có thể liên kết với cholesterol và ngăn chặn sự hấp thụ của nó vào máu. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn hãy tự thưởng thức một ly vang đỏ trong bữa tối của mình.
- Axit béo omega-3. Những axit béo này làm cho máu ít có khả năng hình thành cục máu đông, là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn cá hai lần mỗi tuần, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi. Omega-3 còn có trong các nguồn thực phẩm khác như các loại hạt, đậu nành, cải dầu, quả óc chó, hạt lanh…
- Trứng. Năm 2002, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ AHA đã sửa đổi khuyến nghị về trứng, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy trứng không phải là nhân vật phản diện gây ra bệnh tim của bạn. AHA không còn đưa ra khuyến nghị về việc bạn nên ăn bao nhiêu lòng đỏ trứng mỗi tuần, miễn là lượng cholesterol trung bình hàng ngày của bạn dưới 300 mg. Trứng là nguồn cung cấp dinh dưỡng , một nguồn protein tuyệt vời và rất rẻ, phù hợp với tất cả mọi người.
- Cuối cùng, đừng quên tập thể dục. Thể dục thể thao giúp bạn giảm cân, đồng thời tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu. Hãy kết hợp cùng với chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, sữa ít béo và ngũ cốc. Bạn nên dành tổng cộng 30-60 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất (có thể chia ra thành nhiều lần khác nhau trong ngày).
Tóm lại, trong cơ thể chúng ta có khoảng 1/5 lượng cholesterol được tạo nên từ thực phẩm, còn đa phần là do cơ thể chúng ta sản xuất ra. Khi cơ chế tự điều chỉnh lipid máu trong cơ thể gặp trục trặc sẽ gây rối loạn nồng độ mỡ trong máu, do đó nhiều người không ăn mỡ hoặc ăn chay vẫn có thể bị mỡ máu, ngay cả những người gầy cũng có thể bị mắc căn bệnh này.