Lipoprotein mật độ cao (HDL) thường được gọi là cholesterol tốt, vì nó giúp loại bỏ cholesterol dư thừa, và là cơ chế chống xơ vữa động mạch quan trọng nhất. Nếu chỉ số HDL cholesterol giảm thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, đó là lý do bạn cần giữ mức HDL càng cao càng tốt.
HDL Cholesterol là gì?
Cholesterol là thành phần quan trọng của màng tế bào, đóng vai trò là chất chống oxy hóa não và được cơ thể sử dụng để tạo ra các hormone estrogen (hormone sinh dục nữ), progesterone (hormone kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể ) và testosterone (hormone sinh dục nam). Cholesterol còn tham gia vào quá trình tổng hợp acid mật.
Khoảng một nửa cholesterol được bài xuất trong phân sau khi được chuyển thành acid mật, phần còn lại được đào thải dưới dạng sterol trung tính: coprostanol – cholesterol.
Cholesterol không thể tan được trong máu nên được đưa tới các tế bào dưới dạng kết hợp với lipoprotein. Lipoprotein là những phần tử hình cầu, bao gồm phần nhân chứa triglycerid và cholesterol este, xung quanh bao bọc bởi phospholipids, cholesterol tự do và các protein được gọi là các apolipoprotein (apo). Các apo có vai trò quan trọng trong cấu trúc và chuyển hóa của lipoprotein.
Lipoprotein được phân tách thành 4 loại theo tỷ trọng, bắt đầu từ thành phần di chuyển xa nhất đến thành phần di chuyển chậm nhất là: HDL – Cholesterol, LDL – Cholesterol, VLDL – Cholesterol, Chylomicron.
HDL là lipoprotein mật độ cao (high density lipoprotein), được tổng hợp ở gan và ruột, có tỷ lệ protein khoảng 50% và khoảng 50 % lipid (trong đó phospholipid chiếm khoảng 30%, cholesterol ~ 18%, triglycerid 2%). Lượng cholesterol trong HDL được gọi là cholesterol tốt, do cholesterol được HDL vận chuyển từ các tế bào ngoại vi về gan để đào thải ra ngoài bằng đường mật. HDL đóng vai trò loại trừ cholesterol thừa, và là cơ chế chống xơ vữa động mạch quan trọng nhất.
Thành phần cholesterol trong tế bào cũng được điều hòa một phần bởi hệ thống vận chuyển ngược. Apoprotein chủ yếu của HDL là ApoA -1 được tổng hợp tại gan và ruột non.
Các HDL mới được tổng hợp này sẽ tương tác với các tế bào chết và cholesterol được giải phóng từ các tế bào tái sinh. Cholesterol này, dưới tác dụng của men lecithin cholesterol acyl tranferase (LCAT), được ester hóa thành cholesterol – ester bằng cách chuyển các acid béo từ phospholipid tới gắn vào nhóm OH của cholesterol. Phản ứng ester hóa nhằm mục đích lấy cholesterol ra khỏi lipoprotein phòng ngừa cholesterol khuếch tán tới các tổ chức, vì cholesterol giải phóng khỏi gan chủ yếu là cholesterol tự do kết hợp với các lipoprotein huyết thanh. LCAT huyết tương giảm xơ vữa động mạch.
Ngược lại với HDL cholesterol là LDL cholesterol. LDL có vai trò vận chuyển cholesterol tới mô và tương tác với receptor – LDL trên màng tế bào, sau đó được vận chuyển vào trong tế bào. Cholesterol trong LDL còn được gọi là cholesterol xấu.
Ở người bình thường, quá trình tổng hợp và thoái hoá mỡ diễn ra cân bằng nhau và phụ thuộc vào nhu cầu cơ thể, vì thế duy trì được sự ổn định về nồng độ cholesterol trong máu. Khi có sự bất thường, các kiểu rối loạn chuyển hoá cholesterol sẽ xảy ra.
Ý nghĩa chỉ số HDL Cholesterol trong xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể cho bạn biết chính xác chỉ số HDL Cholesterol, LDL Cholesterol và Cholesterol toàn phần trong máu là bao nhiêu. Kết quả xét nghiệm cũng thể hiện mức Triglyceride, là dạng mỡ dự trữ chính ở các tổ chức mỡ dưới da. Mức triglyceride cao có thể khiến bạn dễ gặp vấn đề về tim.
Các chuyên gia khuyên bạn nên xét nghiệm mỡ máu cứ sau 4 đến 6 năm. Bạn có thể sẽ cần xét nghiệm thường xuyên hơn nếu bạn bị bệnh tim hoặc tiểu đường, hoặc gia đình bạn có bệnh cholesterol cao do di truyền.
Ý nghĩa chỉ số HDL Cholesterol trong xét nghiệm máu
HDL Cholesterol là một lipoprotein có tính bảo vệ thành mạch. Nếu HDL Cholesterol giảm là có nguy cơ cao với xơ vữa động mạch.
