Nồng độ cholesterol cao gây hại đến sức khỏe tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đáng lo ngại hơn, cholesterol cao có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi nào. Ngay cả trẻ em và thanh thiếu niên.
Những em bé có cholesterol cao như người già
Tại Mỹ, hơn 7% trẻ em và thanh thiếu niên có tổng lượng cholesterol toàn phần cao, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Và các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một phần năm trẻ em có cholesterol toàn phần cao, non-HDL cholesterol cao, hoặc HDL cholesterol (cholesterol tốt) thấp, theo một phân tích dữ liệu khảo sát của Mỹ được công bố vào tháng 3 năm 2015 trong tạp chí JAMA Pediatrics.
Ước tính tại Việt Nam, có gần 500.000 người mắc bệnh tăng cholesterol máu có tính gia đình (FH). Đây là bệnh di truyền trội do đột biến gen chuyển hóa LDL- cholesterol (Cholesterol xấu), với biểu hiện tăng cao nồng độ LDL- cholesterol trong máu, làm xuất hiện mảng xơ vữa thành mạch sớm. Có những em bé ngay từ nhỏ đã bị tăng cholesterol, đến 7 – 8 tuổi đã bị xơ vữa động mạch vành như một người già 50 – 60 tuổi. Có em bé 9 tuổi đã phải đặt 2 stent vì mỡ máu gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, đe dọa nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, đại đa số bệnh nhân không được chẩn đoán sớm và không được điều trị hạ lipid máu thích hợp. Vì thế, các biến cố xơ vữa mạch máu như bệnh mạch vành và tai biến mạch não ở bệnh nhân mắc FH chiếm tỉ lệ rất cao, và với nhiều bệnh nhân có tổn thương mạch nghiệm trọng.
Tác nhân làm tăng nồng độ cholesterol ở trẻ em
- Chế độ ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ gây tăng cholesterol máu, nhất là LDL cholesterol.
- Di truyền từ bố mẹ có cholesterol cao
- Béo phì, ít tập thể dục, ít vận động.
Tóm lại, những trẻ năng hoạt động, có chế độ dinh dưỡng cân đối, không có bệnh sử gia đình mắc cholesterol cao hoặc bệnh tim, và không bị thừa cân sẽ ít có nguy cơ bị cholesterol cao.
Sàng lọc cholesterol cho trẻ em
Năm 2011, Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn sàng lọc trẻ em bị cholesterol cao; những hướng dẫn này cũng được xác nhận bởi Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ. Họ khuyên các bác sĩ nên sàng lọc tất cả trẻ em ít nhất một lần về mức cholesterol cao trong độ tuổi từ 9 đến 11 và một lần nữa ở độ tuổi 17 đến 21.
Những trẻ từ 2 đến 8 tuổi và 12 đến 16 tuổi mà có những yếu tố nguy cơ cholesterol cao cần được kiểm tra thường xuyên hơn. Sàng lọc cholesterol máu được khuyến khích cho những trẻ:
- Có bố mẹ hoặc người thân có nồng độ cholesterol cao hơn 240 mg/dL
- Có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch trước 55 tuổi ở nam giới và trước 65 tuổi ở phụ nữ
- Có một số vấn đề sức khỏe nhất định như bệnh thận, bệnh Kawasaki, hoặc viên khớp tự phát ở tuổi vị thành niên
- Có các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, huyết áp cao, hoặc hút thuốc lá
Ý nghĩa các chỉ số cholesterol ở trẻ em
Theo hướng dẫn của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ về kết quả xét nghiệm lipid máu, mức bình thường đối với trẻ em là:
- Tổng lượng cholesterol dưới 200 mg/dL
- LDL cholesterol dưới 130 mg/dL
- Cholesterol HDL hơn 40 mg/dL
- Triglyceride dưới 130 mg/dL ở trẻ em từ 10 đến 19 tuổi
- Triglyceride dưới 100 mg/dL ở trẻ dưới 10 tuổi
Kế hoạch hành động cho trẻ em bị cholesterol cao
Thay đổi lối sống là hành động cần thiết đầu tiên để kéo giảm chỉ số cholesterol cao ở trẻ. Cụ thể là
Thay đổi chế độ ăn uống
- Ngừng ăn thức ăn nhanh. Những thực phẩm thường xuyên chứa quá nhiều chất béo bão hòa.
- Ăn nhiều salad, trái cây và rau quả.
- Tập trung vào chất béo tốt có nguồn gốc thực vật.
- Hạn chế ăn nhiều đường, bánh ngọt.
