Mỡ máu triglyceride tăng cao gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại như rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, … Vậy nguyên nhân nào khiến cho chỉ số triglyceride tăng cao, ngăn ngừa bằng cách nào?
Ai dễ bị triglyceride tăng cao?
- Người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglyceride trong máu
- Người lớn bị đau tim hoặc đột quỵ, hoặc một số bệnh xơ vữa động mạch khác, cơn đau mạch máu thoáng qua, đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định và bất cứ ai đã làm thủ thuật (như phẫu thuật nong mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu) để khôi phục lưu lượng máu qua động mạch bị chặn
- Người lớn bị tiểu đường hoặc có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ và cholesterol LDL cao (70-189 mg / dL)
- Những người từ 21 tuổi trở lên có mức cholesterol LDL từ 190 mg / dL trở lên
Ý nghĩa của chỉ số triglyceride trong máu
Triglyceride hay còn gọi là chất béo trung tính, là một dạng chất béo mà cơ thể chúng ta vẫn tiêu thụ mỗi ngày. Triglyceride cũng là một trong những thành phần chủ yếu của mỡ động vật, thực vật. Sau khi cơ thể tiêu hóa triglyceride sẽ được tiêu thụ dưới dạng năng lượng tế bào khi di chuyển trong mạch máu.
Ý nghĩa chỉ số Triglyceride trong máu
★ Mức bình thường: <150 mg/dL (hoặc dưới 1,69 mmol/L)
★ Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL (1,8 – 2,2 mmol/L)
★ Mức nguy cơ cao: 200 – 499 mg/dL (2,3 – 5,6 mmol/L)
★ Mức nguy cơ rất cao: > 500 mg/dL ( hoặc trên 5,7 mmol/L)
Nguyên nhân tăng triglyceride
Có nhiều nguyên nhân khiến cho nồng độ triglyceride tăng cao, một số trong đó có thể là:
Nguyên nhân nguyên phát:
Nguyên nhân | Đặc điểm |
Type I | Tăng chylomicron máu cótính gia đìnhThiếu LPL và/hoặc apo-CII
Nhiễm sắc thể lặn, ở thời thơ ấu Các rối loạn chức năng LPL hiếm gặp |
Type IV | Tăng triglyceride máu có tính gia đình: tăng VLDLNhiễm sắc thể trội, ở người trưởng thành
Tăng lipid máu hỗn hợp có tính gia đình Nhiều kiểu hình; tăng nồng độ apo-B |
Type V | Tăng triglyceride máu hỗn hợpTăng VLDL và chylomiron, ở người trưởng thành |
Nguyên nhân thứ phát
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm nồng độ cholesterol có lợi(HDL), tăng nông độ cholesterol có hại(LDL) và tăng triglycerid gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Nếu bạn hút thuốc càng nhiều, lượng mỡ đào thải sẽ càng kém, mỡ thừa sẽ tích tụ trong máu, nhất là mạch máu ở tim, mạch não.
- Ít hoạt động thể chất: Vận động thường xuyên giúp quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả hơn. Ngược lại, khi bạn hạn chết vận động, khiến cho việc lưu thông máu, tiêu thụ đồ ăn cũng bị hạn chế theo. Lượng mỡ dư thừa không được sử dụng sẽ tích tụ và gia tăng nồng độ triglyceride.
- Uống quá nhiều rượu: Uống rượu kích thích gan sản xuất thêm axit béo từ đó làm tăng mức triglycerides trong máu. Nếu bạn uống quá nhiều rượu thêm vào đó là tiêu thụ nhiều thức ăn nhiều mỡ, tiết canh, nội tạng động vật… sẽ khiến mức triglycerides tăng đột biến.
- Thừa cân, béo phì: Khoảng 60-70% người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh rối loạn lipid máu- tương đương với việc nồng độ triglyceride cao.
- Suy giáp, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa: Những người có bệnh lý nền thường có mức chỉ số triglyceride cao hơn bình thường.
- Tiêu thụ chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa: Ăn nhiều carbonhydrate tinh chế và các loại đường fructose nhân tạo có thể làm tăng mức chất béo trung tính tryglyceride.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: thuốc tăng cường estrogen, thuốc ức chế protease và corticosteroid, ức chế beta không chọn lọc; propofol; isotretinoin; một số thuốc chống loạn thần (clozapine, olanzapine); cyclosporine; bexarotene; all-trans retinoic acid; sirolimus; tacrolimus;…
- Ảnh hưởng di truyền: Nghiên cứu có chỉ ra sự tăng triglyceride có thể do di truyền, bởi vậy trước khi làm xét nghiệm bệnh nhân được yêu cầu điền vào tờ khai y tế về tiền sử bệnh của gia đình.
