Xơ Vữa Động Mạch Chân: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị Kịp Thời

Nhắc đến xơ vữa động mạch người ta chỉ quan tâm đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não mà quên mất rằng xơ vữa động mạch chân cũng sẽ gây ra các hậu quả khôn lường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chi dưới bị xơ vữa có thể khiến người bệnh mất khả năng vận động, nghiêm trọng hơn có thể loét, hoại tử, thậm chí cụt chi.

Xơ vữa động mạch chân nguy hiểm như thế nào?

Xơ vữa động mạch chân là một dạng bệnh lí của xơ vữa động mạch. Động mạch mang máu đi nuôi các chi dưới kể từ vùng mông đến các ngón chân bị ngăn cản bởi các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa được tạo thành từ các chất béo, cholesterol và một số các chất khác được tìm thấy trong máu.

Trường hợp máu không được lưu thông đến chân trong một thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ cắt cụt chi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Động mạch chân bị hẹp có thể gây ra các cơn đau nhức khi vận động, gây khó khăn trong việc đi lại. Khi động mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn có thể gây tình trạng hoại tử chân, nghiêm trọng hơn có thể là cụt chi. Ở những người loét chân tỉ lệ phải đoạn chi sau 3 tháng là 12,2%.

Người có bệnh động mạch chân cũng thường có xơ vữa động mạch ở động mạch vành và động mạch não. Nếu không điều trị thật tích cực bệnh lý xơ vữa động mạch, người bệnh có thể chết vì các biến chứng ở tim (nhồi máu cơ tim, đột tử) hoặc ở não (tai biến mạch máu não) : Trong số những người bệnh động mạch chân tử vong có 55% chết do biến chứng ở tim và 10% chết do tai biến mạch máu não.

Ai có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch chân?

  • Cholesterol cao: Mỡ máu tăng dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu và gây nên mảng xơ
  • Huyết áp cao: Áp lực lớn của máu tác động lên thành động mạch gây tổn thương lớp nội mạng khiến nó mất chức năng chống  lại sự hình thành các mảng xơ vữa. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch chân gấp 2,5 ở nam và gấp 3,9 ở nữ.
  • Tiểu đường: Tiểu đường kéo dài gây tăng huyết áp làm tăng nguy cơ cao mắc xơ vữa động mạch chân. Ở Việt Nam số người tiểu đường bị xơ vữa động mạch là 70%
  • Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch chân mà còn gây ra một số bệnh nguy hiểm khác như ung thư phổi, ung thư thanh quản. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 2 so với người không hút thuốc
  • Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ huyết áp cao – nguyên nhân gián tiếp gây xơ vữa động mạch chân
  • Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch chân cao hơn. Căn bệnh này chiếm khoảng 7% ở người có độ tuổi từ 60-69 tuổi, 12,5% ở độ tuổi từ 70-79 tuổi và chiếm lên đến trên 23% ở độ tuổi trên 80.
  • Di truyền: Một số người có gia đình mắc các bệnh về huyết áp, tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch chân
  • Giới tính: Xơ vữa động mạch chân thường xảy ra ở nam giới hơn. Năm giới có nguy cơ măc sbenehj cao gấp 3 lần so với nữ giới

Dấu hiệu nhận biết xơ vữa động mạch chân?

Tùy vào từng mức độ tắc nghẽn, tổn thương của động mạch chân sẽ biểu hiện những triệu chứng khác nhau

Giai đoạn 1

Thường không có biểu hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng không rõ ràng như một sự khó chịu cơ bắp giống như chuột rút, hoặc gây tê, ngứa ran, yếu hoặc mệt mỏi ở chân. Điều này xảy ra khi cơ bắp không nhận đủ được lượng oxy mà nó cần

Giai đoạn 2

Biểu hiện bằng triệu chứng đau cách hồi, đây là hiện tượng đau xuất hiện ở vùng cẳng chân hoặc ở mông khi người bệnh đi được một đoạn đường, buộc người bệnh phải đứng lại nghỉ ngơi vài phút rồi mới có thể đi lại tiếp. Đi tiếp một đoạn đường giống như vậy, hiện tượng đau lại xuất hiện. Đây là một dấu hiệu rất thường gặp trong giai đoạn này của bệnh. Đoạn đường người bệnh đi được trước khi xuất hiện đau ngắn hay dài sẽ tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Nếu đoạn đường đi được nhỏ hơn 200 mét thì được gọi là đau cách hồi nặng.

Giai đoạn 3

Biểu hiện đau liên tục kể cả lúc nghỉ, nhất là về đêm, và đau nhiều ở các ngón chân và bàn chân, có thể nghiêm trọng đến mức ngay cả trọng lượng của quần áo hoặc ga trải giường cũng khiến cho chân của người bệnh bị đau. Người bệnh thường mất ngủ hoặc là ngủ với tư thế để chân buông thõng ngoài gường vì ở tư thế này bệnh nhân sẽ đỡ đau hơn.

