Tăng cholesterol trong máu là một trong những nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… Xơ vữa động mạch cảnh cũng là một nguyên nhân dẫn đến đau tim, đột quỵ. Vì sao lại có tình trạng cholesterol cao trong máu, nó gây ra những hậu quả nặng nề gì, cách điều trị ra sao? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Cholesterol trong máu là gì?
Lipid máu (mỡ máu) có thành phần gồm cholesterol và triglyceride, được vận chuyển dưới dạng các chất có phân tử lượng lớn trong máu với tên gọi là lipoprotein.
Bên cạnh protein (apoprotein), cholesterol, cholesteryl ester và triglycerid, các lipoprotein còn vận chuyển các chất chống oxy hóa như vitamin E, Polyphenol từ thức ăn và coenzym Q10.
Lipoprotein được chia thành 5 nhóm chính:
- chylomicron,
- lipoprotein trọng lượng phân tử rất thấp (VLDL),
- lipoprotein trọng lượng phân tử trung bình (IDL)
- lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL)
- lipoprotein trọng lượng phân tử cao (HDL)
IDL và LDL có vai trò vận chuyển cholesterol tới các tế bào nên là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tích tụ cholesterol dư thừa, dẫn đến xơ vữa động mạch
Ngược lại, HDL có vai trò vận chuyển cholesterol từ các tế bào về gan để đào thải ra ngoài, nên có tác dụng ngăn ngừa và làm chậm xơ vữa
Triglyceride trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (tốt). Nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ tăng lên đáng kể khi nồng độ triglyceride lúc đói tăng trên 1.5mmol/l, nếu tăng trên 1.9mmol/l, nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ tăng lên 30% so với mức dưới 1.5mmol/l.
Tăng LDL cholesterol sẽ làm tăng lipid máu. LDL cholesterol chiếm 60-70% cholesterol toàn phần, là nguyên nhân gây xơ vữa. Vì vậy, LDL cholesterol được coi là mục tiêu điều trị chính trong gần như mọi chiến lược điều trị rối loạn mỡ máu.
Cholesterol cao gây bệnh gì?
Xơ vữa động mạch
Tế bào nội mạc thành động mạch bị sang thương gây hư hỏng tế bào, tế bào mất chức năng bảo vệ mạch, trong đó có có vai trò của tăng huyết áp, hút thuốc lá, hoá chất, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn và virus, miễn dịch…
Khi nội mạc bị bộc lộ, tiểu cầu sẽ tập trung vào đó và kết dính lại, giải phóng ra yếu tố tăng trưởng (PDGF). Monocyt – đại thực bào và các tế bào nội mạc cũng tiết ra yếu tố tăng trưởng (MDGF, EDGF). Tế bào cơ trơn bị kích thích sẽ di chuyển từ lớp trung mạc ra lớp nội mạc và tăng sinh ở đó.
Tế bào cơ trơn và đại thực bào có cảm thụ tiếp nhận LDL bị biến đổi thành các tế bào không có khả năng tự điều chỉnh mức hấp thụ cholesterol và trở thành “tế bào bọt” tích đầy cholesterol este, đến khi bị quá tải thì và ra đổ cholesterol ra xung quanh, lớp nội mạc dày lên, cản trở dinh dưàng tổ chức và trở nên dễ hoại tử.
Sau cùng tổ chức liên kết phát triển, xâm nhập, tạo nên vạch lipid, mảng vữa xơ đặc trưng. Vạch lipid là những vạch màu vàng nhạt, hơi gồ trên bề mặt nội mạc, tích tụ lipid, chủ yếu là cholesterol este trong các tế bào bọt và dọc các sợi collagen, sợi đàn hồi.
Các mảng vữa xơ có thể hình thành trên nội mạc động mạch lành khi có tăng LDL máu do LDL chuyển hoá không hết, dễ bị oxy hoá, các LDL nhỏ, đặc, chui vào lớp dới nội mạc. Tại đây các tế bào monocyte được hoá hướng động trở thành các đại thực bào. Đại thực bào, tế bào nội mạc, tế bào cơ trơn, tiểu cầu và cả lymphocyt T cũng tham gia vào oxy hoá LDL.
