Gan nhiễm mỡ là khi tế bào gan tích tụ quá nhiều chất béo, to lên, trơn láng và có màu nhạt hơn bình thường.Gan nhiễm mỡ hiện nay đang được rất nhiều người biết đến và cũng đang là mối lo ngại hàng đầu trong cộng đồng dân cư, nó được xem là “bệnh lý thời hiện đại”. Nếu không được điều trị, bệnh dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Sau khi khám bệnh hay khám sức khỏe định kỳ, qua siêu âm bụng tổng quát, chúng ta hay thấy kết quả được bác sĩ ghi là gan nhiễm mỡ. Đây là điều làm cho nhiều người hết sức lo lắng. Đôi khi đi đến thái quá, điều trị lung tung. Do đó, khi có kết quả “gan nhiễm mỡ” cần hết sức bình tĩnh vì hiện nay đời sống người dân được nâng cao, vấn đề dinh dưỡng được cải thiện, từ đó kéo theo một hệ lụy là mắc phải bệnh béo phì, bên cạnh việc sử dụng quá nhiều bia rượu, cho nên tình trạng người bị gan nhiễm mỡ ngày càng nhiều.
Thế nào là gan nhiễm mỡ?
Gan nhiễm mỡ là khi tế bào gan tích tụ quá nhiều chất béo, to lên, trơn láng và có màu nhạt hơn bình thường. Nếu chất béo (phần lớn là triglyceride) tích tụ quá 5% trọng lượng gan được xem là gan nhiễm mỡ. Tỉ lệ dân số Việt Nam bị gan nhiễm mỡ hiện không ngừng gia tăng theo mức độ tiêu thụ rượu bia trong cộng đồng. Gan nhiễm mỡ được chia thành hai loại:
- Loại bọc lớn (có tên khoa học là Macrovesicular), trong đó các giọt mỡ lớn làm phình tế bào gan lên và đẩy nhân tế bào sang một bên.
- Loại bọc nhỏ (có tên khoa học là Microvesicular), trong đó các giọt mỡ nhỏ tích tụ nhưng không đẩy lệch nhân tế bào gan.
Làm sao để phát hiện sớm bệnh “gan nhiễm mỡ”? Chỉ có khám sức khoẻ định kỳ mới có thể phát hiện sớm bệnh gan nhiễm mỡ. Do vậy, ít nhất một năm phải thực hiện công tác kiểm tra sức khoẻ định kỳ 1 – 2 lần và thực hiện kiểm tra qua siêu âm bụng tổng quát, chỉ cần siêu âm bụng là cho kết quả chính xác.
Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ?
Nguyên nhân thường gặp nhất của gan nhiễm mỡ dạng bọc lớn là do nghiện rượu, béo phì và đái tháo đường. Còn nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ dạng bọc nhỏ là rối loạn biến dưỡng bẩm sinh; do một số thuốc như: corticoide, aspirin, tetracyeline, valproic acid, tamoxifene (thuốc điều trị ung thư vú), amiodarome (thuốc điều trị loạn nhịp tim); có thai; hội chứng Reye; mổ nối ruột non…
Dấu hiệu của bệnh gan nhiễm mỡ
Đối với “gan nhiễm mỡ” dạng bọc lớn thường được phát hiện qua khám định kỳ với dấu hiệu gan to đều không đau, trơn láng ở người nghiện rượu, béo phì hay đái tháo đường. Các xét nghiệm về gan cũng ít cho thấy gì bất thường ngoại trừ đôi khi có tăng nhẹ men gan SGOT, SGPT và Phosphatase alkaline. Siêu âm hiện được xem là phương tiện chẩn đoán đơn giản, tiện lợi, rẻ tiền nhưng hữu hiệu.
Bên cạnh đó xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán là làm sinh thiết gan. Dù ít được dùng đến, nhưng đôi khi phương tiện chẩn đoán này cũng cần thiết trong những trường hợp ngộ độc bởi các độc tố cho gan (hepatotoxin) hay những bệnh lý về biến dưỡng chưa rõ.
Đối với bệnh gan nhiễm mỡ dạng bọc nhỏ hay có triệu chứng mệt mỏi, nôn ói sau đó vàng da, hạ đường huyết và rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa.
Điều trị và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ
Với bệnh gan nhiễm mỡ dạng bọc lớn có thể phục hồi bình thường ngay cả trong trường hợp nặng. Riêng trường hợp do nghiện rượu có thể đi kèm với viêm và hoại tử tế bào gan, dẫn đến xơ gan thì không có thuốc đặc trị ngoài cách loại trừ các nguyên nhân như: nghiện rượu và các rối loạn tiềm ẩn.
Với bệnh gan nhiễm mỡ dạng bọc nhỏ thường phục hồi và có dự hậu tốt, tuy một số chất độc cho gan như: carbon tetrachloride có thể gây ra xơ gan nhưng không phải ở tất cả các trường hợp.
Trong những năm gần đây do phong trào nuôi gấu lấy mật đã làm rộ lên những lời đồn đoán cho rằng mật gấu có thể chữa nhiều bệnh của gan, trong đó có gan nhiễm mỡ vì sự thật là trong mật gấu có chứa chất ursodeoxycholic acid, có tác dụng tốt cho gan nhưng chất này đã được tổng hợp và có bán ngoài thị trường nên không cần thiết phải giết hoặc chọc hút mật gấu sống để dùng điều trị bệnh gan.
Để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, chúng ta nên giảm uống bia rượu, năng tập thể dục, ăn uống điều độ tránh béo phì, tránh một số thuốc có tác dụng độc cho gan. Nếu buộc phải dùng thuốc, nên hỏi bác sĩ để cân nhắc giữa cái lợi và hại của thuốc.