Triglyceride là một loại chất béo trung tính đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và tham gia vào hầu hết các hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, cần phải kiểm soát lượng triglyceride ở ngưỡng cho phép. Vậy triglyceride cao có nguy hiểm không? Làm cách nào để ngăn ngừa?
Chỉ số Triglyceride bao nhiêu là cao?
Triglyceride là một loại chất béo trung tính có trong máu và mô mỡ. Lượng calo không tiêu thụ hết sẽ được cơ thể chuyển hóa thành triglyceride. Sau khi cơ thể tiêu hóa triglyceride sẽ được tiêu thụ dưới dạng năng lượng tế bào khi di chuyển trong mạch máu. Khi cơ thể có quá nhiều loại chất béo này có thể góp phần làm cứng và thu hẹp các động mạch. Tình trạng này về lâu dài có thể khiến bạn có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
Các bệnh như tiểu đường, béo phì, suy thận hoặc nghiện rượu có thể gây ra chất béo trung tính cao. Thông thường, triglyceride cao xảy ra cùng với mức cholesterol cao. Triglyceride được đo cùng với cholesterol như là một phần của xét nghiệm máu.Dưới đây là bảng đánh giá chỉ số triglyceride mà Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra:
Nồng độ mg/dL | Nồng độ mmol/L | Giải thích |
<150 | < 1.69 | Bình thường, nguy cơ thấp |
150 – 199 | 1.7 – 2.25 | Cảnh báo |
200 – 499 | 2.26 – 5.65 | Cao |
>500 | > 5.56 | Rất cao |
Triglyceride cao có nguy hiểm không?
Nồng độ triglyceride tăng cao có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này là do triglyceride làm giảm mức cholesterol HDL (mỡ tốt), tạo điều kiện lý tưởng cho sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Kết quả là có thể dẫn tới tình trạng hẹp mạch máu và có nguy cơ hình thành cục máu đông tăng lên. Ngoài ra nồng độ Triglyceride cao còn là mối đe dọa sức khỏe, có thể gây ra các tình trạng mệt mỏi cho đến trở thành nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cụ thể:
☛ Dễ mệt mỏi: triglyceride cao, mỡ tích tụ tạo thành các mảng bám dọc thành động mạch, gây thiếu máu não dẫn tới cơ thể hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi.
☛ Tăng nguy cơ đột quỵ và tim mạch: hàm lượng triglycerides cao góp phần làm hạn chế lưu lượng máu trong các mạch máu cung cấp cho não- đây là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ.
☛ Viêm tuyến tụy: Triglyceride nếu tăng vượt mức sẽ khiến các acid béo tự do tăng cao làm tổn thương tế bào tụy, làm tăng các chất trung gian của phản ứng viêm và các gốc tự do, hệ quả là viêm tụy. Biểu hiện thường thấy là sốt, đau bụng dữ dội, nôn mửa. Nếu dịch tiêu hóa rò rỉ ra ngoài tuyến tụy có thể đe dọa đến tính mạng.
☛ Nguyên nhân dẫn đến bệnh Gout: xét nghiệm triglyceride cho chỉ số cao cũng có thể gây viêm tụy cấp tính, làm tăng axit uric – nguyên nhân chính gây bệnh gout.
☛ Suy giảm chức năng gan: Triglycerides sẽ được vận chuyển tới gan để thải trừ, tuy nhiên gan chỉ có thể chuyển hóa một lượng triglycerides nhất định vì thế triglycerides sẽ tồn đọng quanh gan, hình thành các bọng mỡ bám lấy gan và xâm lấn tế bào gan, gây ra các bệnh gan mãn tính như gan nhiễm mỡ, sẹo gan, khi lượng mỡ nhiều hơn có thể bị viêm gan nhiễm mỡ, thậm chí ung thư gan.
☛ Bệnh tiểu đường tuýp II: đây là bệnh lý này dễ xuất hiện ở những người có chỉ số triglyceride cao.
☛ Đau và tê chân chân: có quá nhiều triglyceride trong máu tạo ra các mảng bám hình thành trong các động mạch chảy đến chân, có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD). PAD có thể gây đau và tê ở chân, đặc biệt là khi đi bộ, và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân.
☛ Trí tuệ suy giảm: Nghiên cứu chỉ ra rằng triglyceride cao có thể làm hỏng các mạch máu bên trong não từ đó làm tích tụ amyloid( một loại protein độc hại).
Cách ngăn ngừa triglyceride cao hiệu quả
Duy trì mức triglyceride ở ngưỡng cho phép giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy,…
Kiên trì thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây, chúng sẽ giúp cải thiện và duy trì nồng độ triglyceride có lợi cho sức khỏe của bạn.
Tăng cường vận động: Hình thành thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của bạn, có thể làm giảm triglyceride và tăng cholesterol “tốt”. Hãy cố gắng dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày tham gia các hoạt động thể chất. Việc đơn giản nhất là đi bộ, chạy bộ hoặc lựa chọn môn thể thao mà bạn yêu thích. Tốt hơn nữa là kết hợp vận động nhẹ trong thời gian bạn làm việc, thời gian rảnh.
Tránh đường và carbohydrate tinh chế: Chúng thường có trong các thực phẩm như bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh
- Giảm cân: Lượng calo bổ sung được chuyển đổi thành triglyceride và được lưu trữ dưới dạng chất béo. Việc giảm lượng calo sẽ làm giảm chỉ số triglyceride. Giảm 5% đến 10% trọng lượng thực sự cần thiết cho sức khỏe của bạn, giúp cải thiện chất béo tích tụ, giảm tổn thương cho các tế bào, đặc biệt là đối với những người béo phì, thừa cân quá nhiều. Tuy nhiên, bạn cần phải lựa chọn phương pháp giảm cân an toàn.
- Bổ sung chất béo tốt: Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe bao gồm cá chứa axit béo omega-3 như cá thu, cá hồi, các loại hạt như hạt dẻ, óc chó, bơ… Tránh chất béo chuyển hóa, thực phẩm có dầu hoặc chất béo hydro hóa.
- Hạn chế tiêu thụ rượu/cai rượu: Thay thế rượu bằng các loại thức uống tốt nhiều dinh dưỡng hơn, ví dụ như nước lọc, trà hoa bụp giấm, nước cam…
- Hạn chế ăn uống sau 8 giờ tối: Thời điểm tốt nhất dành cho người bệnh là nên ăn vào khoảng 6 giờ 30 – 7 giờ tối. Sau thời điểm này thức ăn được đưa vào cơ thể khó hấp thu hơn,thời gian tiếp theo phần lớn là ngủ, nên không tiêu tốn nhiều năng lượng. Lượng mỡ thừa dễ đọng lại tại thành mạch.
- Giảm căng thẳng, áp lực: Bạn có thể lựa chọn xem những chương trình giải trí hoặc làm bất kỳ việc gì bạn yêu thích để giải tỏa áp lực.
- Không nên thức khuya: Nghiên cứu chỉ ra người thức khuya thường dễ mệt mỏi vì thiếu ngủ, dễ tăng cân và có mức chỉ số triglyceride cao hơn những người ngủ đúng và đủ giấc. Thường xuyên thức khuya còn ảnh hưởng đến nội tiết khiến tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tăng triglyceride kèm theo tích tụ chất béo ở thành bụng và cơ mông( gây béo phì).