Xơ Vữa Động Mạch Có Nguy Hiểm Không? Cách Phòng Ngừa Và Điều Trị

Đau ngực, khó thở, liệt nửa người là một trong những biểu hiện của tình trạng xơ vữa động mạch…Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, thậm chí là tử vong… Tuy nhiên đa số người không biết mình mắc bệnh cho tới khi có các biến chứng nặng nề. Đây thực sự là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời

Xơ vữa động mạch có nguy hiểm không?

Bệnh xơ vữa động mạch hay xơ cứng động mạch là tình trạng các mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch. Mảng xơ vữa được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu. Theo thời gian, mảng xơ vữa cứng lại và làm hẹp động mạch, hạn chế dòng chảy của máu chứa oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác trong cơ thể.

Theo Tổ chức Y Tế thế giới, mỗi năm toàn cầu có 7 triệu người tử vong vì nhồi máu cơ tim và 5 triệu người chết vì đột quỵ. Đây là hai trong những bệnh gây tử vong hàng đầu hiện nay và đều xuất phát từ một nguyên nhân đó là xơ vữa động mạch.

Căn bệnh nguy hiểm này thậm chí còn không có dấu hiệu nhận biết khi mới mắc bệnh, chỉ đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng bạn mới phát hiện ra sự xuất hiện của nó. Vì vậy, xơ vữa động mạch là một bệnh vô cùng nguy hiểm, là căn nguyên gây ra các bệnh về tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời

Xơ vữa động mạch nguy hiểm như thế nào?

Xơ vữa động mạch được ví như “sát thủ âm thầm” bởi nó không có biểu hiện cụ thể ở những giai đoạn đầu. Chỉ đến khi bệnh trở nặng mới xuất hiện biến chứng nguy hiểm đe dọa đến cuộc sống và tính mạng của con người. Biến chứng của xơ vữa động mạch phụ thuộc vào động mạch bị tổn thương

Xơ vữa động mạch vành

Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm của xơ vữa động mạch vành biểu hiện bởi các cơn đau thắt ở ngực

Động mạch vành cung cấp máu giàu oxy đến nuôi tim. Khi động mạch vành bị tắc nghẽn, lượng máu lưu thông đến tim bị giảm gây ra các hậu quả nghiêm trọng

  • Nhồi máu cơ tim: Động mạch vành bị tắc nghẽn khi tim thiếu oxy hay còn được gọi là thiếu máu cơ tim. Tình trạng này kéo dài khiến mô cơ tim bị chết gây nên cơn đau thắt ngực gọi là nhồi máu cơ tim. Nguy hiểm hơn, nếu các động mạch nhánh  nuôi nút nhịp tim bị tắc sẽ gây tử vong ngay lập tức do rối loạn nhịp tim
  • Suy tim: Các mảng xơ vữa làm động mạch vành bị hẹp làm lượng máu cung cấp để nuôi dưỡng tim không đủ. Cơ tim thiếu máu lâu ngày làm giảm khả năng co bóp của tim khiến tim yếu dần và mệt mỏi

Xơ vữa động mạch cảnh

Động mạch cảnh cung cấp máu giàu oxy đi nuôi não.Các mảng xơ vữa làm tắc nghẽn máu dẫn lên não gây đột quỵ gây ra các tình trạng

  • Đột quỵ nhỏ ( thiếu máu thoáng qua) : Động mạch cảnh bị tắc nghẽn, lượng máu cung cấp lên não không đủ trong một khoảng thời gian ngắn gây ra các các cơn đau đầu dữ dội, tê liệt cơ thể, rối loạn vận động.
  • Đột quỵ vĩnh viễn (tắc máu cục bộ) : Khi não không được cung cấp máu trong một khoảng thời gian dài sẽ gây chết các mô não. Tổn thương não vĩnh viễn gây liệt toàn thân, hôn mê, mù thậm chí gây tử vong

Xơ vữa động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại biên cung cấp máu đến các chi. Động mạch bị tắc, máu không lưu thông được đến tay, chân gây ra các cơn đau đớn, không đi lại, vận động được. Bệnh thường xảy ra ở các nhóm cơ chân như: mông, đùi, bắp chân. Lâu ngày sẽ gây hoại tử, thậm chí phải tháo khớp khớp hoặc cắt cụt chi

Xơ vữa động mạch thận

Động mạch cung cấp máu đến thận bị tắc nghẽn gây ra các hậu quả nghiêm trọng

  • Tăng huyết áp: Huyết áp tăng đột ngột, tăng huyết áp ác tính, không kiểm soát được bằng phương pháp thông thường sẽ là nguyên nhân gây ra các  tai biến mạch máu não
  • Suy thận: Thiếu máu thận mãn tính làm thận suy yếu nghiêm trọng. Suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ thì tỷ lệ tử vong lên tới 30% và thời gian sống trung bình của bệnh nhân hẹp động mạch thận là 27 tháng.