★ Mức bình thường: ≥ 60 mg/dL
★ Mức ranh giới: 40 – 59 mg/dL (nam); 50 -59 mg/dL (nữ)
★ Mức nguy cơ cao: < 40 mg/dL (nam); <50 mg/dL (nữ)
Nguy cơ khi chỉ số HDL Cholesterol giảm
Cơ thể bạn sẽ gặp vấn đề khi mức HDL cholesterol giảm xuống dưới 40 mg / dL. Vì càng ít HDL trong máu, càng ít LDL được đào thải ra khỏi cơ thể. Các mảng lipid, cholesterol và một số chất khác sẽ làm lắng đọng trên thành động mạch, hình thành các mảng xơ vữa động mạch, thành mạch máu trở nên dày và cứng hơn.
Các mảng vữa này nếu không gây tắc ghẽn hoàn toàn thì cũng có thể dần dần làm cho đường kính của động mạch nhỏ dần lại, gây nên chứng đau thắt ngực. Một sự đau xé ngực mà nạn nhân thường mô tả như bị một cái búa đánh vào ngực, thường xảy ra trong trường hợp tập thể dục, hay làm những công việc đòi hỏi vận động thể lực cao. Hiện tượng này xảy ra vì động mạch bị thắt lại, làm cho máu không lưu thông vào tim theo một tốc độ cần thiết cho thể lực làm việc nặng.
Nếu các mãng vữa này bị vỡ thành từng mảnh nhỏ, nó sẽ thải những chất béo ra ngoài. Những chất béo này kích thích hình thành những cục máu; và những cục máu này lớn dần đến khi chúng làm nghẽn hoàn toàn động mạch. Quá trình này chỉ xảy ra trong vòng vài phút, và hậu quả cuối cùng là chứng huyết khối động mạch vành, bệnh nhân cảm thấy đau đớn không thể chịu nổi. Nạn nhân có thể bị chết vì bệnh nhồi máu cơ tim.
Quá trình này cũng có thể xảy ra ở các động mạch trung bình và động mạch lớn, nhất là các động mạch chuyển máu vào tim, óc, cật, và chân.
Nguyên nhân HDL Cholesterol thấp
Có nhiều lý do tại sao mức HDL của bạn thấp. Nguyên nhân chính trong số này là chế độ ăn nhiều carbohydrate. Một chế độ ăn kiểu này không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn, làm tăng nguy cơ kháng insulin, mà còn có thể làm giảm HDL trong khi tăng cả LDL và triglyceride từ 30% đến 40%.
Các yếu tố khác liên quan đến giảm HDL cholesterol bao gồm:
- Béo phì và hội chứng chuyển hóa
- Bệnh tiểu đường loại 2
- Hút thuốc
- Triglyceride tăng cao
- Dùng thuốc lợi tiểu thiazide liều cao
- Thuốc chẹn beta liều cao
- Bệnh gan nặng
- Bệnh thận giai đoạn cuối
- Bệnh Tangier, một bệnh di truyền hiếm gặp liên quan đến việc giảm HDL nghiêm trọng, mãn tính
- Lối sống ít vận động
Mặc dù chế độ ăn ít chất béo không được coi là lý do đáng kể cho mức HDL thấp mãn tính, nhưng suy dinh dưỡng thì có thể là nguyên nhân, vì vậy bạn cần nên lưu ý và đề phòng.
Cách để tăng HDL Cholesterol hiệu quả?
Mức HDL Cholesterol giảm thường gặp ở những người mắc hội chứng chuyển hóa như béo phì, tăng huyết áp và lượng đường trong máu cao.
Bên cạnh việc giảm cân, hoạt động thể chất có thể làm giảm triglyceride, loại chất béo phổ biến nhất trong cơ thể, đồng thời tăng mức HDL Cholesterol. Bạn nên duy trì 60 phút tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi ngày.
Về chế độ ăn uống, hãy cố gắng tránh chất béo chuyển hóa, vì chúng có thể làm tăng LDL Cholesterol và giảm mức cholesterol HDL. Thực phẩm có nhiều chất béo chuyển hóa như bánh ngọt và bánh quy, các loại thực phẩm chiên và một số loại bơ thực vật. Hạn chế chất béo bão hòa, cũng được tìm thấy trong thịt và các sản phẩm từ sữa nguyên béo.
Nếu bạn hút thuốc, hãy tìm cách bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm giảm mức HDL Cholesterol, đặc biệt là ở phụ nữ, và làm tăng mức LDL Cholesterol và triglyceride.
Sử dụng rượu vừa phải có liên quan đến việc tăng mức cholesterol HDL cao hơn. Đối với người lớn khỏe mạnh, tối đa một ly rượu vang mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi, và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống.
Tuy nhiên, nếu bạn không uống được rượu, đừng bắt đầu uống để tăng mức HDL cholesterol. Quá nhiều rượu có thể gây tăng cân, và có thể làm tăng huyết áp và mức chất béo trung tính triglyceride.
Thuốc có thể làm tăng hoặc giảm cholesterol HDL
Nồng độ HDL cholesterol đôi khi được cải thiện nhờ các loại thuốc dùng để hạ mức LDL và triglyceride – như niacin theo toa; fibrate như gemfibrozil (Lopid); và một số statin, đặc biệt là simvastatin (Zocor) và rosuvastatin (Crestor).
Thuốc có chứa testosterone và các steroid đồng hóa khác có thể làm giảm mức cholesterol HDL của bạn. Tránh các loại thuốc này có thể giúp tăng số lượng HDL của bạn.