- Chuyển sang một bữa ăn cá hoặc ăn chay (thay vì ăn thịt) hai hoặc ba lần một tuần.
Hoạt động thể chất
Theo CDC, trẻ em và thanh thiếu niên cần ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, bao gồm các hoạt động như đi bộ nhanh, tăng cường cơ bắp như chống đẩy và tăng cường xương như chạy hoặc nhảy.
Để hoạt động thể chất cho trẻ em được hấp dẫn hơn, bạn có thể thử:
★ Cho trẻ tham gia vào một môn thể thao ở trường hoặc thông qua các câu lạc bộ, đội nhóm, nhà thiếu nhi…
★ Với các em thanh thiếu niên, có thể mua thẻ thành viên cho các em tại một phòng tập thể dục.
★ Đi bộ cùng nhau như một hoạt động chung của gia đình, có thể 20 phút sau bữa tối, tạo thành thói quen hàng ngày.
★ Sử dụng thêm các ứng dụng và xem thêm các kênh youtube để tạo động lực.
★ Khuyến khích cạnh tranh thân thiện để cùng nhau tiến bộ giữa các anh chị em, hoặc các thành viên trong câu lạc bộ.
Nếu lối sống thay đổi không đủ để giảm cholesterol
Sau sáu tháng thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ kiểm tra lại mức cholesterol của trẻ. Nếu có sự cải thiện nhẹ, bác sĩ thông thường có thể kéo dài thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục trong sáu tháng nữa.
Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đầy đủ có hiệu quả vì rất nhiều lý do. Ngay cả khi nó không thay đổi số lượng cholesterol của trẻ, và bạn phải dùng thuốc, thì các bác sĩ vẫn đề nghị trẻ em thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, vì nó góp phần giảm các yếu tố nguy cơ cho chứng cholesterol cao (như béo phì).
Nếu chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên không mang chỉ số cholesterol về mức lành mạnh hơn, các bác sĩ sẽ thảo luận về những rủi ro và lợi ích của việc giảm cholesterol bằng các phương pháp khác. Cuộc thảo luận sẽ xảy ra khi LDL cholesterol của một đứa trẻ cao hơn 190 mg/dL. Chỉ số đó thường được tìm thấy ở trẻ em mắc chứng cholesterol cao do di truyền từ gia đình.
Nếu con bạn bị cholesterol cao, hãy nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của thuốc statin. Tùy thuộc vào loại statin, các loại thuốc này được FDA chấp thuận cho trẻ em từ 7 đến 8 tuổi trở lên bị tăng cholesterol máu gia đình. Điều trị sớm giúp trẻ có cholesterol cao có cơ hội tránh đau tim ngay từ khi còn nhỏ.
Tác dụng phụ của statin có thể bao gồm đau cơ (được gọi là đau cơ), đau đầu, buồn nôn và các vấn đề khác, và statin có thể tương tác với các loại thuốc phổ biến như một số loại kháng sinh . Nhưng nghiên cứu cho thấy, các loại thuốc này giúp bảo vệ sức khỏe của tim bằng cách làm chậm xơ vữa động mạch, sự tích tụ của các mảng bám dẫn đến hẹp các động mạch.
Các loại thuốc khác, như ezetimibe, làm giảm sự hấp thụ cholesterol trong ruột và các chất cô lập axít mật cũng có thể được sử dụng.
Một số bệnh nhân không đáp ứng với thuốc có thể áp dụng liệu pháp apheresis LDL để giảm cholesterol trong máu, như lọc máu theo chu kỳ 1-2 tuần/lần. Các loại thuốc mới đã được FDA chấp thuận cho các trường hợp đặc biệt như thuốc dạng tiêm cũng có tác dụng nhưng nhược điểm còn nhiều tác dụng phụ.
Có thể phòng ngừa sớm bệnh tim ở trẻ mắc bệnh FH?
Hiện chưa có thử nghiệm để hạn chế bệnh tim sớm ở nhóm FH. Theo dữ liệu, bệnh nhân FH dùng statin, mức độ rủi ro tương tự như ở những người không có FH. Tuy nhiên, các cơ quan y tế cần nâng cao nhận thức về bệnh FH cho người dân thông qua tuyên truyền. Do FH có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nên nhóm người có nguy cơ cần đưa con cái đi làm xét nghiệm sớm.
Từ 9 đến 11 tuổi, tất cả trẻ em nên được kiểm tra mức cholesterol. Nếu bị FH, có thể áp dụng chế độ ăn kiêng, và thay đổi lối sống càng sớm càng tốt.