Thuốc Nào Trị Gan Nhiễm Mỡ? Tổng Hợp Các Loại Thuốc Tốt Nhất

Gan nhiễm mỡ đang dần trở thành căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bệnh tình nếu không được kịp thời phát hiện và khắc phục sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Vậy gan nhiễm mỡ có thuốc chữa không? Thuốc nào trị gan nhiễm mỡ tốt nhất hiện nay?

Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ còn gọi là thoái hóa mỡ gan. Được định nghĩa là sự tích lũy triacyglyceride trong tế bào gan, là một phát hiện thường gặp trong hầu hết các xét nghiệm sinh thiết gan. Người ta ước tính rằng có tới 5% nhu mô gan được cấu tạo từ lipid. Như vậy, theo quy ước, bất kỳ số lượng lipid mà chiếm hơn 5% khối lượng gan có thể được coi là bệnh lý.

Gan nhiễm mỡ tùy theo mức độ bệnh tăng dần mà người ta phân cấp thành gan nhiễm mỡ độ 1, độ 2, độ 3. Ở giai đoạn 1, khi gan có lượng mỡ chưa cao, chưa xuất hiện các triệu chứng rõ rệt, bệnh chưa nguy hiểm bạn nên lựa chọn điều trị sớm. Ở giai đoạn sau đó, bệnh nặng hơn và nếu không kịp thời điều trị có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.

Thuốc nào điều trị gan nhiễm mỡ?

Hiện nay không có thuốc nào đang được thử nghiệm lâm sàng và được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý đối với viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Do đó không có điều trị gan nhiễm mỡ đặc hiệu nào có thể được khuyến cáo một cách chắc chắn và bất kỳ trị liệu bằng thuốc nào đều là sử dụng ngoài chỉ định được phê duyệt. Độ an toàn và khả năng dung nạp là những điều kiện tiên quyết thiết yếu đối với việc điều trị bằng thuốc. Tác dụng phụ do việc dùng nhiều thuốc, tương tác thuốc- thuốc và các  bệnh đồng thời đi kèm chưa được kiểm chứng.

Trên thực tế, tùy theo tình trạng gan nhiễm mỡ, bác sĩ có thể kê trong đơn thuốc của bạn một số loại thuốc chống thoái hóa mỡ ở gan như:

Metformin

Một số nghiên cứu nhỏ có chỉ ra hiệu quả mô học của metformin trong viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, tác dụng của metformin đối với chất béo ở gan là yếu, do không có khả năng phục hồi nồng độ adiponectin trong huyết thanh thời gian ngắn. Một số dữ liệu tiền lâm sàng hỗ trợ hoạt tính chống khối u của metformin đối với ung thư gan, trong khi việc chứng minh tỷ lệ giảm ung thư biểu mô tế bào gan ở người bị giới hạn chỉ ở các nghiên cứu hồi cứu và không đủ đối với các khuyến cáo dựa trên bằng chứng.

Thiazolidinedione

Thiazolidinedione là chất đồng vận thụ thể hoạt hóa bởi yếu tố tăng sinh peroxisome (PPAR)γ với các tác dụng gây nhạy cảm insulin. Thử nghiệm PIVENS đã so sánh pioglitazone liều thấp so với vitamin E so với giả dược trong 2 năm ở những bệnh nhân không bị bệnh đái tháo đường rõ rệt. Pioglitazone đã cải thiện tất cả những đặc điểm mô học (ngoại trừ xơ hóa) và đạt được sự giảm viêm gan nhiễm mỡ không do rượu thường xuyên hơn so với giả dược. Lợi ích về mô học xảy ra cùng sự với sự cải thiện ALT và điều chỉnh một phần sự kháng insulin.

Các kết quả tương tự đã được báo cáo ở 2 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng quy mô nhỏ hơn và thời gian ngắn hơn . Điều trị kéo dài bằng rosiglitazone, lên đến 2 năm, đã không đưa đến sự cải thiện thêm về mô học, mặc dù điều này chưa được thử nghiệm chính thức với pioglitazone.

Những tác dụng phụ của các glitazone đang được quan tâm: tăng cân, gãy xương ở phụ nữ và hiếm gặp là suy tim sung huyết. Bất kể hồ sơ về an toàn và khả năng dung nạp, pioglitazone có thể được sử dụng đối với các bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu được lựa chọn, đặc biệt trong trường hợp bệnh đái tháo đường loại 2 mà thuốc này có sử dụng đã được đăng ký.

Các thuốc tương tự incretin, tác động đến sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa glucose và insulin đã cho thấy những kết quả có lợi đối với enzym gan trong các nghiên cứu trước khi đưa ra thị trường. Một thử nghiệm thí điểm nhỏ về việc tiêm liraglutide hàng ngày đã đáp ứng kết quả mô học về việc làm thuyên giảm viêm gan nhiễm mỡ không do rượu mà không làm cho sự xơ hóa xấu đi .