Giai đoạn 4

Triệu chứng nguy hiểm nhất được gọi là thiếu máu cục bộ chi. Thiếu máu cục bộ có nghĩa là tổn thương mô do thiếu máu và oxy do một cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch. Nếu không khám xét kịp thời có thể gây hoại tử chân, dẫn đến trường hợp cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Đến giai đoạn này bệnh đã tiến triển quá nặng và không có khả năng phục hồi.

Có thể bạn chưa biết: Ở nam giới, xơ vữa động mạch chân có thể gây rối loạn cương dương

Chẩn đoán xơ vữa động mạch chân như thế nào?

Bệnh thường được phát hiện và điều trị muộn do nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp. Do đó khi thấy xuất hiện những biển hiện đau mỏi ở giai đoạn nhẹ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và chính xác. Một số xét nghiệm mà bác sĩ có thể dựa vào để chẩn đoán bệnh động mạch chân là:

Khám sức khỏe. Bác sĩ của bạn có thể tìm thấy các dấu hiệu xơ vữa động mạch chân khi kiểm tra thể chất, chẳng hạn như mạch yếu hoặc khu vực hẹp của động mạch của bạn

Chỉ số mắt cá chân-cánh tay (ABI). Đây là một xét nghiệm phổ biến được sử dụng để chẩn đoán xơ vữa động mạch chân. Nó so sánh huyết áp ở mắt cá chân của bạn với huyết áp ở cánh tay.

Xét nghiệm máu. Một mẫu máu của bạn có thể được sử dụng để đo cholesterol và chất béo trung tính và kiểm tra bệnh tiểu đường.

Siêu âm Doppler có thể giúp bác sĩ đánh giá lưu lượng máu qua các mạch máu của bạn và xác định các động mạch bị chặn hoặc hẹp.

Điều trị xơ vữa động mạch chân ở từng giai đoạn như thế nào là hiệu quả?

Tùy theo giai đoạn bệnh, có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Kết hợp luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh và kiểm soát các chỉ số huyết áp để điều trị hiệu quả xơ vữa động mạch chân.

Trong giai đoạn sớm

Người bệnh có thể điều trị nội khoa bằng các thuốc ức chế kết tập tiểu cầu như thuốc Aspirin, Clopidogrel (Plavix), thuốc giảm mỡ máu nhóm statin và thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển. Kết hợp điều chỉnh lại lối sống, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như bỏ hút thuốc, luyện tập thể dục đều đặn, kiểm soát tốt các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu đi kèm.

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Nhiều người bị xơ vữa động mạch chân có mức cholesterol tăng vọt. Chế độ ăn ít cholesterol là nhiều trái cây và rau quả, thay thế chất béo từ mỡ động vật bằng các chất béo lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương, ăn ít thịt đỏ, tăng cường thịt trắng từ cá, thịt gà
  • Luyện tập thể dục: Người bệnh cũng cần luyện tập để cải thiện chức năng, gia tăng kỹ năng đi bộ. Qua đó cải thiện được mức độ đau. Có thể đi trên thảm lăn hoặc đi bộ trên đường đủ cường độ để tạo ra khập khiễng cách hồi, sau đó sẽ nghỉ cho đến khi hết đau và tập lại. Mỗi đợt tập luyện kéo dài 30 – 60 phút, tiến hành tối thiểu 3 lần trong tuần và trong 3 tháng. Chế độ luyện tập này có thể dẫn đến giảm triệu chứng chỉ sau 4-8 tuần.
  • Kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, lượng đường huyết bằng cách khám sức khỏe định kì

Trong giai đoạn nặng

Từ giai đoạn đau cách hồi với đoạn đường đi được dưới 200 mét thì cần cân nhắc phương pháp phẫu thuật để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và hạn chế cắt cụt chi.. Có 02 phương pháp phẫu thuật: can thiệp nội mạch và phẫu thuật

  • Phương pháp can thiệp nội mạch là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, gây đau ít. Thực hiện luồn một dây ở đầu có bóng nong từ động mạch đùi, đưa bóng đến đoạn động mạch bị hẹp và tiến hành nong, sau đó có thể đặt vào vị trí vừa nong một chiếc stent, có tác dụng như một giá đỡ, giúp cho động mạch không bị hẹp lại. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này chỉ giải quyết được 1 điểm hẹp trong lòng động mạch, có nguy cơ tái hẹp cao và chi phí khá đắt.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp tắc động mạch chi dưới nhiều nơi, tắc trên đoạn dài, phức tạp, thì phẫu thuật bắc cầu động mạch cũng phương pháp điều trị thường được các bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên đây là phương pháp phẫu thuật nặng và kéo dài.

Xơ vữa động mạch chân là bệnh lý thuộc xơ vữa động mạch – một bệnh có thể tấn công các động mạch trong tim hoặc não, gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Ước tính có khoảng 8,5 triệu người mắc bệnh động mạch chân. Vì vậy bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kì để giữ cho tất cả các động mạch của bạn khỏe mạnh.

Bài viết liên quan