Top 4 Nguyên Nhân Gây Máu Nhiễm Mỡ Và Cách Phòng Tránh

Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đó là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol, triglycerid. Mỡ máu tăng cao kéo dài có thể gây nên một số hậu quả xấu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Biết được các nguyên nhân gây ra tình trạng tăng mỡ máu sẽ giúp bạn có kiến thức điều trị và phòng tránh bệnh ngay từ gốc của vấn đề.

Nhận biết máu nhiễm mỡ qua các chỉ số xét nghiệm mỡ máu

Bộ xét nghiệm mỡ máu (lipid máu) bao gồm 1) Cholesterol toàn phần 2) Triglycerid 3) HDL – cholesterol và: 4) LDL – cholesterol.

Cholesterol

Cholesterol là 1 thành phần của mật do gan tổng hợp, có trong hồng cầu – màng tế bào – cơ. Khoảng 70% cholesterol được ester hóa (kết hợp với acid béo, 30% dưới dạng tự do trong máu (huyết tương). Trong xét nghiệm, 2 dạng này thường được đo chung với nhau gọi là Cholesterol toàn phần. Choles Toàn phần = Choles Tự do + Choles Ester.

Gan là cơ quan chính tạo Cholesterol & gan cũng là cơ quan duy nhất ester hóa Cholesterol. Cholesterol chuyển hóa thành acid mật & muối mật (cần cho sự tiêu hóa mỡ), thành các hormon steroid (ở vỏ thượng thận – buồng trứng – tinh hoàn). Tăng cholesterol huyết có thể gây ra những mảng lắng đọng ở ĐM vành -> NMCT.

Cholesterol trong máu tăng lên theo tuổi ở cả nam & nữ cho đến 60 tuổi. Trước 50 tuổi, choles ở nam > nữ, sau 50 tuổi, choles ở nữ > nam.

  • Mức bình thường: < 200 mg/dL (< 5,2 mmol/L)
  • Nguy cơ vừa: 200 – 239 mg/dL (5 – 6 mmol/L)
  • Nguy cơ cao: > 240 mg/dL (> 6 mmol/L)

Cholesterol tăng thì sẽ dẫn đến nguy cơ: xơ vữa động mạch, vàng da tắc mật, tiểu đường, tăng huyết áp.. Nếu các chỉ số này giảm thì dễ dẫn đến cường giáp, hội chứng Cushing…

Triglycerid

Là ester của glycerol với 3 acid béo, được vận chuyển trong máu dưới dạng lipoprotein. Ở người, trong tổ chức mỡ dự trữ những acid béo thường là: acid palmitic, acid oleic.

Triglycerid có trong dầu thực vật & mỡ động vật. Mỡ là glycerid của động vật có nhiều acid béo no, và dầu thực vật là glycerid chứa nhiều acid béo không no. Triglycerid có 2 nguồn gốc: ngoại sinh (thức ăn) & nội sinh (do gan tổng hợp). Trong huyết tương, Triglycerid ngoại sinh được vận chuyển bởi chylomicron & Triglycerid nội sinh được vận chuyển bởi VLDL.

Ở ruột non, Triglycerid bị thủy phân bởi lipase thành glycerol & acid béo. Acid béo được hấp thu phần lớn qua hệ bạch huyết & cuối cùng tới dòng máu dưới dạng hạt mỡ (chylomicron).

Triglycerid gây ra huyết tương đục như sữa sau bữa ăn mỡ (biến mất sau 6 giờ, vì được gan đưa vào VLDL, LDL, HDL chuyển đến các mô, nhất là mô mỡ).

  • Mức bình thường: < 150 mg/dL
  • Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL
  • Nguy cơ cao: 200 – 499 mg/dL
  • Nguy cơ rất cao: >500 mg/dL

Triglycerid tăng thì sẽ dẫn đến nguy cơ: xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tiểu đường nặng, thiếu máu ác tính, xơ gan, viêm tuỵ, viêm gan… Nếu các chỉ số này giảm thì dễ dẫn đến suy kiệt cơ thể.

HDL – cholesterol (HDL – cho)

HDL là lipoprotein tỷ trọng cao (High Density Lipoproteins), được tổng hợp ở gan & ruột dưới dạng hình đĩa sau chuyển thành hình cầu trong huyết tương. Choles huyết tương được vận chuyển trong HDL: # 25%.

HDL vận chuyển ngược cholesterol dư thừa từ tế bào ngoại biên về gan để gan oxy hóa & đào thải ra ngoài theo đường ruột. Quá trình này giúp cho tế bào ngoại biên khỏi bị ứ đọng lipid, chống lại hiện tượng sinh xơ vữa. Vì vậy, HDL được gọi là yếu tố chống xơ vữa.