Đại thực bào thu nhận LDL oxy hoá trở thành các tế bào bọt và vì không có khả năng tự điều chỉnh cholesterol, khi quá tải thì đổ cholesterol ra ngoài tế bào tạo nên các vạch lipid. Ngòai ra LDL còn gây độc cho tế bào nội mạc, làm cho tế bào nội mạc bị tổn thương và không có khả năng hồi phục, cảm thụ hoạt động màng tế bào bị rối loạn.
Tăng LDL còn làm các mảng vữa xơ dễ mất tính ổn định: lớp vữa dày thêm, nội mạc và lớp xơ bị tổn thơng, bề mặt mỏng đi, suy yếu, không chắc, dễ bị nứt loét, tạo điều kiện cho tiểu cầu kết tập, hình thành huyết khối làm hẹp lòng mạch
Xơ vữa gây tổn thương ở động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu não gây tai biến mạch não, tổn thương động mạch hai chi dưới gây viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân.
Tăng huyết áp
Theo thống kê, có tới 79% những người tăng huyết áp mắc tình trạng cholesterol cao. Xơ vữa động mạch có thể làm hẹp động mạch thận, đây có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp hoặc làm nặng thêm các trường hợp đã có tăng huyết áp từ trước đó
Viêm tụy cấp
Một trong các nguy cơ cao trên lâm sàng là khi triglycerid tăng quá cao có thể gây viêm tụy cấp. Triglyceride cao chiếm tới 10% trong các nguyên nhân gây viêm tụy, đặc biệt khi tăng cao trên 10 mmol/l (880 mg/dl). Nhiều trường hợp xảy ra viêm tụy ngay cả khi triglycerid chỉ 5 – 10 mmol/l (440 – 880 mg/dl).
Nguyên nhân cholesterol cao
Khi đề cập tới nguyên nhân gây ra tình trạng cholesterol cao, người ta thường xem xét đến nhiều yếu tố: sự lão hóa của cơ thể, chế độ ăn nhiều lipid, hệ thống gen bị lỗi…
Nguyên nhân tiên phát
Các nguyên nhân tiên phát là các đột biến đơn hoặc đa gen, hậu quả là làm tăng sản xuất hoặc giảm đào thải triglyceride và LDL cholesterol (loại xấu), hoặc giảm sản xuất HDL Cholesterol (loại tốt). Bệnh nhân sẽ gặp tình trạng tăng cholesterol kèm theo các biểu hiện của xơ vữa động mạch sớm trước tuổi 30 và tiền sử gia đình bị xơ vữa động mạch.
Nguyên nhân thứ phát
Các nguyên nhân thứ phát là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tăng cholesterol ở người trưởng thành. Trong đó nguyên nhân quan trọng bậc nhất là lối sống tĩnh tại, kết hợp với chế độ ăn quá nhiều chất béo no và cholesterol. Tiếp đó phải kể đến sự lão hóa của cơ thể theo độ tuổi dẫn đến suy giảm chức năng chuyển hóa của các cơ quan, trong đó có hệ thống enzyme chuyển hóa lipid.
Các nguyên nhân khác bao gồm: bệnh lý rối loạn chuyển hóa carbonhydrat mà điển hình là đái tháo đường type 2, uống quá nhiều rượu, xơ gan mật tiên phát, dùng nhiều thuốc lợi tiểu thiazid, lạm dụng corticoid, estrogen…
Các nguyên nhân này gây tăng triglyceride, LDL Cholesterol và làm giảm HDL Cholesterol. Mỗi nguyên nhân gây ảnh hưởng ít nhất tới một thành phần mỡ máu.
Nguyên nhân gây tăng cholesterol máu
- Ăn quá nhiều mỡ động vật.
- Ăn quá nhiều thức ăn có chứa nhiều cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ, sữa toàn phần…).
- Thừa cân.
- Tăng cholesterol gia đình.
- Rối loạn mỡ máu kiểu hỗn hợp có tính chất gia đình.
- Tăng cholesterol máu do rối loạn hỗn hợp gen.
- Hội chứng thận hư.
- Suy giáp.
- Đái tháo đường.
- Bệnh lý gan tắc nghẽn.
- Các bệnh gây rối loạn protein máu, đau tuỷ xương, macroglobulinemia.
Nguyên nhân gây tăng triglyceride máu
- Thiếu hụt gen lipase tiêu huỷ lipoprotein hoặc apoprotein CII.
