Gan nhiễm mỡ không do rượu ngày trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Gan nhiễm mỡ không do rượu được biết là nguyên nhân chủ yếu gây tăng men gan. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh dễ dàng tiến triển sang các tình trạng nguy hiểm.
Gan nhiễm mỡ không do rượu là bệnh gì?
Một lá gan bình thường có chứa lượng chất béo cho phép dưới 5% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ không do rượu(- Non-alcoholic Fatty Liver Disease, viết tắt là NAFLD).
Gan nhiễm mỡ không do rượu có nghĩa là: Loại trừ các nguyên nhân do rượu bia, do viêm gan và do những bệnh di truyền, trong gan có chứa hơn 5% các tế bào gan có chứa các hạt mỡ ở trong không bào.
Diễn tiến của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu:
- Khoảng 15-30 % dân số bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu ( NAFLD).
- Khoảng 12 – 40 % trong nhóm bệnh nhân NAFLD sẽ diễn tiến tới viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic steatohepatitis: NASH),
- Khoảng 15 – 25 % bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ diễn tiến đến xơ gan
- Khoảng 7 % trong nhóm bệnh nhân xơ gan sẽ diễn tiến tới ung thư tế bào gan.
Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu
Các yếu tố nguy cơ chính:
- Béo phì: Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng gan nhiễm mỡ. Khi cơ thể thường xuyên cung cấp lượng chất béo triglyceride vượt ngưỡng cơ thể có thể hấp thu thì sẽ có hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết, tạo thành nguy cơ gan nhiễm mỡ.
- Rối loạn lipid máu( mỡ máu cao): Người bị gan nhiễm mỡ thường có lượng mỡ trong máu cao, gan tự sản xuất cholesterol và đẩy chúng vào máu nên khiến máu cũng bị nhiễm mỡ. Do đó nếu bệnh nhân ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa sẽ khiến gan giải phóng chất béo và làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu.
- Đái tháo đường loại 2: Theo Dịch tễ học, tỉ lệ mắc NAFLD ở bệnh nhân ĐTĐ T2 là 55.5%, cao hơn gấp đôi so với dân số chung, ở bệnh nhân mắc NAFLD và ĐTĐ T2, khi sinh thiết gan có đến 17% đã bị xơ hoá
- Hội chứng chuyển hóa( khi có 3/5 tình trạng: rối loạn đường huyết đói, giảm HDL, tăng triglicerid, huyết áp bình thường cao, vòng bụng ở nam trên 120cm và nữ trên 90 cm)
- Buồng trứng đa nang: tình trạng rối loạn nội tiết tố ở nữ giới, thường có biểu hiện và vòng kinh dài, ảnh hưởng đến cả nội tiết tố sinh dục và nội tiết tố insulin. Trường hợp này dễ mắc đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường về già, dễ mắc gan nhiễm mỡ.
Các yếu tố khác có liên quan đến NAFLD:
- Suy giáp: thường gặp ở nữ giới, độ tuổi phổ biến là 45-50 trở lên, nó làm rối loạn chuyển hóa mỡ, gây gan nhiễm mỡ.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ: liên quan nhiều tới nam giới, biểu hiện phổ biến là tình trạng ngủ ngáy. Có liên quan đến nhiều bệnh lý: cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ.
- Suy tuyến yên
- Suy tuyến sinh dục
- Vảy nến
- Sau phẫu thuật tá tràng tụy
Triệu chứng của gan nhiễm mỡ không do rượu
Gan nhiễm mỡ do rượu thường không xuất hiện triệu chứng cụ thể, rõ ràng. Ở nam giới thường cảm thấy mệt mỏi, ngáy nhiều, nữ giới thì có vòng kinh thưa, họ có thể cảm thấy đau tức vùng hạ sườn. Bệnh thường được phát hiện ra nếu bạn thăm khám sức khỏe, làm các xét nghiệm, siêu âm gan.
Như đã nêu ra ở trên, bệnh béo phì( nhất là chu vi vòng bụng quá lớn) là dấu hiệu có thể nhận biết được ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ, dấu hiệu kháng insullin( phổ biến ở bệnh nhân béo phì) thường dựa vào dấu hiệu khám lâm sàng trong NAFLD và NASH.
” Gai đen” cũng có thể là một dấu hiệu nhận biết ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu. Biểu hiện thường gặp đó là tăng sắc tố da ( sạm da, đen da) và sừng hóa ở vùng da bị bệnh, bệnh hay xuất hiện ở bệnh nhân béo phì và tiểu đường.
Một số dấu hiệu có thể gặp nếu bạn đang ở giai đoạn viêm gan nhiễm mỡ:
- Đau vùng gan (dưới bờ sườn phải).
- Mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung.
- Gan to (do bác sĩ khám hoặc siêu âm phát hiện thấy).
- Tăng men gan không rõ lý do (qua xét nghiệm máu).
Ở giai đoạn xơ gan( thường xảy ra ở độ tuổi trên 50- hệ quả của nhiều năm mắc NASH) dấu hiệu thường gặp:
- Gan lớn, cứng
- Sao mạch
- Lòng bàn tay có ban đỏ, móng tay trắng nhợt
- Rụng tóc, lông
- Nam giới dịch hoàn teo nhỏ, nữ giới kinh nguyệt không đều.