  • Mức bình thường: ≥ 60 mg/dL
  • Mức ranh giới: 40 – 59 mg/dL (nam); 50 -59 mg/dL (nữ)
  • Nguy cơ cao: < 40 mg/dL (nam); < 50 mg/dL (nữ)

HDL – cho tăng thì giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Nếu chỉ số này giảm thì gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, béo phì…

LDL – cho (LDL – cho)

LDL là lipoprotein tỷ trọng thấp (Low Density Lipoproteins), VLDL là lipoprotein tỷ trọng rất thấp (Very Low Density Lipoproteins), được gọi là những lipoprotein gây xơ vữa.

Quá trình tạo LDL: lipid tổng hợp ở gan được đưa vào máu trong thành phần của VLDL, đầu tiên là VLDL1. Trong máu: VLDL1 -> VLDL2 -> IDL -> LDL. Khoảng 20% tiểu phân VLDL biến thành LDL. LDL được gan hay bất cứ tế bào nào khác của cơ thể nắm bắt nhờ các thụ thể đặc hiệu (thụ thể LDL). Sau khi được nắm bắt, LDL tăng trưởng – dinh dưỡng – chuyển hóa nhờ cơ chế nội ẩm bào qua trung gian thụ thể.

Nobel Y học 1985 (Goldstein & Brown): khi có bất thường thụ thể LDL: cơ thể không có khả năng nắm bắt LDL lưu hành, không có khả năng nội ẩm bào qua trung gian thụ thể đến các hố có áo và vào trong bào tương. Hậu quả là nồng độ LDL lưu hành tăng, lắng đọng dưới lớp nội mạc và dẫn đến Xơ vữa động mạch.

  • Mức bình thường: <100 mg/dL (bình thường); 100 – 129 mg/dL (gần đạt ngưỡng bình thường)
  • Mức ranh giới: 130 – 159 mg/dL
  • Nguy cơ cao: 160 – 189 mg/dL (nguy cơ cao); ≥ 190 mg/dL (nguy cơ rất cao)

Nếu chỉ số này tăng thì tăng nguy cơ xơ vữa động mạch & bệnh mạch vành.

Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh mỡ máu cần đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định, với các kết quả:

  • Tăng cholesterol toàn phần.
  • Tăng LDL-cholesterol.
  • Tăng triglyceride.
  • Giảm HDL-cholesterol.

Mỡ trong máu bắt đầu tăng sau 2 – 3 giờ khi ăn nhiều mỡ, đạt mức cao nhất sau 4 – 6 giờ và tới giờ thứ 9 thì trở về mức bình thường.

Thời gian lâu hay mau, mức độ tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại mỡ (dầu thực vật hấp thu nhanh hơn mỡ độngvật), thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày, cường độ nhu động ruột, lượng mật bài tiết, hoạt tính men lipaza tụy và ruột, lượng mỡ trong máu lúc ban đầu…

Thông thường, khi mỡ trong máu đã tăng, dù có ăn thêm mỡ, lipid máu cũng không tăng bao nhiêu. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh lipid máu, do lipid máu tăng sẽ ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của tổ chức phổi, kích thích hệ lưới nội mô gây tăng tiết các hoóc-môn và heparin. Nếu một khâu trong dây chuyền đó có vấn đề thì sẽ gây rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu.

Máu nhiễm mỡ thường đến từ các nguyên nhân sau:

Máu nhiễm mỡ do chế độ ăn uống và sinh hoạt

Mỡ trong máu cao liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Chế độ dinh dưỡng không  hợp lý góp phần làm tăng mỡ trong máu là: ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, sữa nguyên kem, bơ, thịt đỏ, các loại thức ăn rán, chiên phải sử dụng nhiều dầu mỡ

Ngoài ra, do chế độ sinh hoạt không hợp lý ở người béo phì, lười vận động (làm tích mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân), uống nhiều rượu, bia, hút thuốc… cũng là nguyên nhân dẫn đến mỡ trong máu tăng. Nếu bị béo phì, nguy cơ tăng mỡ máu có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, stress (căng thẳng thần kinh) là một trong các nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh tăng mỡ máu.

Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân có chế độ ăn lành mạnh, thể hình gầy nhưng vẫn bị rối loạn lipid máu chủ yếu do di truyền trong gia đình.

Máu nhiễm mỡ do tuổi tác và giới tính

Càng lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa bởi thời gian, trong có các bộ phận như gan, mật dẫn đến rối loạn hoạt động tự điều chỉnh mỡ trong máu.

Các nghiên cứu cũng thấy rằng estrogen ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất béo và ảnh hưởng gián tiếp đến các mạch máu. Nữ giới đang trong độ tuổi từ 15-45 tuổi thường có tỉ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn mãn kinh, lượng triglyceride và cholesterol xấu càng ngày càng tăng (mỡ máu tăng) và làm tăng khả năng bị mắc bệnh xơ vữa động mạch ở nữ giới.

Máu nhiễm mỡ do ứ đọng

Khi giảm hoạt tính men lipoprotein lipaza do tăng chất ức chế men này (protamin, axít mật, NaCl), hoặc do giảm tiết heparin (như trong bệnh xơ vữa động mạch) thấy giảm thủy phân triglyceride (dưới dạng chylomicron) thì sẽ gây tăng lipid máu.

