Chế Độ Ăn Uống Dành Cho Bệnh Nhân Triglyceride Máu Cao

Nồng độ triglyceride quá cao làm gia tăng tỉ lệ đối mặt với các nguy cơ sức khỏe. Khi bạn ăn nhiều hơn mức cần thiết, cơ thể bạn sẽ tạo ra lượng chất béo trung tính triglyceride dư thừa.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến triglyceride?

Triglyceride hay còn gọi là chất béo trung tính là một dạng chất béo chiếm 95% chất béo hằng ngày mà chúng ta tiêu thụ từ mỡ động vật hoặc dầu thực vật. Chúng cũng được tạo ra bởi gan khi chúng ta ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường.

Khi cơ thể bạn không sử dụng hết tất cả các chất béo triglyceride, thì nó được lưu trữ dưới dạng tế bào mỡ. Cũng giống như cholesterol, chất béo trung tính cao có thể làm xơ vữa động mạch, dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Triglyceride chiếm tới 95% chất béo chúng ta ăn hàng ngày nên các loại thực phẩm bạn ăn hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp chỉ số triglyceride trong máu. Ăn đúng loại thực phẩm có thể khiến triglyceride giảm trong vài ngày. Nhưng chọn thực phẩm sai có thể làm tăng nhanh chỉ số chất béo trung tính.

Ý nghĩa chỉ số Triglyceride trong máu

★ Mức bình thường: <150 mg/dL (hoặc dưới 1,69 mmol/L)

★ Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL (1,8 – 2,2 mmol/L)

★ Mức nguy cơ cao: 200 – 499 mg/dL (2,3 – 5,6 mmol/L)

★ Mức nguy cơ rất cao: > 500 mg/dL ( hoặc trên  5,7 mmol/L)

5 nguyên tắc ăn uống cho người có triglyceride cao

Nếu bạn đã được chẩn đoán triglyceride máu cao, điều quan trọng là bạn nên chủ động có hướng điều trị sớm và phù hợp, nếu không tình trạng sẽ tiến triển và có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là một số nguyên tắc bạn cần lưu ý:

Thực hiện chế độ ăn ít carbohydrate

Nếu tiêu thụ quá mức lượng carbonhydrate cơ thể sẽ không giải phóng hết. Thực phẩm giàu carbonhydrate cũng làm tăng lượng đường trong máu, tăng sự tích tụ chất béo dư thừa, do đó triglyceride cũng tăng. Do vậy, bạn cần hạn chế sử dụng các nhóm thực phẩm thuộc nhóm tinh bột như: khoai tây, ngũ cốc thô, lúa mì, …

  • Đối với trường hợp có cân nặng bình thường và hoạt động thể chất nhẹ, lượng năng lượng hàng ngày nên được kiểm soát ở khoảng 30 kcal/kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ: Một người nặng 60kg chỉ nên tiêu thụ trong khoảng 1800 kilocalories/ngày.
  • Đối với trường hợp người thừa cân/ béo phì nên giảm cân. Lượng năng lượng tiêu thụ cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày ở mức 2-0-25 kcal.

Ăn protein với mỗi bữa ăn

Nên bổ sung từ 1,2-1,5g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, việc này sẽ giúp làm lành các tổn thương gan, tái tạo tế bào gan.

Ví dụ: Một người nặng 60kg cần tiêu thụ khoảng 72-90g protein mỗi ngày.

Ăn đúng chất béo

Kiểm soát lượng chất béo và cholesterol trong các bữa ăn hàng ngày làm sao để số lượng không quá 25% tổng năng lượng trong ngày.

Chất sterol và các axit béo thiết yếu có trong dầu thực vật có tác dụng hạ lipid tốt, có thể ngăn ngừa hoặc loại bỏ tình trạng triglyceride cao và có thể hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu.

Tránh kích cỡ bữa ăn lớn

Đừng ăn quá no, vì điều này làm quá tải đường tiêu hóa của bạn và tăng lượng triglyceride trong máu. Ăn quá nhiều thúc đẩy chứng ợ nóng, trào ngược và đầy hơi.

Chế biến món ăn phù hợp

Các món ăn chế biến dạng luộc, hấp giúp bảo toàn lượng vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm nhiều hơn cách chế biến dạng chiên, xào, nướng. Hơn thế nữa, lượng calo trong các món ăn luộc, hấp cũng thấp hơn, từ đó cơ thể cũng bớt tích trữ triglyceride.