Ai dễ mắc xơ vữa động mạch?

  • Người bị huyết áp cao: Người bị huyết áp cao dễ dẫn đến các bệnh động mạch vành,cơn tai biến mạch máu não, nếu không điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Mỗi năm có 7 triệu người tăng huyết áp tử vong vì nhồi máu cơ tim.
  • Người bị tiểu đường: Tiểu đường kéo dài gây tăng huyết áp làm tăng nguy cơ cao mắc xơ vữa động mạch. Ở Việt Nam số người tiểu đường bị xơ vữa động mạch là 70%
  • Người hút thuốc lá: Nicotin trong khói thuốc lá làm tăng huyết áp, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. WHO cho biết trong số gần 18 triệu người tử vong do bệnh tim mạch trên toàn thế giới mỗi năm, gần 17% trong số này nghiện thuốc lá
  • Người béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ huyết áp cao – nguyên nhân gián tiếp gây xơ vữa động mạch
  • Người cao tuổi: Khi lớn tuổi bị lão hóa, các động mạch cũng suy yếu, tỉ lệ mắc xơ vữa động mạch cũng cao hơn. Theo nghiên cứu, nam trên 45 tuổi hay phụ nữ sau 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao
  • Ngoài ra, những yếu tố như Di truyền, stress cũng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch

Làm thế nào để nhận biết sớm xơ vữa động mạch

Bệnh xơ vữa động mạch ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cảnh báo rõ rệt, vì vậy để tầm soát phát hiện sớm sớm xơ vữa động mạch bắt buộc mọi người phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, thông qua kết quả xét nghiệm máu, hình ảnh siêu âm tim,…để phát hiện và kịp thời loại bỏ sớm các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch.

Trong quá trình thăm khám sức khỏe, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu của động mạch bị thu hẹp, giãn rộng hay động mạch bị cứng lại, bao gồm:

  • Mạch yếu hoặc động mạch bị hẹp
  • Huyết áp giảm
  • Nghe bằng ống nghe thấy tiếng thổi trên động mạch

Dựa vào kết quả khám sức khỏe nêu trên, bác sĩ có thể đề xuất một hoặc nhiều xét nghiệm để chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu:Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể phát hiện mức độ cholesterol và đường trong máu tăng lên có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Siêu âm Doppler: để đo vận tốc dòng máu tại các điểm khác nhau dọc theo cánh tay hoặc chân hoặc bất kỳ mạch máu nào có thể khảo sát được. Giúp bác sĩ đánh giá mức độ của bất kỳ tắc nghẽn nào, cũng như tốc độ lưu thông máu trong động mạch.
  • Chỉ số mắt cá chân-cánh tay:  Giúp chẩn đoán người bệnh có bị xơ vữa động mạch ở động mạch ngoại biên hay không.
  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ ghi lại các tín hiệu điện khi chúng đi qua tim. Một ECG thường có thể tiết lộ bằng chứng về một cơn đau tim trước đó.
  • Kiểm tra sự căng thẳng:  Thường là đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp đứng yên để theo dõi nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Bài kiểm tra sự căng thẳng giúp chẩn đoán những vấn đề trong tim có thể không thể nhận thấy bằng cách khác.
  • Đặt ống thông tim và chụp động mạch vành: Giúp phát hiện ra các động mạch vành bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn.

Điều trị và phòng ngừa xơ vữa động mạch như thế nào?

Điều trị xơ vữa động mạch còn phụ thuộc vào mức độ xơ vữa, khu vực xơ vữa, điều trị nội khoa thường áp dụng ở mức độ xơ vữa nhẹ: thuốc để ngăn chặn hình thành mảng xơ vữa, thuốc để giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp… Phẫu thuật được chỉ định đối với những trường hợp xơ vữa động mạch nặng, nong mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành…

Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: ăn thực phẩm giàu chất xơ, tránh ăn mặn, giảm các loại thức ăn có nhiều cholesterol; không uống rượu bia; bỏ hút thuốc lá thuốc lào; tránh căng thẳng … kết hợp với các hoạt động thể chất phù hợp, phòng tránh thừa cân béo phì…

Các cách phòng ngừa dưới đây vừa hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch cũng giúp ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh

  • Chế độ ăn tốt cho tim: ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và dầu ô liu, hạn chế ăn thịt và đồ ngọt
  • Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/tuần
  • Bỏ thuốc lá: Nếu đang hút thuốc hay bỏ thuốc. Điều đó giúp bạn bảo vệ sức khỏe chính bản thân và những người xung quanh

Xơ vữa động mạch là một bệnh lý nguy hiểm, xong có thể phòng ngừa bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh. Kết hợp với khám sức khỏe định kì, có thể giúp bạn tránh các vấn đề xơ vữa động mạch và sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh.

Bài viết liên quan