Các loại vitamin

Vitamin nhóm B, vitamin C và E có trong cơ thể cũng có tác dụng tham gia vào quá trình hòa tan chất béo trong gan và có ảnh hưởng nhất định trong việc bảo vệ tế bào gan. Nếu cơ thể thiếu các loại vitamin này có thể sẽ gây nên tình trạng mỡ biến tính ở vùng trung tâm lá gan nhỏ, thậm chí còn gây hoại tử. Nếu kịp thời bổ sung đầy đủ các loại vitamin cần thiết thuộc nhóm này có thể ngăn ngừa mỡ biến tính ở trong tế bào gan, ngăn ngừa sự phát sinh tổ chức xơ dẫn đến xơ gan.

Trong thử nghiệm PIVENS, vitamin E (800 IU/ngày) đã cải thiện nhiễm mỡ, viêm và căng phồng tế bào gan và đưa đến sự thuyên giảm viêm gan nhiễm mỡ không do rượu ở 36% bệnh nhân (21% ở nhóm giả dược). Giảm ALT có tương quan với sự cải thiện về mô học và những bệnh nhân không đáp ứng về mô học đã không giảm ALT.

Ở thử nghiệm TONIC trên trẻ em, vitamin E không làm giảm aminotransferase, nhiễm mỡ và viêm nhưng đã cải thiện sự căng phồng tế bào gan và tăng gấp đôi tốc độ loại bỏ viêm gan nhiễm mỡ không do rượu so với nhóm giả dược. Những kết quả này trái ngược với các thử nghiệm trước đây, mà hầu hết không có tác dụng ở cả người lớn và trẻ em.

Vitamin E có thể được sử dụng ở bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu không bị đái tháo đường và không xơ gan nhưng cần có các nghiên cứu sâu hơn trước khi có thể đưa ra các khuyến cáo chắc chắn.

Acid amin

Thực tế protid là chất cơ bản để tạo thành các mô tế bào trong cơ thể, chúng cũng có tác dụng quan trọng trong việc duy trì và phục hồi chức năng gan, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi các tổ chức tế bào bị tổn thương và sự hợp thành thể miễn dịch globulin.

Khi cơ thể thiếu protein có thể gây bệnh gan nhiễm mỡ, vì vậy, để duy trì lượng protein cần thiết cho các cơ quan của cơ thể trong đó có gan, cần phải bổ sung lượng acid amin đầy đủ và cân đối.

Silymarin

Đây là tên gọi chung của một nhóm chất được chiết xuất từ nguồn gốc thực vật với cơ chế tác dụng chủ yếu là ổn định màng tế bào gan, kháng gốc tự do và mỡ đã qua oxy hóa, kích thích sự tạo thành protein, thúc đẩy sự tái sinh của những tế bào gan đã bị tổn thương.

Những loại thuốc Tây y để điều trị gan nhiễm mỡ tuy có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng, kịp thời nhưng lại dễ gây ra tác dụng phụ cho người bệnh như chán ăn, sụt cân, men gan tăng cao, nhức mỏi cơ bắp… Vì vậy, khi sử dụng thuốc để điều trị gan nhiễm mỡ phải có chỉ định của bác sĩ điều trị để bảo đảm an toàn, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số lưu ý khi điều trị gan nhiễm mỡ bằng thuốc

  • Điều trị bằng thuốc nên dành cho những bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), đặc biệt đối với những người bị xơ hóa đáng kể. Những bệnh nhân bị bệnh ít nặng hơn nhưng có nguy cơ cao tiến triển bệnh (như: bị bệnh đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, tăng ALT dai dẳng, viêm hoại tử nặng) cũng có thể là đối tượng để ngăn ngừa tiến triển bệnh.
  • Chưa rõ thời gian điều trị tối ưu; ở những bệnh nhân có tăng ALT lúc ban đầu, nên ngừng điều trị nếu không có sự giảm nào về aminotransferase sau 6 tháng điều trị; ở những bệnh nhân có ALT bình thường lúc ban đầu, không có khuyến cáo nào có thể được đưa ra.
  • Các statin có thể được sử dụng đáng tin cậy để làm giảm LDL-cholesterol và ngăn ngừa nguy cơ tim mạch mà không có lợi ích hoặc tổn hại nào đối với bệnh gan. Tương tự như vậy, các acid béo bão hòa đa n-3 làm giảm cả lipid trong huyết thanh và ở gan, nhưng không có dữ liệu nào ủng hộ việc sử dụng chúng đặc biệt đối với viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bởi chưa có loại thuốc đặc trị gan nhiễm mỡ nào được chứng nhận, lựa chọn thay đổi lối sống vẫn là phương pháp ưu tiên hàng đầu. Những bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ nên quan tâm hơn tới chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt một cách hợp lý và khoa học.

Bài viết liên quan