Xơ vữa động mạch có chữa được không? Là câu hỏi của hầu hết các bệnh nhân khi được chuẩn đoán mắc xơ vữa động mạch. Các bác sĩ đánh giá rằng vữa động mạch rất khó để điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị theo phác đồ thì vẫn có thể ngăn chặn bệnh phát triển thêm hoặc giảm bớt một phần xơ vữa động mạch.
Vì sao bạn bị xơ vữa động mạch?
Động mạch là các mạch máu chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể. Ở người khỏe mạnh, các động mạch này rất mềm và đàn hồi tốt. Xơ vữa động mạch hình thành khi thành mạch máu trở nên dày hơn và cứng mà nguyên nhân là do sự lắng đọng của các mảng lipid, cholesterol và một số chất khác trên thành động mạch, hình thành các mảng vữa.
Hậu quả là các mảng vữa này có thể bị vỡ ra, dẫn hình thành các cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu bị tổn thương. Từ đó có thể dẫn đến thiếu máu để nuôi các cơ quan do động mạch đó nuôi dưỡng.
Trong đó, các cơ quan quan trọng nhất là tim, não và động mạch chủ, gây ra ba bệnh lý rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao như bệnh mạch vành, nhồi máu não và phình hoặc bóc tách động mạch chủ.
Xơ vữa động mạch là một quá trình diễn tiến lâu dài, bệnh có thể khởi phát từ khi bệnh nhân còn trẻ và kéo dài trong nhiều năm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra xơ vữa động mạch.Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh được sự hình thành các mảng xơ vữa có liên quan đặc biệt đến sự tổn thương của các tế bào nội mạc.
Nội mạc là lớp tế bào mỏng trong cùng của thành mạch, có vai trò bảo vệ thành mạch và sinh ra các chất chống lại xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý nguy hiểm này, bao gồm:
- Tăng huyết áp.
- Mỡ máu cao
- Bệnh tiểu đường.
- Thừa cân, béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm.
- Ít vận động và tập thể dục.
- Căng thẳng tâm lý (stress).
Xơ vữa động mạch có chữa được không?
Việc xơ vữa động mạch có chữa được không còn tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bạn. Nếu bạn đang có nguy cơ mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh nhưng vẫn ở giai đoạn nhẹ thì việc chữa khỏi xơ vữa động mạch hoàn toàn là có khả năng. Lúc này bạn cần thực hiện những phương pháp điều trị cụ thể và nghiêm túc làm theo yêu cầu của bác sĩ.
Nhưng đáng nguy hiểm hơn cả rằng việc phát hiện sớm căn bệnh xơ vữa động mạch là rất khó khăn nếu bạn không đến bác sĩ thường xuyên bởi xơ vữa động mạch ở những giai đoạn đầu thường không có biểu hiện bệnh cụ thể.
Nhiều người bị tắc động mạch hoặc xơ vữa động mạch không biết rằng họ mắc bệnh cho đến khi họ phát triển các triệu chứng, chẳng hạn như đau thắt ngực hoặc các cơn đau chi cách hồi khi vận động.
Thật không may, đôi khi lần đầu tiên ai đó nhận ra rằng họ bị xơ vữa động mạch là khi họ gặp phải một biến cố như đột quỵ hoặc đau tim. Khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng thì việc chữa khỏi hoàn toàn là không thể
Làm thế nào để biết tôi có bị xơ vữa động mạch hay không?
Xơ vữa động mạch là căn bệnh tiềm ẩn và phát triển lâu dài. Ở những giai đoạn đầu, bệnh không có bệnh không biểu hiện những triệu chứng rõ rệt do đó khiến người bệnh chủ quan và dẫn đến mức độ nghiêm trọng của bệnh cao hơn.