Ví dụ thực đơn cho một ngày của bạn:

  • Bữa sáng: Một chiếc bánh nhỏ làm từ tinh bột, trứng rán lá hẹ, một cốc sữa tách kem, rau bina trộn với các loại hạt.
  • Bữa trưa: Một bát cơm gạo lứt nhỏ, thịt bò xào cần tây, rau cải luộc.
  • Bữa tối: Một bát cháo ngũ cốc, bánh từ bột ngô, súp lơ hấp, và đậu phụ rán dầu oliu.

Triglyceride cao nên ăn gì?

Đậu

Đậu lăng, đậu đỏ, đậu pinto, đậu nành… Thay vì làm tăng mức triglyceride trong máu như nguồn protein từ động vật, đậu thực sự giúp hạ mỡ máu hiệu quả.

Đậu và các thực phẩm có nguồn gốc từ đậu (sữa đậu nành, tào phớ, đậu phụ, chao, đậu tương…) cũng giúp giảm lượng đường trong máu và insulin, và thậm chí có thể làm giảm nguy cơ ung thư.

Dầu ôliu

Có lượng triglyceride thấp có thể thay thế cho chất béo no, giúp giảm triglyceride, LDL cholesterol (cholesterol xấu) và giúp duy trì HDL cholesterol (cholesterol tốt). Tuy nhiên, dầu ôliu được coi là có hàm lượng calo cao, vì vậy không nên tiêu thụ nhiều hơn hai muỗng canh mỗi ngày.

Hành tây

Không chỉ có tác dụng giảm cholesterol máu, cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch hành tây còn có tác dụng giảm độ nhớt của máu tương tự như aspirin. Người trưởng thành mỗi ngày dùng 60g hành tây có tác dụng dự phòng cholesterol máu tăng cao.

Dưa leo

Có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi niệu. Dưa leo chứa rất nhiều chất xơ làm cải thiện quá trình tiêu hóa, tăng đào thải và giảm hấp thu chất béo trung tính. Có thể làm giảm quá trình chuyển hóa từ đường thành chất béo và có tác dụng giảm béo.

Bụp giấm

Bụp giấm chứa anthocyan 1,5%, cacid hữu cơ, nhựa, đường, alcaloid. Hoạt chất hibithocin trong đài hoa được các chuyên gia dược lý người Senegal chứng minh là có tác dụng điều hòa cholesterol máu, giảm triglyceride và làm giảm huyết áp. Hibithocin giúp thay đổi một cách ấn tượng các chỉ số mỡ máu bị rối loạn và đưa về mức cân bằng. Đồng thời giúp làm tăng HDL là chỉ số tốt cho cơ thể.

Cách dùng: Hoa bụp giấm mua về chỉ lấy cánh đài hoa màu đỏ, bỏ phần lỏi ở giữa. Nhặt xong, rửa sạch sau đó lại tráng lại cẩn thận bằng nước đun sôi để nguội. Cho ra rổ, để khô hẳn nước. Sau đó, một lớp hoa, một lớp đường, thường tỷ lệ đường là 1kg cánh đài hoa + 1,3kg đường hoặc hơn tuỳ thích. Tuyệt đối không để dính nước lã vào. Cho vào lọ thuỷ tinh là tốt nhất, đậy kín, ngày hôm sau đã bắt đầu ngấm. 3 ngày là nước siro đã khá đậm nét. Hai tuần sau là có thể dùng.

Súp lơ (bông cải)

Gồm súp lơ xanh và trắng, hai loại đều có thành phần dinh dưỡng cơ bản tương đồng. Súp lơ nhiệt lượng thấp, hàm lượng chất xơ rất cao, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và đặc biệt là flavonoid. Flavonoid là một chất làm sạch lòng mạch, có hiệu quả trong việc tiêu trừ cholesterol, triglyceride lắng đọng trên thành mạch, ngoài ra còn có thể ngăn chặn ngưng tập tiểu cầu, giảm thiểu các bệnh tim mạch phát sinh.

Rong biển

Là thực phẩm rất có ích đối với sức khỏe, cũng là một vị thuốc chữa bệnh. Rong biển chứa nhiều iod và magie, có tác dụng trong việc ngăn ngừa hình thành mảng lắng đọng cholesterol thành mạch. Trong rong biển còn có thành phần laminaria polysaccharide có thể làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid.

