Béo phì không những làm gia tăng các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hệ xương khớp. Vậy béo phì ảnh hưởng đến bệnh xương khớp như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết về các bệnh lý xương khớp phổ biến ở người béo phì trong bài viết dưới đây.
Béo phì là gì và cách nhận biết béo phì?
Thừa cân, béo phì là tình trạng mỡ bị tích lũy quá mức tại một vùng hoặc toàn thân và gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì sẽ không chỉ là việc thay đổi vóc dáng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao.
Để nhận biết được bạn có bị thừa cân béo phì hay không, y học đã dùng phương pháp tính chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể). Đây là một cách nhanh chóng và đơn giản để giúp xác định những người thừa cân hoặc béo phì. Dưới đây là công thức tính BMI và bảng chỉ số cơ thể:
Tuy nhiên, công thức này không phải lúc nào cũng xác định được đúng người bị béo phì. Bởi vì, cân nặng của mỗi người bao gồm cả phần cơ và phần mỡ nên chỉ số này sẽ không đúng với một số đối tượng như:
- Những người làm vận động viên, tập thể hình, cầu thủ bóng đá… thường có chỉ số BMI cao nhưng tỷ lệ mỡ thấp nên không được coi là béo phì.
- Nhiều người lại tỷ lệ mỡ cao, mỡ tập trung nhiều ở vùng bụng, ngực, đùi, mông nhưng chỉ số BMI thấp thì vẫn bị xem là béo phì.
- Ở một số người chỉ số BMI bình thường nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ thể lại vượt mức an toàn thì vẫn là người bị béo phì và đây được gọi là béo phì thể ẩn.
Vì vậy, xác định lượng mỡ dư thừa trong cơ thể mới chính là thước đo chính xác nhất để xác định xem người đó có bị béo phì không. Với nữ giới, lượng mỡ vượt quá 30% và nam giới là vượt quá 25% so với trọng lượng cơ thể thì được coi là béo phì.
Việc cơ thể tích trữ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng chẳng hạn thân hình nặng nề, chậm chạp, nhiều người có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, và đặc biệt là bệnh xương khớp.
Mối quan hệ giữa béo phì và hệ thống xương khớp
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp. Lượng cân dư thừa sẽ gây áp lực lên các khớp xương và đặc biệt là vùng lưng, hông, háng, đầu gối và bàn chân. Nếu bạn tăng thêm 1kg trọng lượng cơ thể thì áp lực đè xuống khớp gối và hông có thể tăng lên tới 8 kg.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ở những người béo phì mật độ xương khá cao nên sẽ khiến cho chất lượng xương suy giảm và rất dễ mắc bệnh về xương khớp.
Đầu tiên, những tổn thương liên quan đến xương khớp chỉ là do yếu tố cơ học. Tình trạng béo phì kéo dài theo thời gian sẽ làm phá hủy các sụn trong khớp và gây hư hỏng và dẫn đến tình trạng loãng xương, tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp, đau xương khớp. Ngoài ra, người bệnh còn phải chịu ảnh hưởng của mô mỡ tổng hợp nhiều hóc môn và các yếu tố phát triển gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn đẫn đến thoái hóa nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, lượng mỡ dư thừa trong cơ thể sẽ sản xuất ra các protein gọi là cytokine gây viêm khắp cơ thể. Các cytokine phá hủy mô bằng cách thay đổi các chức năng của các tế bào sụn. Khi lượng mỡ dư thừa càng nhiều thì cơ thể càng sản sinh ra nhiều protein.
Các bệnh xương khớp phổ biến ở người béo phì
Nguyên nhân chính gây béo phì là do cơ thể bị mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì thường có những thói quen sau: sự dụng nhiều thức ăn nhanh, thức ăn nhiếu chất, ăn ít rau, uống nhiều nước ngọt, bia rượu, phụ nữ sau khi sinh, trong gia đình có nhiều người bị béo phì, dân cư đô thị, nhân viên văn phòng…
Béo phì chính là tình trạng gia tăng trọng lượng cơ thể và tích tụ mỡ thừa trên khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bụng, đùi, ngực… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người béo phì dễ mắc các bệnh xương khớp trong đó có thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút.
Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết các bệnh xương khớp thường gặp do béo phì:
Thoái hóa khớp
Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp ở người thừa cân, béo phì cao gấp 4 đến 5 lần so với người bình thường. Khớp gối và khớp háng chính là vị trí dễ bị tổn thương nhất khi bị béo phì vì đây là 2 khớp chịu áp lực lớn từ trọng lượng của cơ thể. Theo số liệu nghiên cứu, béo phì làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối và thoái hóa khớp háng lần lượng là 1,7%, 0,6% và 0,6% trên mỗi đơn vị BMI.
Béo phì làm tăng trọng lượng của cơ thể từ đó làm tăng áp lực lên sụn khớp khiến cho sụn khớp bị nứt, vỡ vụn làm tổn thương sụn và đầu xương bên dưới sụn. Ngoài ra, lượng mỡ thừa trong cơ thể gia tăng sẽ làm xuất hiện các gai xương ở quanh khớp khiến cho khớp bị đau nhức hơn khi vận động.
Theo ý kiến của BSCKII Nguyễn Thị Lan, trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện Hữu Nghị, giảm cân có thể giúp giảm bớt được các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp và đồng thời có thể giúp cho bệnh tiến triển chậm hơn. Chỉ cần giảm bớt 5kg trọng lượng cơ thể thì nguy cơ tiến triển của bệnh thoái hóa khớp cũng giảm xuống 50%.
Khi bị thoái hóa khớp và đồng thời bị béo phì nếu không có các biện pháp giúp giảm cân hiệu quả sẽ làm cho bệnh thoái hóa khớp tiến triển nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, để điều trị thoái hóa khớp ở những người béo phì trước tiên là cần giảm cân và kết hợp cùng với các phương pháp điều trị bằng thuốc phù hợp với mức độ nghiêm trọng của bệnh để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng sụn khớp hoặc vị trí nối giữa các khớp xương bị tổn thương. Những tổn thương kéo dài và không được khắc phục kịp thời sẽ tăng nguy cơ viêm nhiễm, gây ra những cơn đau nhức, khó chịu cho người bệnh.
Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp do 3 lí do sau:
- Béo phì làm tăng hàm lượng chất béo trong cơ thể từ đó kích thích cho quá trình viêm phát triển. Chất béo có khả năng sinh sinh ra các Protein, trong đó có loại Cytokine – chất có khả năng gây ra tình trạng viêm nhiễm ở mức độ nhẹ và có thể gây hại cho các các khớp xương và tăng nguy cơ viêm khớp.
- Không chỉ vậy, hàm lượng chất béo cao còn gây ức chế và giảm tác dụng của thuốc trong quá trình điều trị viêm khớp làm cho bệnh tiến triển nặng hơn. Cụ thể là, đã có cuộc khảo sát so sánh giữa người béo phì và người không béo phì cùng sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp trong 12 tháng cho thấy, khả năng hấp thụ thuốc của người bị béo phì thấp hơn 50% so với người có cân nặng bình thường.
- Trọng lượng của cơ thể gât tác động trực tiếp tới các khớp xương: Khi bị béo phì sẽ gây áp lực lớn tới các khớp xương, đặc biệt là các vùng xương háng, đầu gối, các khớp cổ chân,… Khi áp lực đè nặng lên xương khớp diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra những tổn thương cho xương và gây ra nhiều bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là bệnh viêm khớp dạng thấp.
