Chào chuyên gia, tôi được biết trong trứng có nhiều cholesterol. Tôi cảm thấy đau chân, tê bì, màu da thay đổi và được bạn bè nói rằng có thể do tôi ăn nhiều trứng nên cholesterol cao, vậy tôi có nên ăn trứng nữa không? Mong sớm được chuyên gia giải đáp! Xin cảm ơn.
(Cô Ngọc – 51 tuổi, Vĩnh Phúc)
Trả lời
Chào cô Ngọc, cảm ơn cô đã gửi câu hỏi đến giammomau.net.vn. Xin phép được giải đáp của cô trong những nội dung dưới đây!
Mục lục
Cholesterol máu cao là gì?
Cholesterol là chất béo steroid màu vàng nhạt được vận chuyển trong huyết tương, có ở màng tế bào trong cơ thể. Cholesterol cao là tình trạng nồng độ cholesterol trong cơ thể nhiều hơn mức cho phép. Cholesterol đóng một vai trò rất quan trọng trong việc góp phần tạo nên các tế bào khỏe mạnh nhưng khi cholesterol cao, khả năng mắc bệnh tim lên tới 95%.
Khi cholesterol cao hơn mức bình thường, các chất béo trong các mạch máu có thể bị lắng đọng gây tắc nghẽn, cản trở sự vận chuyển của máu qua các động mạch. Do vậy, tim không nhận đủ máu dẫn đến tình trạng đau nhói. Máu lưu thông đến não giảm dễ gây đột quỵ.
☛ Tìm hiểu: Mọi điều cần biết về cholesterol
Các triệu chứng thường gặp khi nồng độ cholesterol máu cao
Phần lớn người có cholesterol máu cao thường rất ít khi nhận ra nếu như không thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra nhưng qua bài viết này mong rằng với cô Ngọc nói riêng và mọi người nói chung sẽ hiểu thêm được phần nào những biểu hiện đặc biệt khi bị cholesterol cao. Những triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau bắp chân: Dư thừa cholesterol khiến các động mạch ở chi dưới bị tắc nghẽn gây đau nhức đặc biệt là ở bắp chân.
- Rối loạn thần kinh: Các cholesterol dư thừa tích tụ ở trong các mạch máu não gây ra tình trạng đau nhức nửa đầu, chóng mặt, nói lắp,… dấu hiệu này thường xuất hiện thoáng qua nhưng với tần suất cao thì nên đi khám ngay.
- Đau thắt ngực: Thừa cholesterol gây cản trở lưu thông máu trong các động mạch khiến co thắt, đau nhức ngực. Ngay cả khi không vận động mạnh cũng có thể bị đau thắt và nên chú ý biểu hiện này.
- Huyết áp không ổn định: Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, ăn không tiêu, choáng váng đầu óc, rối loạn tiêu hóa,…Một người sức khỏe ổn định sẽ có huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới là 80mmHg. Thường xuyên đo mà thấy huyết áp không ổn định thì bạn cần đến bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị.
- Da phát ban: Cholesterol xấu dư thừa trôi nổi trong máu, chúng lắng đọng trên da thành các tổn thương giống phát ban có thể lan ra cả mặt.
Như các biểu hiện mà cô Ngọc chia sẻ là đau chân, tê bì, màu da thay đổi có thể là dấu hiệu của tăng cholesterol máu. Tuy nhiên không thể hoàn toàn chắc chắn bởi đây cũng là những dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác. Để chắc chắn về tình trạng sức khỏe của mình, cô Ngọc nên tới cơ sở y tế uy tín để làm xét nghiệm máu, thăm khám và nhận được tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây cholesterol máu cao
Cholesterol không phải là thành phần xấu trong máu mà đây còn là thành phần quan trọng của lipid máu nhưng khi cholesterol tăng cao mà không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gặp nhiều nguy hiểm thậm chí dẫn tới đột quỵ. Vậy để ngăn chặn điều đó xảy ra, ta phải biết do đâu mà cholesterol tăng cao hơn mức cho phép. Dưới đây là vài nguyên nhân tiêu biểu:
- Thói quen hút thuốc: Nhiều người vẫn cho rằng hút thuốc chỉ có hại cho phổi nhưng theo nghiên cứu chỉ ra khói thuốc lá làm giảm lượng cholesterol tốt trong máu và sản sinh ra cholesterol xấu. Từ đó cholesterol bị mất cân bằng, lượng cholesterol xấu chiếm phần nhiều do vậy nguy cơ biến chứng mạch máu là rất cao.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: Ăn quá nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, đồ chiên rán; đồ sống, nội tạng động vật, ăn nhiều bánh ngọt khiến chỉ số cholesterol trong cơ thể tăng cao và dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm.Việc lười vận động, lười tập thể dục không chỉ dễ khiến cholesterol trong máu cao mà còn khiến cơ thể chúng ta trở nên nặng nề hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Tuổi tác và giới tính: Sau 20 tuổi, nồng độ cholesterol bắt đầu có sự tăng lên đáng kể, khả năng mắc xơ vữa động mạch càng cao. Ở nam giới, nồng độ cholesterol luôn cao và gấp 3 lần ở nữ giới cho đến độ tuổi 50. Ở nữ giới, nồng độ cholesterol ở mức thấp và cho đến tuổi mãn kinh, họ sẽ có mức cholesterol bằng nam giới.