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu
Loại bỏ các nguyên nhân cũng có thể gây ra gan nhiễm mỡ
- Virus viêm gan C
- Uống thuốc ảnh hưởng đến gan (thuốc chống lao, thuốc điều trị ung thư, corticosteroid, amiodarone…)
- Bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng)
- Gan nhiễm mỡ cấp tính ở phụ nữ có thai
- Thiếu dinh dưỡng kéo dài
- Rối loạn chuyển hóa mỡ bẩm sinh
Xét nghiệm máu
Trong nhiều trường hợp, bệnh gan nhiễm mỡ được chẩn đoán sau khi xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng cao. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) để kiểm tra men gan của bạn.
Những xét nghiệm này có thể được khuyến nghị nếu bạn phát triển các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh gan, hoặc chúng có thể được yêu cầu như một phần của công việc máu định kỳ.
Men gan cao là dấu hiệu của viêm gan. Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm gan, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất.
Nếu bạn xét nghiệm dương tính với men gan tăng cao, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây viêm.
Nghiên cứu hình ảnh
Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh sau đây để kiểm tra lượng mỡ dư thừa hoặc các vấn đề khác với gan của bạn:
- Khám siêu âm
- Chụp CT
- MRI scan
- Kiểm tra độ co giãn thoáng được kiểm soát rung( VCTE, FibroScan). Thử nghiệm này sử dụng sóng âm thanh tần số thấp để đo độ cứng gan, có thể kiểm tra sẹo gan.
Sinh thiết gan
Sinh thiết gan được coi là cách tốt nhất để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh gan.
Khi làm sinh thiết gan, bác sĩ sẽ đưa kim vào gan của bạn và lấy một mảnh mô để kiểm tra. Họ sẽ dùng thuốc gây tê cục bộ để giúp bạn bớt đau.
Xét nghiệm này có thể giúp xác định xem bạn có bị bệnh gan nhiễm mỡ, cũng như sẹo gan hay không.
Điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu
Hiện nay chưa có một loại thuốc đặc trị nào được công nhận là có thể giảm mỡ trong gan. Một số thuốc mà bác sĩ có thể có trong đơn thuốc mà bác sĩ kê thêm để hỗ trợ cải thiện hoặc giảm đau là: Thuốc giảm lipid (statins, fibrates…) , Thuốc chống béo phì (orlistat), Antioxidants( Vitamin E/Vitamin C, Betaine, Lecithin, Silymarin, Phosphatidylcholine).
Gan nhiễm mỡ không do rượu nếu được phát hiện sớm chưa nguy hiểm đến tính mạng và có thể cải thiện bệnh nếu bạn tuân thủ những hướng dẫn dưới đây:
Giảm cân
Giảm cân từ từ bằng cách giảm calo giúp cải thiện men gan, mỡ ở gan, mức viêm gan và mức xơ hoá. Giảm cân là mục tiêu hàng đầu đối với người thừa cân béo phì có NAFLD. Hãy cố gắng giảm lượng mỡ trên cơ thể, nhất là vòng bụng.
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng đối với việc điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu. Bạn cần có kế hoạch ăn uống khoa học, lựa chọn những thực phẩm nên ăn và nên kiêng.
Thực phẩm người mắc NAFLD nên kiêng bao gồm:
- Thực phẩm nhiều muối: Muối có thể khiến cơ thể tích tụ chất lỏng dư thừa, ứ đọng trong gan và gây gan nhiễm mỡ.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa sẽ khiến suy giảm chức năng gan, gan phải hoạt động nhiều hơn, các chất béo tích tụ cũng khiến cho gan bị tổn thương, lâu dần gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.
- Thực phẩm nhiều đường và bột tinh chế: có chứa nhiều fructose làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và bệnh tiểu đường, đây chính là những nguyên nhân hàng đầu gây ra NAFLD.
- Thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh: có thể làm tăng lượng chất béo trong máu và gan, từ đó tích tụ mỡ trong gan và gây bệnh gan nhiễm mỡ.
- Rượu bia, đồ uống có cồn: Mặc dù rượu không phải là nguyên nhân gây ra NALFD nhưng nếu uống nhiều rượu, gan sẽ phải hoạt động nhiều hơn để thải độc, khiến gan càng suy yếu và dễ gây viêm gan nhiễm mỡ.
Thực phẩm bệnh nhân NAFLD nên bổ sung:
- Thực phẩm chứa chất béo tốt: ví dụ như omega 3, omega 6 rất tốt với bệnh nhân gan nhiễm mỡ, làm giảm mỡ tích tụ trong gan và tăng cường chức năng gan.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ giữ vai trò quan trọng trong cơ thể, giảm lượng cholesterol xấu trong máu giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, bệnh tiểu đường, béo phì. Cùng với đó, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, giảm gánh nặng cho gan.
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: vitamin B3, B12, C, D, E đều rất tốt cho cơ thể và gan, giúp tăng cường chức năng gan.
Tập thể dục
Vận động có thể giúp bạn giảm cân và kiểm soát bệnh gan. Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp bạn quản lý cả hai bệnh gan nhiễm mỡ và tiểu đường. Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn còn cao, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để hạ thấp nó.
Sinh hoạt điều độ
Chế độ sinh hoạt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe gan của bạn. Hạn chế căng thẳng, áp lực kéo dài, thay vào đó là tạo tâm trạng vui tươi, thoải mái, kết hợp thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, cân bằng.