- Tăng triglyceride có tính chất gia đình.
- Béo phì.
- Uống quá nhiều rượu.
- Đái tháo đường.
- Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm kéo dài.
Nguyên nhân gây giảm HDL Cholesterol
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Lười vận động thể lực.
- Đái tháo đường type 2.
- Tăng triglyceride máu.
- Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm kéo dài.
- Rối loạn gen chuyển hoá HDL-C.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch
Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến bệnh tim mạch, trong đó nồng độ cholesterol được xếp vào loại yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Ngoài ra còn có những yếu tố yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được liên quan đến lối sống và không thể điều chỉnh được bằng thuốc, vì vậy bạn bắt buộc phải thay đổi lối sống.
Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của bệnh tim mạch
- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol (cholesterol toàn phần hoặc LDL cholesterol )
- Giảm HDL cholesterol
- Đái tháo đường
- Béo phì (vòng bụng lớn: nam > 90cm; nữ > 80cm, hoặc BMI > 25kg/m2)
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Lối sống (ít tập thể lực, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, cường độ căn thẳng cao và dùng nhiều rượu )
Những đối tượng có nguy cơ cao xảy ra các biến cố tim mạch
- Tiền sử bệnh tim mạch
- Tiền sử bệnh mạch não
- Đái tháo đường
- Bệnh thận mạn mức độ trung bình hoặc nặng
- Tiền sử gia đình tăng cholesterol máu
- Tiền sử gia đình có bệnh mạch vành biểu hiện triệu chứng dưới 45 tuổi
- Cholesterol huyết thanh > 7,5 mmol/l
- Cao huyết áp
- Thiểu năng tuyến giáp
- Bệnh gan tắc mật
Chỉ số cholesterol mục tiêu
Giá trị cholesterol mục tiêu của mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc nguy cơ tính toán trên từng cá thể và các bệnh mắc kèm.
Chỉ số cholesterol mục tiêu đối với người có nguy cơ bệnh mạch vành thấp
- LDL cholesterol < 4 mmol/l
- Triglyceride < 2 mmol/l
- HDL cholesterol > 1 mmol/l
- Cholesterol toàn phần < 5,5 mmol/l
Chỉ số cholesterol mục tiêu đối với người có nguy cơ cao sử dụng liệu pháp điều chỉnh lipid máu
- Cholesterol toàn phần < 4,0 mmol/l
- LDL-C < 2,5 mmol/l
- HDL-C >1,0 mmol/l
- Triglycerid < 1,5 mmol/l
Điều trị tăng cholesterol bằng cách thay đổi lối sống
Nếu bạn bị cholesterol tăng cao, nên áp dụng biện điều chỉnh lối sống trước. Nếu không đạt hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng thuốc bên cạnh các thay đổi về lối sống vẫn tiếp dục diễn ra. Cần xem xét và cân đối lại chế độ dinh dưỡng hàng năm.
Quy tắc SNAP
- S: quit Smoking (dừng hút thuốc lá)
- N: better Nutrition (chế độ dinh dưỡng tốt hơn)
- A: moderate Alcohol (sử dụng rượu mức độ vừa phải)
- P: more Physical activity (tăng cường tập thể dục)
Dừng hút thuốc lá
Một hóa chất có trong thuốc lá có tên là acrolein ngăn chặn “cholesterol tốt” (HDL) vận chuyển “cholesterol xấu” (LDL) đến gan, dẫn đến nồng độ cholesterol cao và thu hẹp động mạch ( xơ vữa động mạch ). Điều này có nghĩa là hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính cho cả đau tim và đột quỵ.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức cholesterol sẽ giảm ngay khi bạn ngừng hút thuốc. Sau mỗi tháng khi bỏ thuốc, nồng độ LDL tiếp tục giảm.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn
Kiêng ăn chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa. Thay bằng các thực phẩm carbohydrat (đường, tinh bột, và chất xơ), thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn hoặc đa, thực phẩm giàu chất xơ. Các loại thực phẩm này có tác dụng giảm LDL cholesterol một cách độc lập.
Bạn có thể thấy được hiệu quả trong vòng 4-6 tuần. Những bệnh nhân có đáp ứng tốt có thể giảm lượng LDL cholesterol tới 30%. Các thực phẩm từ thực vật có chứa sterol cũng có thể làm giảm cholesterol toàn phần từ 1.3-3.8%.