- Do có sẵn bệnh nền: Những người mắc phải một số bệnh như suy giáp, đái tháo đường thường sẽ có lượng cholesterol tăng cao hơn người bình thường.
☛ Tìm hiểu: Cholesterol cao - nguyên nhân, cách điều trị
Ăn nhiều trứng có làm tăng cholesterol hay không?
Trứng là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, trong 100g trứng có khoảng 373 mg cholesterol, con số này được cho là khá cao. Chính vì vậy, nhiều người trong đó có cô Ngọc đã đặt ra câu hỏi rằng "Liệu ăn trứng có bị cholesterol máu cao hay không?
Câu trả lời là: Mặc dù có hàm lượng cholesterol cao, nhưng ăn trứng không làm tăng cholesterol máu. Bởi, trứng có chứa hoạt chất lecithin (rất hiếm, khó kiếm ở những thực phẩm khác ngoài đậu nành). Lecithin có khả năng làm giảm cholesterol, LDL-cholesterol và tăng lượng HDL-cholesterol và trong cơ thể. Cùng với đó, lecithin còn phá vỡ và phân tán mỡ trong thức ăn và máu thành những phân tử cỡ nhỏ. Cơ thể có thể dễ dàng sử dụng mỡ đã phân chia thành nguồn nhiên liệu, cung cấp năng lượng để hoạt động thay vì dự trữ trong các mô tế bào.
Trứng cung cấp cholesterol, giúp tạo ra hormone sinh dục estrogen, vitamin D để bảo vệ tế bào, ngăn chặn ứ đọng và xơ vữa động mạch. Trứng còn là nguồn cung cấp chất abumin – thành phần quan trọng nhất của huyết thanh. Với người trưởng thành, sức khỏe tốt, có thể ăn từ 4-5 quả/tuần nhưng đối với những người bị cholesterol máu cao hay bị cao huyết áp chỉ nên ăn 1-2 lần/tuần. Chưa kể đến giá trị dinh dưỡng của trứng có thể bị thay đổi tùy vào phương thức chế biến món ăn của mỗi nhà. Việc rán, xào trứng trong quá nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng 4 lần hàm lượng chất béo và cholesterol so với khi luộc. Những người có hàm lượng cholesterol máu cao, huyết áp cao,… cần lưu ý kĩ chế độ ăn cũng như cách chế biến trứng để không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
☛ Đọc thêm: Máu nhiễm mỡ có nên uống sữa không?
Ăn bao nhiêu trứng là an toàn?
Trứng là thức ăn quá quen thuộc với mọi gia đình, vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng nhưng nên cân bằng các chất ở tỉ lệ cân đối. Do trứng có thể sử dụng cho mọi độ tuổi nên việc kiểm soát số lượng để có thể hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất là rất cần thiết. Dựa theo nghiên cứu của chuyên gia, chúng tôi xin liệt kê số lượng ăn trứng được coi là an toàn nhất, cô Ngọc và bạn đọc có thể tham khảo:
- Với trẻ nhỏ dưới 7 tháng chỉ nên ăn 3 lần trên một tuần, mỗi lần một nửa lòng đỏ rồi đem nấu bột hoặc cháo.
- Với trẻ trên 7 tháng tuổi có thể ăn ½ lòng đỏ trứng mỗi bữa ăn.
- Ăn 1 lòng đỏ trứng gà cho những bé từ 8-9 tháng tuổi.
- Với trẻ từ 10-12 tháng tuổi có thể ăn cả lòng trắng và lòng đỏ trong mỗi bữa ăn.
- Khi bé cứng cáp đủ từ 1-2 tuổi, các mẹ có thể cho con ăn từ 3-4 quả/tuần.
- Với người lớn chúng ra một tuần cũng chỉ nên ăn từ 3-4 quả và không nên ăn một ngày nhiều trứng.
