Gan nhiễm mỡ là bệnh không quá xa lạ với mọi người, nhất là trong cuộc sống hiện đại, tỉ lệ mắc bệnh có chiều hướng tăng cao hơn. Có nhiều thắc mắc gửi về rằng: ” Bệnh gan nhiễm mỡ có di truyền không?” Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về bệnh lý gan nhiễm mỡ và giải đáp đây có phải căn bệnh di truyền không.
Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong bài tiết, chuyển hóa cũng như nội tiết của cơ thể. Chính vì vậy khi lá gan bị tổn thương toàn bộ cơ thể cũng chịu tác động không nhỏ.
Gan nhiễm mỡ bệnh lý được hiểu là tình trạng lượng mỡ chiếm vượt quá 5% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ tùy theo mức độ bệnh tăng dần mà người ta phân cấp thành gan nhiễm mỡ độ 1, độ 2, độ 3. Ở giai đoạn 1, khi gan có lượng mỡ chưa cao, chưa xuất hiện các triệu chứng rõ rệt, bệnh chưa nguy hiểm bạn nên lựa chọn điều trị sớm. Ở giai đoạn sau đó, bệnh nặng hơn và nếu không kịp thời điều trị có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng như xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Nguyên nhân dẫn tới gan nhiễm mỡ
Người ta thường phân loại gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu, chính vì vậy, rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Trong quá trình lọc bỏ rượu, gan có thể tạo ra các chất độc hại khiến gan bị tổn thương, tích tụ mỡ thừa và gây gan nhiễm mỡ.
Ngoài rượu, những nguyên nhân khác gây gan nhiễm mỡ cần kể tới như:
- Béo phì: là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể thường xuyên cung cấp lượng chất béo triglyceride vượt ngưỡng cơ thể có thể hấp thu thì sẽ có hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết, tạo thành nguy cơ gan nhiễm mỡ.
- Bệnh đái tháo đường: Ở bệnh nhân đái tháo đường, axit béo tự do trong máu sẽ tăng điều động trường hợp bệnh nhân hạ đường huyết. Tăng sử dụng axit béo tự do từ mô mỡ vào máu, gan chuyển hóa axit béo tự do thành triglyceride.
- Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng khiến cơ thể không thể tổng hợp được apolipoprotein làm cho chất triglyceride tích tụ trong gan, lâu ngày sẽ gây mỡ thừa trong gan.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị mỡ máu hoặc sử dụng thuốc isoniazid điều trị lao phổi có thể có tác dụng phụ làm thay đổi việc tổng hợp protein, gây tổn thương gan và khiến gan nhiễm mỡ.
Bệnh gan nhiễm mỡ có di truyền không?
Gan nhiễm mỡ chủ yếu do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh gây ra, chính vì thế gan nhiễm mỡ thực chất không phải là một bệnh lý di truyền. Tuy nhiên bệnh tiểu đường, mỡ máu cao… có yếu tố di truyền, bởi vậy nếu bạn có mắc những bệnh lý này thì bạn có thể có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là bệnh không có nhiều biểu hiện cụ thể để nhận biết. Bởi vậy, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cần chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt và có kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh hợp lý.
Cần làm gì để phòng ngừa gan nhiễm mỡ?
Giữ chỉ số BIM lý tưởng
Bạn cần tính toán chỉ số BMI cơ thể, nếu như thuộc nhóm thừa cân hay béo phì thì cần thực hiện chế độ giảm cân an toàn. Lưu ý, là cần giảm cân từ từ không nên giảm quá nhanh, nếu giảm quá 2 kg mỗi tuần sẽ khiến chức năng gan suy giảm, dễ mắc các bệnh lý về gan.
Tập thể dục thường xuyên
Lười vận động sẽ khiến cơ thể bạn trở nên chậm chạp hơn, lượng chất béo tiêu thụ không chuyển hóa được khiến bạn dễ béo phì, gan nhiễm mỡ.
Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và cả lá gan của bạn. Cố gắng duy trì thói quen tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích. Các bài tập từ đơn giản như đi bộ, chạy bộ, hít thở, tay không,… tới các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, yoga,… có thể giúp bạn tăng cường chức năng gan, ngăn ngừa mỡ tích tụ trong gan, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Xây dựng chế độ ăn khoa học có thể giúp bạn bảo vệ lá gan của mình, giảm gánh nặng cho gan, giúp gan hoạt động hiệu quả hơn.
Bổ sung các thực phẩm tốt cho gan:
- Thực phẩm chứa chất béo tốt( omega 3, omega 6): cá mòi, cá trích, cá hồi
- Thực phẩm giàu chất xơ: rau cải, rau bina, bơ, yến mạch,…
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: vitamin B3, B12, C, D, E
Hạn chế các thực phẩm tích mỡ cho gan:
- Thực phẩm nhiều muối
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ
- Thực phẩm nhiều đường và bột tinh chế
- Thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh
Hạn chế tiêu thụ rượu bia, đồ uống có cồn
Theo khuyến cáo của WHO và hướng dẫn của Bộ y tế, lượng rượu cho phép nạp vào không gây hại cho cơ thể là ít hơn 2 đơn vị rượu mỗi ngày hoặc ít hơn 14 đơn vị mỗi tuần. Một đơn vị rượu tương đương với 10gram rượu nguyên chất.
Hãy tiêu thụ rượu ở mức độ cho phép, thay thế rượu bằng những loại nước uống tốt cho gan.
Cẩn thận khi dùng thuốc
Bất kỳ một loại thuốc nào khi vào cơ thể đều phải qua giải độc ở gan vì thế khi lựa chọn thuốc để dùng cần phải cẩn thận, đề phòng tác dụng phụ độc hại của thuốc.
Đặc biệt những thuốc gây tổn thương cho gan tuyệt đối không được dùng để tránh làm cho gan bị tổn thương nặng hơn.
Hạ cholesterol và triglyceride
Theo dõi lượng chất béo bão hòa và lượng đường để giúp giữ mức cholesterol và tryglyceride trong tầm kiểm soát. Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ để giảm cholesterol, hãy tham khảo chuyên gia về việc dùng thuốc.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường và gan nhiễm mỡ thường xuất hiện cùng nhau. Chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp bạn quản lý cả hai bệnh này.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Lên kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ, đây là việc cần thiết giúp bạn có thể theo dõi được sức khỏe của bản thân, kịp thời có hướng chăm sóc phù hợp, điều chỉnh lại sinh hoạt nếu . Hơn nữa, bệnh gan nhiễm mỡ không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, cho nên kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn sớm phát hiện được bệnh và có hướng điều trị kịp thời.