Chúng ta đã được nghe nhiều về cholesterol và tác hại của nó đến sức khỏe ra sao. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có nguy cơ bị cholesterol cao mà không nhận ra điều đó. Khoảng 45% phụ nữ trên 20 tuổi có tổng lượng cholesterol từ 200 mg/dl trở lên, được xem là bị tăng cholesterol. Nhưng có đến ba phần tư phụ nữ nói rằng họ thậm chí không hiểu chỉ số cholesterol có ý nghĩa gì.
Tìm hiểu về cholesterol
Bạn có thể biết rằng quá nhiều cholesterol sẽ nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Nhưng cụ thể cholesterol là gì? Nó đến từ đâu? Có phải tất cả cholesterol đều xấu không?
Cholesterol là một chất sáp được tìm thấy trong mọi tế bào trong cơ thể. Nó được tạo ra từ gan hoặc hấp thụ từ thực phẩm. Cơ thể bạn cần cholesterol để tạo ra các hormone steroid quan trọng như estrogen, progesterone và vitamin D. Nó cũng được sử dụng để tạo ra axit mật trong gan; những chất này hấp thụ chất béo trong quá trình tiêu hóa.
Vì vậy, cholesterol là chất quan trọng với cơ thể. Vấn đề ở đây là, nếu bạn có quá nhiều cholesterol thì không tốt chút nào. Lượng cholesterol dư thừa trong máu có thể bám vào các thành mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch, hoặc xơ cứng động mạch. Đây là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và các vấn đề về mạch máu khác.
Cholesterol toàn phần là thước đo tổng lượng cholesterol lưu thông trong máu, bao gồm hai thành phần chính:
- LDL cholesterol: LDL là viết tắt của lipoprotein mật độ thấp, hay còn gọi là cholesterol xấu, trực tiếp góp phần vào sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
- HDL cholesterol: HDL là viết tắt của lipoprotein mật độ cao. Nó được gọi là cholesterol tốt vì HDL mang các cholesterol dư thừa mang trở về gan để đào thải ra ngoài cơ thể.
Khi các hạt LDL cholesterol dư thừa tích tụ vào niêm mạc động mạch, giống như cặn xà phòng đóng trong đường ống, nó dính vào thành mạch, tạo ra một phản ứng viêm và cơ thể bạn bắt đầu chuyển đổi thành mảng bám. Mảng bám trong mạch máu làm cho thành mạch cứng hơn và hẹp hơn, hạn chế lưu lượng của máu đến các cơ quan quan trọng như não và cơ tim, dẫn đến huyết áp cao. Ngoài ra, mảng bám này có thể vỡ ra, gây nên một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Sự tích tụ này có thể bắt đầu từ những năm 20 tuổi.
Những điều cần biết về triglyceride
Ngoài cholesterol, bạn có thể nghe bác sĩ đề cập đến chất béo trung tính triglyceride, một loại chất béo khác được tìm thấy trong máu. Phụ nữ nên đặc biệt chú ý đến chất béo này. Chỉ số triglyceride cao dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ cao hơn so với nam giới.
Khi bạn nạp nhiều calo hơn mức cần thiết, cơ thể bạn sẽ chuyển đổi lượng calo dư thừa thành triglyceride, sau đó được lưu trữ trong các tế bào mỡ. Triglyceride được cơ thể sử dụng làm năng lượng, nhưng triglyceride dư thừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Uống nhiều rượu và ăn thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate đơn giản (như thực phẩm có đường và tinh bột), thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ góp phần làm tăng mức triglyceride trong máu. Chỉ số này cao cũng có thể là do các tình trạng sức khỏe như bệnh tiểu đường, tuyến giáp hoạt động kém, béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc bệnh thận.
Triglyceride cũng lưu thông trong máu và góp phần hình thành mảng bám. Nhiều người có chỉ số triglyceride cao thường có các yếu tố nguy cơ khác gây xơ vữa động mạch, bao gồm mức LDL cholesterol cao hoặc mức HDL cholesterol thấp, hoặc lượng đường trong máu (glucose) bất thường. Các nghiên cứu di truyền cũng đã chỉ ra một số mối liên quan giữa triglyceride và bệnh tim mạch.
Nhận biết cholesterol cao ở phụ nữ
Cholesterol là một thành phần tự nhiên trong máu của mọi người. Tuy nhiên, khi bạn có quá nhiều chất béo này, bạn sẽ bị tăng lipid máu, tăng cholesterol máu hoặc cholesterol trong máu cao. Đây là một yếu tố nguy cơ chính gây ra đau tim, bệnh tim và đột quỵ.
Mức cholesterol của phụ nữ có thể dao động khá nhiều sau khi mãn kinh, và có xu hướng tăng theo tuổi tác, khiến nữ giới có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn. Hiểu được chỉ số cholesterol và cách kiểm soát chúng là một bước tiến lớn để bảo vệ cho sức khỏe tim mạch.
Xét nghiệm máu là cách chính xác nhất để biết về tình trạng mỡ trong máu của bạn đang ra sao. Vậy chỉ số mục tiêu nên là bao nhiêu?