Các bệnh lý về cột sống
Cột sống được coi là trụ cột của cơ thể. Cột sống có chức năng nâng đỡ và giữ cân bằng cơ thể. Cấu trúc của cột sống được thiết kể để chịu trọng lượng nhất định của cơ thể. Tình trạng thừa cân béo phì làm cho trọng lượng của cơ thể vượt quá mức, từ đó làm đẩy phần khung xương chậu về phía trước dẫn đến tình trạng căng lưng dưới và đau lưng dưới.
Thêm nữa, trọng lượng cơ thể vượt quá mức còn làm cho cột sống phải gánh chịu thêm áp lực, khiến cho cột sống bị quá tải và dễ bị tổn thương. Cột sống thắt lưng là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi trọng lượng cơ thể tăng vượt mức.
Thừa cân, béo phì có thể gia tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến cột sống sau đây:
- Thoát vị đĩa đệm: sức ép mà trong lượng gia tăng lên cột sống theo thời gian sẽ khiến bao xơ của đĩa đệm trở nên mỏng dần và tăng nguy cơ chấn thương.
- Đau lưng dưới: sức ép của cân nặng chèn ép lên cột sống sẽ khiến cho khung xương chậu bị đẩy về phía trước làm cho cơ lưng bị siết chặt, gây căng cơ và khiến người bệnh thường xuyên bị đau nhức cột sống lưng.
- Thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống: 2 đốt sống lưng L4, L5 là vị trí chịu áp lực nhiều nhất trong đoạn cột sống lưng. Vì vậy, thừa cân sẽ làm gia tăng áp lực lên vùng cơ thắt lưng đoạn L4 – L5. Theo thời gian, cột sống sẽ mất tính vững chắc, dẫn đến chứng lệch đốt sống hoặc thoái hóa cột sống lưng.
Loãng xương
Béo phì làm tăng lipid trong máu có tác dụng trực tiếp làm giảm mật độ xương. Nghiên cứu in vitro đã chứng tỏ rằng, lipid trong máu bị ôxy hóa sẽ kích thích hủy cốt bào và ức chế tạo cốt bào trong mô xương, từ đó làm giảm mật độ xương và gây loãng xương. Cơ chế này gây ảnh hưởng gián tiếp đến mật độ xương.
Mặt khác, khi lipid trong máu cao dưới tác dụng của các gốc tự do, bị ôxy hóa sẽ dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, gây nên bởi tăng lipid máu. Xương là cơ quan được nuôi dưỡng từ máu trong cơ thể. Xơ vữa động mạch sẽ làm cho xương không được cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc xây dựng mô xương, dẫn đến bị mất xương và loãng xương.
Béo phì còn làm cho cấu trúc của đốt sống bị thay đổi. Nếu bạn bị loãng xương, cơ thể sẽ mất khoảng 25% đến 30% mật độ xương cần thiết.
Bệnh gout
Theo nhiều thống kê cho kết quả, tỷ lệ bệnh gút tăng ở những người tăng thêm 10% trọng lượng cơ thể tăng và trên 50% người mắc bệnh gout có dư thừa cân trên 20% trọng lượng cơ thể.
Ở người béo phì và người mắc bệnh gout đều có đặc điểm chung là bị rối loạn chuyển hóa. Với người béo phì, tình trạng này xảy ra không chỉ đối với protid mà cả glucid và lipid. Việc bổ sung quá nhiều đồ ăn khiến cơ thể bị thừa chất, tăng chuyển hóa và sinh bệnh.
Béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout trong một số trường hợp sau:
– Do chế độ dinh dưỡng của người béo phì chứa nhiều chất đạm, chất béo làm cho purin chuyển hóa thành axid uric khi vào cơ thể khiến người béo phì gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
– Béo phì làm tăng tổng hợp axit uric máu, do bị rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể bởi việc bổ sung chế độ ăn thừa chất dinh dưỡng. Đồng thời, béo phì còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu, khi mỡ máu tăng sẽ làm suy giảm khả năng đào thải axit uric – chất trực tiếp gây bệnh gout. Theo thống kê, có đến 50% số người bị béo phì mắc bệnh gout, và trong số 70% người bị gout thì bị kèm theo bệnh mỡ máu.