Vì vậy việc phát hiện sớm là rất quan trọng cho quá trình chữa bệnh. Để phát hiện sớm xơ vữa động mạch, việc duy nhất có thể làm đó là kiểm tra sức khỏe định kì. Một số các chuẩn đoán thông thường có thể phát hiện ra tình trạng xơ vữa nếu bạn mắc nó bao gồm
- Kiểm tra chỉ số mắt cá chân: so sánh các huyết áp ở mắt cá chân và ở cánh tay để xác định bất kỳ sự co thắt nào trong lưu lượng máu
- Xét nghiệm máu: kiểm tra mức độ của một số chất béo, cholesterol, đường và protein trong máu của bạn
- Điện tâm đồ: Xét nghiệm này đo hoạt động điện của tim và có thể giúp xác định xem các bộ phận của tim có bị to ra, làm việc quá sức hoặc bị hư hại hay không
Điều trị xơ vữa động mạch như thế nào?
Việc điều trị xơ vữa động mạch còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn cũng như vị trí động mạch tổn thương, mức độ các mảng xơ vữa.
Phác đồ điều trị hiện nay có thể bao gồm những thay đổi lối sống, kết hợp với việc dùng thuốc, can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật. Các mục tiêu của điều trị bao gồm:
- Giảm các yếu tố nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch.
- Ngăn ngừa các biến chứng do xơ vữa động mạch gây ra
- Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt
Đối với những người đang có nguy cơ bị mắc xơ vữa động mạch, hoặc xơ vữa mức độ nhẹ thì thay đổi lối sống là phương pháp điều trị thích hợp nhất. Bạn nên chủ động tập thể dục kết hợp ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và từ bỏ các thói quen xấu để ngăn chặn triệt để các nguy cơ gây xơ vữa động mạch
- Chế độ ăn tốt cho tim mạch: Ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Cung cấp đạm từ thực vật hoặc từ các loại thịt trắng như cá, gia cầm. Thay thế chất béo từ mỡ động vật bằng các chất béo lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương,….
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đào thải chất độc trong cơ thể, tiêu hao mỡ thừa, ổn định huyết áp và hạ đường huyết. Luyện tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày giúp ngăn ngừa bệnh lí tim mạch và kiểm soát các yếu tố gây xơ vữa động mạch
- Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Điều này làm giảm nguy cơ mắc xơ vữa động mạch đồng thời bảo vệ bản thân bạn và những người xung quanh khỏi các bệnh về phổi, thanh quản
- Giữ cân nặng ở mức bình thường, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.
- Hạn chế bia, rượu: Nếu bạn uống rượu, hãy hạn chế uống một đến hai ly mỗi ngày cho nam giới, không quá một ly mỗi ngày cho phụ nữ. Đối với rượu vang: 1 ly 60 ml, rượu mạnh 1 ly 30 ml.
Điều trị bằng thuốc
Khi xơ vữa động mạch gây ra những biến chứng nguy hiểm, chỉ số cholesterol trong máu, chỉ số huyết áp, lượng đường huyết ở mức gây hại cho sức khỏe thì chỉ thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh như: thuốc điều chỉnh các rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, ngăn ngừa cục máu đông, kiểm soát các mảng xơ vữa.
Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải uống thuốc thường xuyên theo toa của bác sĩ đồng thời vẫn phải tuân theo một lối sống lành mạnh cho tim, ngay cả khi bạn dùng thuốc để điều trị xơ vữa động mạch.
Phẫu thuật
Là biện pháp cấp bách đối với những trường hợp bị xơ vữa động mạch nặng, khi động mạch đã tắc nghẽn hoàn toàn do các cục máu đông. Các biện pháp phẫu thuật như nong mạch, cắt bỏ động mạch, nạo mảng xơ vữa làm thông động mạch, giúp máu lưu thông được đến tim và các bộ phận khác
Can thiệp động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch chi qua da, còn được gọi là nong động mạch, là một thủ thuật được sử dụng để thông các động mạch bị nghẽn hoặc bị hẹp. Đôi khi một ống lưới nhỏ gọi là giá đỡ động mạch được đặt trong động mạch để giữ cho động mạch được mở sau khi làm thủ thuật.
Xơ vữa động mạch diễn ra âm thầm nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Xơ vữa động mạch nếu không điều trị kịp thời sẽ đe dọa tính mạng và chất lượng cuộc sống của bạn. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị dứt điểm hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn hãy kết hợp lối sống lành mạnh cùng kiểm tra sức khỏe định kì để tránh khỏi nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, bảo vệ sức khỏe của bạn