- Đặc biệt với những người bị bệnh tiểu đường, người bị bệnh gan, người cơ địa dễ bị dị ứng, người có hàm lượng cholesterol máu cao…thì chỉ nên ăn từ 1-2 quả/tuần là an toàn nhất.
Các món ăn lành mạnh từ trứng
Trong trứng có nhiều chất dinh dưỡng nên ăn trứng rất có lợi cho sức khỏe của bạn. Một nguyên liệu tốt cho sức khỏe khi biết nêm nếm gia vị, kèm theo nhiều cách chế biến với những loại nguyên liệu bổ dưỡng khác thì còn gì bằng. Dưới đây là những món ăn chúng tôi gợi ý cho cô Ngọc cùng bạn đọc để có thể chế biến từ trứng một cách an toàn, hạn chế lượng cholesterol tăng cao:
1. Trứng luộc
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 2-3 quả trứng gà (tùy mỗi nhà có mấy người và mỗi người chỉ nên ăn một quả)
Cách làm:
- Đun nước sôi và có thể thêm chút giấm hoặc chanh để khi bóc vỏ trứng sẽ dễ dàng hơn.
- Khi nước sôi thì đặt trứng lên 1 cái muỗng rồi thả từ từ xuống (tránh tình trạng thả thẳng xuống sẽ khiến lòng trắng bị vỡ, chảy trôi nổi trong nước).
- Luộc trong vòng 11 phút với lửa nhỏ để trứng chín một cách hoàn hảo (trứng nên ăn chín để hấp thụ được chất dinh dưỡng một cách tốt nhất).
2. Canh cà chua, trứng, thịt heo bằm
Nguyên liệu:
- Trứng gà: 2 quả (tùy số người ăn), thịt lợn bằm sẵn: 160g, hành tím: 1 củ, cà chua: 2 quả
- Hành lá: 3 nhánh
- Dầu ăn
- Gia vị: mắm, muối, hạt nêm,…
Cách làm:
- Đem rửa sạch cà chua rồi đem cắt lát.
- Hành tím lột vỏ, thái thành các lát mỏng. Hành lá đem cắt phần rễ rồi đem rửa sạch, cắt nhỏ.
- Đập trứng vào bát rồi khuấy đều.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào 1 thìa cà phê dầu ăn, đợi dầu nóng thì hạ lửa nhỏ rồi cho hành tím vào đảo đến khi vàng đều có mùi thơm.
- Cho tiếp thịt băm vào xào nhẹ đến khi thịt hơi săn lại thì nêm 1 thìa cà phê hạt nêm rồi đảo đều cho thịt chin.
- Đổ cà chua vào xào cùng thịt khoảng 4 phút, sau đó đổ khoảng 1 lít nước vào nồi, đậy nắp và đun với lửa vừa.
- Nước sôi thì mở nắp và vớt bọt để nước dùng trong, có thẩm mĩ hơn.
- Đổ phần trứng đã đánh tan vào nồi rồi khuấy liên tục. Cho 1/3 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa muối, 2 thìa nước mắm, đảo đều rồi cho phần hành lá vào là hoàn thành món ăn.
3. Trứng ngâm nước tương
Nguyên liệu:
Nước tương: 250ml, trứng gà: 12 quả, hành tây: ½ củ, nước lọc: 300ml, hành tím: 4 củ, tỏi: 2 củ, ớt tươi: 10 quả, hành lá: 6 nhánh, mè rang: 12g, giấm ăn, rượu trắng,gia vị.
Cách làm:
- Rửa sạch trứng gà và nên để trứng ở nhiệt độ phòng rồi đem luộc.
- Hành lá rửa sạch rồi thái nhỏ. Hành tím và tỏi bóc vỏ sạch sẽ, thái mỏng. Có thể để nguyên trái ớt hoặc thái lát tùy vào mỗi người. Hành tây lột vỏ và cắt hạt lựu.
- Bắc nồi nước lên đun sôi rồi cho 4 thìa giấm và 1 muỗng cà phê muối để trứng dễ bóc hơn.
- Nước sôi, hạ nhỏ lửa rồi thả trứng vào nồi, khuấy nhẹ nhàng cho trứng xoay đều để lòng đỏ nằm chính giữa, đẹp hơn.
- Luộc khoảng 6-7 phút rồi vớt ra cho vào tô nước đá, chờ trứng nguội để bóc vỏ.
- Hỗn hợp nước tương làm như sau: 300ml nước lọc, 250ml nước tương, 1 muỗng canh rượu trắng, 7 thìa cà phê đường. Cho hỗn hợp lên bếp rồi đun sôi, nêm nếm lại theo sở thích
- của mình.
