Y học hiện đại đã chứng minh được táo mèo có công dụng giảm mỡ máu, hỗ trợ giảm cân và chống béo phì với kết quả rất khả quan. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn đề này.
Các nghiên cứu về Táo mèo
Táo mèo có tên khoa học là Docynia indica, thuộc họ Hoa hồng – Rosaceae. Ở Việt Nam, vị dược liệu này hay được gọi với tên khác như Sơn tra, cây Chua chát, Sán sá.
Táo mèo là loài ưa sáng, thường mọc rải rác trong rừng hoặc thành quần thể thuần loài trong trảng cây bụi, ven đồi, suối, sườn núi ở độ cao 1500-3000m. Ở Việt Nam, Táo mèo được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu (Phong Thổ), Lào Cai (Sapa), Cao Bằng, Sơn La (Bắc Yên: Tạ Xùa), Yên Bái. Trên thế giới Táo mèo phân bố ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan (Sách đỏ Việt Nam, 2007).
Thành phần hóa học chủ yếu của Táo mèo có acid xitric, acid tatric, vitamin C, protid, hydrat carbon, chất béo và tannin. Mới đây người ta còn thấy các acid hữu cơ thuộc loại tritecpen như acid oleanic, ursonic và crataegic và acid chlorogenic. Trong số này, acid chlorogenic và acid ursolic là các thành phần hóa học chính.
Hiện nay đông y và tây y dùng táo mèo với hai mục đích sử dụng khác nhau: Tây thì dùng quả Táo mèo là một vị thuốc có tác dụng chủ yếu trên tuần hoàn (tim và mạch máu), giúp làm tăng sự tuần hoàn mạch máu ở tim, não và tăng độ nhạy của tim đối với các tác dụng của glucozit chữa tim. Táo mèo còn có tác dụng giảm đau, an thần.
Đông y lại coi vị thuốc này chủ yếu có tác dụng trên bộ máy tiêu hóa. Thuốc có vị chua, ngọt, tính ôn, quy vào 3 kinh tỳ vị và can, giúp tiêu hóa các thứ thịt tích tụ trong người. Tài liệu cổ còn ghi chú thêm là Sơn tra có tác dụng phá được khí, hành ứ, hoa đờm rãi, giải độc, chữa tả, lỵ.
Tác dụng hạ mỡ máu của Táo mèo
Y học hiện đại chứng minh chiết xuất Táo mèo có tác dụng giảm mỡ máu và hỗ trợ giảm cân, chống béo phì trên chuột. Như nghiên cứu của tác giả Nguyen T. Thanh Loan (2010) cho thấy sử dụng chiết xuất Táo mèo với liều 650mg/kg làm giảm trọng lượng chuột 9.5%, 3.8% và 8.9% với từng chiết xuất phân đoạn khác nhau của Táo mèo.
Sau 14 ngày sử dụng thì dịch chiết Táo mèo làm giảm các chỉ số mỡ máu trên nhóm chuột có chế độ ăn giàu chất béo như sau: cholesterol toàn phần giảm 10.3%; triglyceride giảm 31.6%; LDL giảm 28.6% và còn làm giảm nồng độ glucose trong máu một cách rõ rệt 14.3% ở nhóm béo phì so với nhóm chứng. Nghiên cứu của tác giả khẳng định tác dụng hạ mỡ máu và giúp giảm cân, điều hòa đường huyết ở nhóm chuột béo phì.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Việt Anh (2017) cho thấy quả táo mèo có chứa những thành phần polyphenol, vitamin C, B và kali cao hơn so với các dạng táo khác nên sản phẩm làm từ quả táo mèo được khuyến cáo có tác dụng tốt cho hệ tuần hoàn máu, phòng chống bệnh tăng huyết áp, chống viêm họng, giảm béo, giảm hàm lượng cholesterol, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, hỗ trợ an thần, tạo giấc ngủ tốt, ngăn chặn quá trình lão hóa, giảm quá trình hình thành tế bào ung thư.
Bài thuốc hạ mỡ máu, hạ men gan từ Táo mèo
Thành phần bài thuốc: Táo mèo 10g, Củ móp (Ráy gai) 20g, Lá sen (Hà diệp) 20g, Vỏ quýt (trần bì) 10g, Ngũ vị tử (sống) 20g, Cam thảo đất 20g.
Táo mèo (Sơn tra nam), Fructus Docyniae
Tác dụng dược lý: làm tăng sự co bóp cơ tim, tăng sự tuần hoàn ở mạch máu tim và mạch máu ở não, điều hòa sự tuần hoàn, giảm sự kích thích của thần kinh.
- Công năng: phá khí, hóa ứ, giải độc.
- Chủ trị: ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, ợ chua, kiết lỵ, cam tích ở trẻ em, trị tích huyết khối, giảm đau.
Củ móp (Ráy gai), Rhizoma Lasiae
- Tác dụng dược lý: tiêu đờm, trừ xuyễn, thanh nhiệt tiêu độc…
- Công dụng và chủ trị: phù thũng, tê thấp, suy gan, chữa ho, đau họng và di chứng sốt rét. Bộ đội miền đông Nam bộ đã dùng rộng rãi để chữa bênh viêm gan, vàng da, cơ thể suy nhược sau khi bị sốt rét có kết quả tốt.
Lá sen (Hà diệp), Folium Nelumbilis Nucifera
Tác dụng dược lý: an thần, chống co thắt cơ trơn, chống shock phản vệ, ức chế loạn nhịp tim, kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn gram (+) và gram (-).
- Công năng: thanh nhiệt, lợi thấp, tán ứ, an thần.
- Chủ trị: cảm phong nhiệt, mất ngủ, sốt xuất huyết, rối loạn lipid máu, chảy máu
Vỏ quýt (Trần bì), Pericarpium Citri Reticulatae Perenne
Tác dụng dược lý: kích thích tiêu hóa
- Công năng: hành khí, kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm
- Chủ trị: đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, ho khạc nhiều đờm, đầy tức ngực
Ngũ vị tử, Fructus Schizandrae
Tác dụng dược lý: làm điều hòa huyết áp và tăng biên độ co bóp cơ tim, tăng nhịp tim, kích thích hô hấp, kích thích hệ thần kinh trung ương, bảo vệ chống độc hại gan trên thực nghiệm
- Công năng: có tác dụng liễm phế, cố thận, cố tinh, chỉ mồ hôi, cường âm, bổ ngũ tạng, thêm tinh, trừ nhiệt, ích thận, sinh tân dịch
- Chủ trị: liệt dương, thận hư, tiểu tiện trắng đục, đau buốt hai bên sườn lưng, chữa viêm phổi và ho lâu có đờm.
Cam thảo đất (Cam thảo nam), Herba et Radix Scopariae
Tác dụng dược lý: phòng chống các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu cao do ngăn cản sự tiêu hao mô và dẫn tới sợ tiêu thụ tốt hơn protein trong chế độ ăn, làm giảm mỡ trong mô mỡ
- Công năng: Chữa sốt, chữa ho, giải độc cơ thể, loét dạ dày, thanh nhiệt, giảm ngứa, cầm tiêu chảy
- Chủ trị: Nước sắc cam thảo nam dùng chữa ho, sốt, say sắn độc. Thụt nước ép cam thảo nam chữa ỉa chảy. Ở đảo Angti, người ta dùng rễ cam thảo nam làm thuốc thu sáp chữa kinh nguyệt nhiều. Trị cảm sốt, ho hen. Điều trị dị ứng, mày đay, rôm sảy, eczema, lở ngứa