Tại sao triglyceride nguy hiểm?
Bất kể nguyên nhân khiến triglyceride cao là gì, thì một khi chất béo trung tính rất cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, nồng độ triglyceride rất cao có xu hướng kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác bao gồm béo phì, huyết áp cao và cholesterol cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch .
Điều này được cho là do triglyceride làm giảm mức cholesterol HDL (có lợi), tạo điều kiện lý tưởng cho sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Kết quả là, các mạch máu bị thu hẹp nên có thể xảy ra nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn tới đột quỵ.
Nồng độ chất béo trung tính cực cao cũng có thể dẫn đến viêm tụy, một tình trạng rất nghiêm trọng trong đó tuyến tụy bị viêm. Tình trạng này có thể gây đau đáng kể và thường bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị.
Ngăn ngừa triglyceride tăng cao bằng cách nào?
Duy trì mức triglyceride ở ngưỡng cho phép giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy,… Loại bỏ các nguyên nhân nhân thứ phát gây tăng triglyceride có thể giúp bạn đảm bảo tới 80% chỉ số triglyceride ở ngưỡng an toàn.
Mục tiêu của bất kỳ phương pháp điều trị nào sẽ là:
- Giảm lượng chất béo trung tính trong máu
- Kiểm soát các nguyên nhân có thể làm tăng mức chất béo trung tính (ví dụ: béo phì, tiểu đường, suy giáp, bệnh thận)
Cách tốt nhất để giảm nồng độ triglyceride là lựa chọn cho bạn một lối sống lành mạnh. Điều đó có nghĩa là giảm triglyceride phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Kiên trì thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây, chúng sẽ giúp cải thiện và duy trì nồng độ triglyceride có lợi cho sức khỏe của bạn.
- Tăng cường vận động: Hình thành thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của bạn, có thể làm giảm triglyceride và tăng cholesterol “tốt”. Hãy cố gắng dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày tham gia các hoạt động thể chất. Việc đơn giản nhất là đi bộ, chạy bộ hoặc lựa chọn môn thể thao mà bạn yêu thích. Tốt hơn nữa là kết hợp vận động nhẹ trong thời gian bạn làm việc, thời gian rảnh.
- Giảm cân: Lượng calo bổ sung được chuyển đổi thành triglyceride và được lưu trữ dưới dạng chất béo. Việc giảm lượng calo sẽ làm giảm chỉ số triglyceride. Giảm 5% đến 10% trọng lượng thực sự cần thiết cho sức khỏe của bạn, giúp cải thiện chất béo tích tụ, giảm tổn thương cho các tế bào, đặc biệt là đối với những người béo phì, thừa cân quá nhiều. Tuy nhiên, bạn cần phải lựa chọn phương pháp giảm cân an toàn.
- Bổ sung chất béo tốt: Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe bao gồm cá chứa axit béo omega-3 như cá thu, cá hồi, các loại hạt như hạt dẻ, óc chó, bơ… Tránh chất béo chuyển hóa, thực phẩm có dầu hoặc chất béo hydro hóa.
- Hạn chế tiêu thụ rượu/cai rượu: Thay thế rượu bằng các loại thức uống tốt nhiều dinh dưỡng hơn, ví dụ như nước lọc, trà hoa bụp giấm, nước cam…
- Hạn chế ăn uống sau 8 giờ tối: Thời điểm tốt nhất dành cho người bệnh là nên ăn vào khoảng 6 giờ 30 – 7 giờ tối. Sau thời điểm này thức ăn được đưa vào cơ thể khó hấp thu hơn,thời gian tiếp theo phần lớn là ngủ, nên không tiêu tốn nhiều năng lượng. Lượng mỡ thừa dễ đọng lại tại thành mạch.
- Không nên thức khuya: Nghiên cứu chỉ ra người thức khuya thường dễ mệt mỏi vì thiếu ngủ, dễ tăng cân và có mức chỉ số triglyceride cao hơn những người ngủ đúng và đủ giấc. Thường xuyên thức khuya còn ảnh hưởng đến nội tiết khiến tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tăng triglyceride kèm theo tích tụ chất béo ở thành bụng và cơ mông( gây béo phì).
- Giảm căng thẳng, áp lực: Bạn có thể lựa chọn xem những chương trình giải trí hoặc làm bất kỳ việc gì bạn yêu thích để giải tỏa áp lực.