Nên ăn các thực phẩm có chứa acid béo omega -3 như các loại các béo, dầu cá vì có tác dụng làm giảm triglycerid. Các acid béo chính trong dầu cá bao gồm EPA và DHA có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Nên sử dụng khoảng 500mg DHA – EPA mỗi ngày (tỷ lệ EPA:DHA = 3:2)
Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành nên sử dụng 1000mg DHA – EPA mỗi ngày. Bệnh nhân tăng triglycerid cần bắt đầu với liều 1200 mg mỗi ngày và tăng dần liều đến 4000 mg DHA- EPA mỗi ngày.
Sử dụng rượu mức độ vừa phải
Bạn cần giới hạn lượng rượu sử dụng hàng ngày. Nam giới mỗi ngày không uống quá 330ml bia hay 120 ml rượu vang hay 30ml rượu whisky. Phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới.
Tăng luyện tập thể lực
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm LDL cholesterol khoảng 5% bên cạnh thay đổi chế độ ăn và sử dụng thuốc.
Thời gian vận động tối thiểu là 30 phút, trung bình từ 45 – 60 phút là tốt nhất, và phải liên tục, trong hầu hết tất cả các ngày trong tuần. Nếu bạn đi bộ, tốc độ đi khoảng 10km/giờ tức là đi nhanh mới đạt mục tiêu giảm mỡ thừa.
Thống kê cho thấy 2 giờ sau ăn tối đi bộ khoảng 40 – 60 phút thì lượng chất béo tiêu hao nhiều nhất, có thể làm giảm sự thèm ăn, rất có lợi cho sự giảm cholesterol và triglycerid máu.
Các thuốc hạ cholesterol
Nếu việc thay đổi lối sống và chế độ ăn không đưa được các chỉ số lipid máu về ngưỡng mục tiêu thì khi đó bệnh nhân cần phải sử dụng thêm các thuốc điều trị rối loạn lipid máu để đạt được mục tiêu điều trị.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao (> 15% trong vòng 5 năm tiếp theo ) xảy ra các biến cố tim mạch là những đối tượng không cần tính toán nguy cơ tim mạch, mà có thể bắt đầu điều trị ngay bằng các loại thuốc điều trị cholesterol cao với một chế độ dinh dưỡng thích hợp.
- Nhóm thuốc statin là nhóm thông dụng nhất (nhóm thuốc này được kết thúc bằng đuôi “statin”). Trong đó có các loại atorvastatin 10mg; atorvastatin 20mg; simvastatin 10mg…
- Ngoài ra, thuốc hạ cholesterol còn có nhóm thuốc fibrat (kết thúc bằng đuôi fibrat). Trong đó có fenofibrat (lypanthyl), ciprofibrat (lipanor), berafibrat (beralip)…
- Nhóm niacin là vitamin nhóm B có tác dụng tốt trong điều trị bệnh mỡ máu. Trong đó có thuốc hạ cholesterol máu niacin 500mg. Viên uống giúp giảm cholesterol và bổ tim cholest – off Plus; thuốc giảm mỡ máu chol best; lipitor 20mg, lipitor 40mg…
Tuy nhiên, các loại thuốc tân dược này thường đi kèm với những tác dụng phụ.
Tác dụng không mong muốn của statin là gây ảnh hưởng đến cơ như đau cơ, yếu cơ, viêm cơ và tiêu cơ vân. Ngoài ra, statins còn gây độc với gan, làm tăng enzym gan, do đó khi sử dụng statin bệnh nhân cần được kiểm tra định kỳ chức năng gan và nếu nồng độ các enzym gan cao hơn 3 lần mức giới hạn bình thường thì không sử dụng statin trong điều trị.
Tác dụng không mong muốn thường gặp của fibrates là rối loạn tiêu hóa, phát ban trên da, gây viêm tụy, làm tăng men gan, giảm tiểu cầu, gây rối loạn đông máu và viêm cơ, nhược cơ. Nguy cơ gặp các biến chứng ở cơ sẽ tăng lên khi sử dụng phối hợp fibrates với statins.
Bệnh nhân cần dùng thuốc dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ vì thuốc ngoài tác dụng hạ mỡ trong máu còn có hại cho gan và gây nhiều tác dụng phụ khác.