Cà rốt

Chứa nhiều caroten và nhiều loại vitamin. Ngoài ra còn chứa 9 loại acid amin, hơn 10 loại enzym, nhiều loại khoáng chất và chất xơ. Các thành phần này đều vô cùng hữu ích với những trường hợp mắc bệnh mạch vành. Trong cà rốt còn chứa quercetin- một loại flavonoid, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường lưu lượng máu động mạch vành, giảm triglyceride máu, hạ huyết áp.

Mầm đậu xanh

Đậu xanh là thực vật có tác dụng rất tốt trong việc giảm cholesterol và triglyceride trong máu, sau khi nảy mầm, hàm lượng vitamin C có thể tăng cao gấp 6-7 lần. Mầm đậu xanh tính ngọt mát, chứa vitamin C, chất xơ…, có lợi trong việc loại trừ chất thải trong cơ thể, nó có thể kết hợp với chất béo trong ruột để thải loại ra ngoài. Đồng thời cũng làm tăng sự chuyển hóa thành acid mật và bài trừ ra ngoài, từ đó làm giảm sự lắng đọng cholesterol và triglyceride ở thành động mạch. Mầm đậu xanh chính là một loại thực phẩm quý trong việc giảm cân và điều chỉnh mỡ máu.

Táo

Có tác dụng giảm mỡ máu do chứa nhiều pectin, là một loại chất xơ tan trong nước, pectin đã được chứng minh là làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Cơ chế xuất hiện là tăng độ nhớt trong đường ruột, dẫn đến giảm hấp thụ triglyceride máu từ mật hoặc thực phẩm. Nhưng trong táo cũng chứa nhiều đường, nên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không nên dùng quá nhiều.

Triglyceride cao phải kiêng gì?

Các sản phẩm thịt béo

Các loại thực phẩm này thường có hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa làm tăng mức triglyceride. Chúng bao gồm thịt đỏ, da gia cầm, bơ, mỡ lợn, sò ốc, óc, tim, gan, dạ dày (bò, lợn), dồi lợn, tôm, lươn, thịt mỡ, nước dùng nhiều mỡ, bơ, pho mát, sôcôla, sữa bột toàn phần, dầu dừa.

Thực phẩm chế biến

Các chất béo chuyển hóa cũng làm tăng mức triglyceride và nhiều thực phẩm nhân tạo được sản xuất thông qua quá trình gọi là hydro hóa có lượng quá nhiều chất béo chuyển hóa. Các nguồn gốc của các chất béo chuyển hóa bao gồm bơ thực vật, khoai tây chiên, bánh quy giòn và đồ tráng miệng như bánh nướng, bánh rán và bánh quy.

Các carbohydrate tinh chế

Các loại ngũ cốc chế biến và tinh chế có mặt trong bánh mì trắng, sợi mì trắng. Các nhà sản xuất đã loại bỏ chất xơ từ các loại ngũ cốc được chế biến cao này, có thể làm tăng lượng đường trong máu khi cơ thể phá vỡ chúng.

Carbohydrate tinh chế làm tăng lượng đường trong máu và kích thích sản xuất insulin, dẫn đến tăng nồng độ triglyceride.

Mọi người có thể dễ dàng thay thế ngũ cốc tinh chế bằng khoai tây, các loại đậu, hoặc lúa mì nguyên hạt và ngũ cốc thay thế.

Đường fructose nhân tạo

Đường nhân tạo làm tăng lượng đường trong máu. Tránh các loại đường có thể giúp giảm nồng độ triglyceride.

Các thực phẩm chứa nhiều fructose là:

  • Kem đóng hộp
  • Nước ngọt
  • Nước trái cây đóng chai
  • Một số loại sữa chua có hương vị
  • Sản phẩm bánh (bánh ngọt, bánh ngọt, bánh ngọt, bánh nướng)
  • Gia vị: nước sốt ngọt, sốt cà chua, mứt, thạch trái cây.

Nên đọc danh sách thành phần một cách cẩn thận để kiểm tra nồng độ fructose có trong sản phẩm và loại bỏ chúng khỏi giỏ hàng.

Rượu

Uống rượu kích thích gan sản xuất thêm axit béo từ đó làm tăng mức triglycerides trong máu. Nếu bạn uống quá nhiều rượu thêm vào đó là tiêu thụ nhiều thức ăn nhiều mỡ, tiết canh, nội tạng động vật… sẽ khiến mức triglycerides tăng đột biến. Hạn chế uống rượu tới mức thấp nhất có thể, cần cai rượu với những trường hợp nghiện rượu.

Lưu ý: Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học và lành mạnh kết hợp thể dục thể thao thường xuyên để tình trạng bệnh mau tiến triển tốt hơn.

Bài viết liên quan