– Sử dụng rượu bia có thể ức chế khả năng đào thải axit uric ra ngoài cơ thể qua thận. Do vậy có thể gây ra béo phì và làm tăng nguy cơ bị gout.
Như vậy, béo phì không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh gout, nhưng béo phì là yếu tố nguy cơ rất lớn dẫn đến căn bệnh này.
Phòng ngừa béo phì giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp
Thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp ngăn ngừa nguy cơ béo phì là chế độ dinh dưỡng giàu các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nhưng ít calo.
Ngoài ra, bạn nên thiết lập một số thói quen sau:
- Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và ngũ cốc, các loại thịt nạc… tránh những món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, không nên sử dụng đồ ăn nhanh – tác nhân gây bệnh béo phì nhanh chóng.
- Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, và các loại nước có ga.
- Ăn đủ bữa, nếu thường xuyên có cảm giác bị đói bụng thì nên chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa để xua đi cảm giác đói và cơ thể vẫn được cug cấp đủ chất. Đặc biệt, bạn không nên bỏ bữa sáng vì nó có thế khiến cho cơ thể mệt mỏi, tạo cảm giác đói đói nhiều và làm cho bữa sau bạn ăn nhiều hơn bình thường gây dư thừa năng lượng và tăng tích mỡ.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày có thể là nước lọc, sữa tươi không đường hoặc các loại nước ép trái cây tươi. Tránh sử dụng các loại nước ép đóng chai vì nó chứa hàm lượng đường cao và các chất bảo quản không tốt cho sức khỏe.
Tập luyện đều đặn
Hiệu quả của việc ngăn ngừa béo phì đến từ 70% chế độ dinh dưỡng hợp lý và 30% còn lại là từ việc đều đặn tập luyện thể dục. Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý bạn cũng cần thực hiện đồng thời các bài tập thể dục để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Có rất nhiều bài tập thể dục cho bạn lựa chọn như: Chạy bộ, bơi lội, đi bộ nhanh, leo cầu thang, yoga, tập gym… Bạn nên lựa chọn bộ môn phù hợp và bạn cảm thấy thích nó thì mới có thể kiên trì tập luyện trong thời gian dài. Dù là bài tập nào bạn cũng nên luyện tập đều đặn từ 150 đến 300 phút mỗi tuần để ngăn ngừa tăng cân.
Theo dõi cân nặng của bạn thường xuyên
Việc theo dõi cân nặng có thể cho bạn biết rằng liệu những nỗ lực của bạn có cho kết quả tốt hay không và có thể giúp bạn phát hiện bạn có nguy cơ tăng cân trước khi chúng trở thành vấn đề lớn hơn.
Tuy nhiên đối với những bạn béo phì đang trong quá trình giảm mỡ, không nên quá áp lực về cân nặng, bởi vì cân nặng không quyết định hoàn toàn liệu bạn có bị béo phì hay không. Đặc biệt là với những người nặng cơ, dù họ sở hữu cân nặng lớn nhưng họ vẫn khỏe mạnh.
Tóm lại, thừa cân béo phì gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các bệnh lý về xương khớp. Ngoài ra, nó còn làm cho tình trạng bệnh diễn biến xấu đi theo thời gian mặc dù đã áp dụng một số biện pháp điều trị y khoa. Chính vì vậy, cho dù bạn đang có nguy cơ béo phì, đang béo phì và thậm chí là có cân nặng khỏe mạnh bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp duy trì mức cân nặng khỏe mạnh. Bạn có thể ngăn ngừa béo phì bằng cách: bổ sung chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiên trì. Các biện pháp này không chỉ giúp bạn giảm cân, giữa cân mà còn giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức khỏe cho hệ xương khớp.