Trong bệnh thận hư, tăng mỡ máu là do các chất ức chế tiêu mỡ; ngoài ra trong bệnh này albumin huyết tương giảm (do protein niệu nghiêm trọng)do đó giảm khả năng kết hợp với ABTDHT, kết quả là quá trình tiêu mỡ bị ức chế và tăng lipid máu. Tăng lipid máu sau khi chảy máu cũng phát sinh theo cơ chế này. Tiêm albumin cho bệnh nhân thận hư thấy hiện tượng tăng lipid máu chấm dứt.

Máu nhiễm mỡ do huy động

Tăng lipid máu do huy động có thể do những nguyên nhân sau gây ra:

  • dự trữ glycogen giảm (đói ăn),
  • trạng thái căng thẳng (stress),
  • lao động nặng,
  • giao cảm hưng phấn,
  • tăng tiết hoóc-môn (catecholamin, ACTH, STH, thyroxin… ),
  • đái tháo đường (glucoza không được sử dụng, lipid tăng thoái biến, lipid máu tăng tới 1.000 – 2.800 mg/100ml).

Tiêm  glucoza gây tăng đường máu có tác dụng tăng tổng hợp triglyxeride  ở tổ chức mỡ do đó đã hạn chế tiêu mỡ và chấm dứt hiện tượng tăng lipid máu do huy động.

Cách phòng tránh bệnh máu nhiễm mỡ

Thay đổi chế độ ăn

Chế độ ăn uống có tính chất quyết định trong việc phòng tránh bệnh rối loạn lipid máu. Bạn cần ăn giảm acid béo, đơn giản là ăn giảm chất béo bão hòa chủ yếu có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều các chất béo có nguồn gốc từ thực vật.

Kiêng mỡ lợn, mỡ gà, dầu dừa, dầu cọ, các phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, bầu dục… các thịt tạp vụn như cổ, cánh, da

Ăn nhiều chất xơ, rau, hoa quả tươi mỗi ngày.

Nên tăng số lượng món cá lên từ 3- 4 lần một tuần, giảm số lượng các món thịt và muối

Dùng dầu cá có chứa acid béo omega-3 làm giảm tỷ lệ bị đột tử, làm tăng tuổi thọ và có tác dụng bảo vệ đặc biệt giai đoạn sau nhồi máu cơ tim.

Kiêng ăn đường, mứt, mật, bánh kẹo, rượu và các đồ uống có chất cồn. Hạn chế các chất bột như bánh mì, cơm gạo…

Giảm cân

Giảm cân sẽ làm giảm được sự rối loạn lipid máu ở những người thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp…

Giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập luyện thể dục, giảm lượng rượu hàng ngày ở những người nghiện rượu thừa cân và giảm ăn muối. Hãy giữ chỉ số khối cơ thể BMI ở mức lý tưởng trong khoảng giới hạn từ 19 đến 23 và vòng bụng không quá 90 cm ở nam giới, 75 cm ở nữ giới.

Tập thể dục thường xuyên

Nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, bơi, đạp xe, thể dục dưỡng sinh, yoga… sẽ rất thích hợp cho những người đang mắc bệnh mỡ máu cao. Nên tập tối thiểu là 30 phút mỗi lần và ít nhất 5 lần mỗi tuần. Mức độ tập luyện phải tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người.

Thay đổi chế độ sinh hoạt

Cần loại bỏ thói quen sinh hoạt có hại như bỏ ngay việc hút thuốc lá vì chúng không những ảnh hưởng đến quá trình hình thành bệnh lý xơ vữa động mạch mà còn tác động đến sự rối loạn lipid máu và thông qua đó tạo nên các nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, gây các bệnh về phổi, ung thư…

Nếu có sử dụng rượu trong các cuộc vui hoặc giao tiếp không nên uống quá nhiều, tốt nhất là nên uống một chút rượu vang đỏ.

Tránh mọi sự căng thẳng, buồn phiền

Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc 6 tháng – 1 năm/lần để tầm soát bệnh cũng như có hướng điều trị kịp thời.

Tự chăm sóc và phòng tránh bệnh máu nhiễm mỡ là hoạt động rất cần thiết cho mỗi người. Bạn nên kiểm tra mỡ trong máu định kỳ 3 – 6 tháng/lần hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Duy trì cân nặng ổn định, nếu bị thừa cân, phải tích cực giảm cân bằng chế độ ăn tiết chế và vận động. Nếu đã tích cực tiết chế và vận động mà mỡ trong máu vẫn còn cao thì bạn cần phải dùng thêm thuốc hạ mỡ máu. Thời gian dùng thuốc hạ mỡ máu thường kéo dài vài tháng đến vài năm hoặc suốt đời, tùy thuộc vào tình trạng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Bài viết liên quan