- Chờ nước tương nguội hẳn, cho hành lá, tỏi, ớt, hành tím, hành tây và mè rang trộn đều.
- Cho trứng vào hộp hoặc hũ thủy tinh có nắp rồi đổ hỗn hợp nước tương cho ngập trứng. Ngâm khoảng 7 tiếng là có thể thưởng thức được ngay.
4. Trứng xào mướp đắng
Nguyên liệu:
- Mướp đắng: 3-4 quả
- Trứng gà ta: 2-3 quả
- Tỏi: 1 củ
- Hành tím: 1 củ
- Gia vị
Cách làm:
- Rửa sạch mướp đắng, lọc bỏ ruột, ngâm trong đá khoảng 15 phút cho miếng mướp đắng giòn hơn.
- Thái lát mướp đắng miếng vừa ăn. Nên thái vát để trông thẩm mỹ hơn.
- Đánh trứng cùng 1 thìa nước mắm và ½ thìa đường.
- Bóc vỏ tỏi và hành tím rồi đập dập, băm nhỏ.
- Cho 1 thìa cà phê dầu ăn, đợi sôi thì cho hành vào phi thơm. Cho mướp đắng vào xào chín, nêm ½ thìa nước mắm, ½ thìa hạt nêm, ½ thìa muối (có thể tự gia giảm theo sở thích).
- Cho trứng vào khi mướp gần chín, đảo đều và thế là đã có món trứng xào mướp đắng vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.
5. Trứng hấp nấm rơm
Nguyên liệu:
- Nấm rơm: 25g
- Trứng gà: 3 quả
- Hành lá: 4 cọng
- Hành tím: 1 củ
- Gia vị
Cách làm:
- Cắt gốc nấm rơm, rửa sạch, ngâm trong nước muối khoảng 35 phút.
- Lột vỏ hành tím, thái mỏng. Hành lá cắt gốc, thái nhỏ.
- Cho vào 1/2 thìa cà phê dầu ăn, nóng dầu thì cho nấm vào xào sơ để nấm ra bớt nước.
- Đập trứng ra bát, cho vào 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm, hành lá, hành tím, cho cả phần nấm đã được xào qua vào hỗn hợp rồi đảo đều.
- Cho phần trứng vào nồi hấp khoảng 25 phút là đã có ngay một món vừa ngon vừa dễ làm, vừa bổ dưỡng.
Chọn lựa, bảo quản trứng sao cho an toàn?
Cũng như bao loại thực phẩm khác, dù có giàu dinh dưỡng đến mấy mà không chọn đúng nơi uy tín hay bảo quản đúng cách thì có thể sẽ phản tác dụng, thậm chí gây bệnh. Chính vì vậy cần có những lưu ý dưới đây:
- Lựa chọn địa chỉ bán trứng sạch, an toàn
- Bảo quản trứng trong tủ lạnh ở mức nhiệt 5 độ C.
- Bất kể chế biến trứng với gì đi nữa cũng không nên để quá 2 giờ sau mới ăn. Ăn nóng sẽ hấp thụ được chất dinh dưỡng tốt hơn.
Để xác định được trứng sạch, tươi cần chú ý 4 điểm sau:
- Quan sát vỏ trứng: Nếu màu quả trứng bị nhợt nhạt hoặc xuất hiện những đốm đen thì quả trứng đó để rất lâu rồi. Lưu ý rằng ta chỉ nên áp dụng cách làm này với trứng gà công nghiệp.
- Sờ vào quả trứng: Trứng gà mới đẻ sẽ có những lỗ nhỏ, hơi nhám và sần sùi còn khi trứng để lâu sẽ láng mịn, lỗ nhỏ bị bít lại theo thời gian. Cách nhận biết này dễ áp dụng hơn khi đi mua ở chợ.
- Soi trứng dưới ánh nắng: Cách làm này bạn có thể áp dụng ở mọi nơi chỉ cần có đủ ánh sáng; với trứng mới ngon thì buồng khí nhỏ, lòng đỏ tròn, nằm cân bằng ở chính giữa và không di động; lòng trắng trong suốt, hồng nhạt hoặc cam.
- Lắc nhẹ quả trứng: Cầm trứng lên lắc nhẹ, nếu nghe thấy tiếng động mạnh chứng tỏ trứng đã hư.
Có thể kết luận lại rằng, với người có cholesterol máu cao, việc ăn nhiều trứng trong một ngày hay một tuần là điều không nên. Cô Ngọc và quý bạn đọc nên chú ý vào chế độ ăn uống của mình để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Chúc cô Ngọc và gia đình nhiều sức khỏe!