Chỉ số | Mức bình thường | Mức ranh giới | Mức nguy cơ cao |
Total Cholesterol
TC |
<200 mg/dL (5,1 mmol/L) |
200–239 mg/dL (5,1–6,2 mmol/L) |
≥240 mg/dL (6,2 mmol/L) |
Cholesterol tốt
HDL – C |
≥60 mg/dL (1,5 mmol/L) |
Nam: 40–59 mg/dL (1,0–1,5 mmol/L)
50–59 mg/dL (nữ) (1,3–1,5 mmol/L) |
Nam: <40 mg/dL (1,0 mmol/L)
Nữ: <50 mg/dL (1,3 mmol/L) |
Cholesterol xấu
LDL – C |
<100 mg/dL (2,6 mmol/L) (bình thường)
100–129 mg/dL (2,6–3,3 mmol/L) (gần đạt) |
130–159 mg/dL (3,3–4,1 mmol/L) | 160–189 mg/dL (4,1–4,9 mmol/L) (nguy cơ cao)
≥190 mg/dL (4,9 mmol/L) (nguy cơ rất cao) |
Triglycerid
TG |
<150 mg/dL (1,7 mmol/L) | 150–199 mg/dL (1,7–2,2 mmol/L) | 200–499 mg/dL (2,2–5,6 mmol/L) (nguy cơ cao)
≥500 mg/dL (5,6 mmol/L) nguy cơ rất cao |
Phụ nữ có dễ bị cholesterol cao không?
Nội tiết tố nữ estrogen giúp làm tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt). Vì vậy phụ nữ có ít nguy cơ bị cholesterol cao, khi so với nam giới. Sự sản xuất estrogen cao nhất là trong thời kỳ sinh đẻ.
Nhưng, giống như rất nhiều thứ khác, mọi thứ thay đổi ở thời kỳ mãn kinh. Tại thời điểm này, nhiều phụ nữ trải qua một sự thay đổi lớn về mức cholesterol: cholesterol toàn phần, cholesterol xấu tăng và cholesterol tốt giảm. Khi đó phụ nữ tiền mãn kinh với chế độ ăn tốt, thường xuyên vận động, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá… thì vẫn chưa đủ để giữ cho cholesterol không tăng lên. Nếu bạn gần mãn kinh thì điều quan trọng là bạn phải kiểm tra cholesterol và trao đổi ý kiến với bác sĩ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cholesterol cao là vấn đề của riêng phụ nữ lớn tuổi. Nguyên nhân gây ra chứng cholesterol cao còn đến từ nhiều yếu tố khác như: lối sống không lành mạnh; đang mắc các bệnh thận, gan, tuyến giáp hoạt động kém; di truyền cholesterol cao từ gia đình…
Mọi người nên bắt đầu kiểm tra cholesterol ở tuổi 20, nên bắt đầu kiểm tra cholesterol ở tuổi càng sớm càng tốt. Ngay cả trẻ em, đặc biệt đối với trẻ có người trong gia đình mắc bệnh tim mạch vẫn có nồng độ cholesterol cao và tiên lượng những trẻ em này có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch sớm hơn khi đạt đến tuổi trưởng thành.
Làm thế nào để giảm cholesterol?
Ăn kiêng và lối sống lạnh mạnh rất quan trọng để giúp duy trì mức cholesterol khỏe mạnh. Ngay cả đối với những phụ nữ được khuyến cáo dùng thuốc giảm cholesterol, một lối sống lành mạnh sẽ giúp những loại thuốc này hoạt động tốt hơn. Dưới đây là các cách duy trì lối sống lành mạnh, giúp hạ chỉ số cholesterol về mức bình thường:
- Giữ cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc và tập thể dục ít nhất 30 phút năm ngày trở lên mỗi tuần.
- Ăn nhiều trái cây, rau, cá, ăn nhiều chất xơ.
- Tránh đồ uống có đường và nước ép trái cây – thay vào đó hãy chọn nước và trà không đường.
- Giảm thiểu lượng carbohydrate đơn giản như đồ nướng và kẹo.
- Uống rượu ở mức độ vừa phải, đặc biệt nếu bạn có mức triglyceride tăng cao.
- Ăn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa ở mức độ vừa phải – ví dụ như dầu ô liu; các loại hạt như óc chó, quả hồ đào, hạnh nhân; các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi và cá ngừ.
Nếu chế độ ăn uống và lối sống không đưa các chỉ số cholesterol về mức mong muốn, bạn có thể được điều trị bằng thuốc giảm cholesterol, chẳng hạn như statin. Xơ vữa động mạch rất phức tạp và cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố không phải từ cholesterol bao gồm tuổi tác, di truyền, huyết áp, hút thuốc và tăng lượng đường trong máu. Quyết định sử dụng statin dựa trên nguy cơ đau tim và đột quỵ chung của phụ nữ, bao gồm tất cả các yếu tố này, và không dựa trên bất kỳ giá trị cholesterol LDL cụ thể nào. Điều quan trọng là bạn cần tuyệt đối tuân theo lời bác sĩ và không được tự ý sử dụng thuốc để tự điều trị.