Máu Nhiễm Mỡ Có Nên Uống Sữa Không? Một Số Loại Sữa Tốt

Bệnh máu nhiễm mỡ liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt của mỗi người, người bệnh cần kiêng khem nhiều thực phẩm trong quá trình điều trị bệnh. Sữa được sử dụng rộng rãi vì rất giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe rất tiện lợi, đơn giản. Vậy bị máu nhiễm mỡ có được uống sữa bò không? Có thể uống được những loại sữa nào khác không? Câu trả lời đầy đủ sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Khi nào bạn bị máu nhiễm mỡ

Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. 80% cholesterol được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như: não, thịt đỏ, mỡ động vật, lòng lợn, lòng bò, tôm…

Đặc điểm của cholesterol: không thể tan và di chuyển trong máu mà phải nhờ vào lipoprotein (lipoprotein do gan tổng hợp ra và tan trong nước mang theo cholesterol).

Triglyceride là acid béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng acid béo bị dư thừa thì sẽ trở thành triglycerit. Tại gan, Triglyceride sẽ kết hợp với chất apoprotein (do gan sản xuất ra) và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein có tỷ trọng thấp.

Khi có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan thì mỡ sẽ tích lại trong gan gây nên gan nhiễm mỡ. Khi gan bị nhiễm mỡ thì sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein làm cho lượng acid béo vào gan quá lớn, càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn. Nếu tăng quá cao triglycerit máu thì sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.

Máu nhiễm mỡ là tình trạng khi có một trong các chất sau đây không nằm trong giới hạn bình thường:

  • Mức cholesterol bình thường trong máu < 5,2mmol/l.
  • Cholesterol gồm các chất HDL-C (cholesterol có tỷ trọng cao, loại cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ thành mạch máu) và LDL-C (cholesetrol có tỷ trọng thấp, loại cholesterol xấu có khả năng làm xơ vữa thành động mạch, làm hẹp lòng động mạch gây tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, thiểu năng mạch vành…). LDL-C trong máu người bình thường < 3,4mmol/l.
  • Triglyceride bình thường trong máu < 2,26 mmol/l.
  • Nếu tăng cả cholesterol và Triglyceride thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.

Máu nhiễm mỡ có nên uống sữa không?

Trên thị trường, sữa bò thường được chia ra làm 3 loại chính sau:

1.Sữa nguyên kem tức là sữa toàn phần hay còn gọi là sữa béo vì chúng có hàm lượng chất béo từ 3,2% kem đến 3,8%, một số loại đặc biệt sẽ lên đến 4%. Nếu bạn có thói quen thường xuyên sử dụng sữa nguyên kem thì nên giảm ăn các chất béo từ nguồn thực phẩm khác.

2.Sữa ít béo tức là sữa đã được tách kem ra một phần nên có hàm lượng từ trên 1% chất béo đến hơn 1.8% chất béo. Người bị máu nhiễm mỡ có thể sử dụng được loại sữa này, vì hàm lượng chất béo thấp, trong khi vẫn giữ nguyên các khoáng chất quan trọng như canxi, phốt pho, magiê và kali, giúp bạn cải thiện chế độ ăn uống của mình, giảm cân và kiểm soát calo..

3.Sữa tách kem hay còn gọi là sữa gầy tức là sữa đã được tách kem, có hàm lượng chất béo không quá 1%. Loại sữa này là tốt nhất đối với người bị mỡ máu cao, vì lượng chất béo thấp nên rất an toàn cho cơ thể và hạn chế được lượng cholesterol tăng cao.

Ngay cả các thực phẩm được chế biến từ sữa như sữa chua, pho mát… bạn cũng nên chọn loại làm từ sữa gầy hoặc sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1-2%.

Tóm lại, người bị máu nhiễm mỡ không cần phải kiêng sử dụng sữa. Bạn có thể chọn các loại sữa ít béo hoặc sữa đã tách kem – loại sữa có hàm lượng chất béo không quá 1 – 1,8%, thay cho việc dùng sữa bò nguyên chất với hàm lượng chất béo có thể lên đến 4%. Bạn cũng có thể lựa chọn các loại sữa hạt như một giải pháp thay thế cho sữa bò, với ưu điểm là không chứa chất béo bão hòa và cholesterol có hại cho sức khỏe.

Máu nhiễm mỡ có uống được sữa Ensure không?

Ensure thường được gọi là sữa bổ dưỡng, thường dùng để bồi dưỡng, hoặc dùng tăng cân cho người bệnh tuổi già khó ăn uống vì bệnh, hoặc những người mới được giải phẫu. Thành phần trong sữa có nhiều khoáng chất, calorie, nhiều sinh tố, chất đạm, tinh bột, chất béo thực vật giàu acid béo Omega 3-6-9 tốt cho tim mạch, hàm lượng acid béo no và cholesterol thấp có lợi cho chế độ ăn lành mạnh, không chứa chất béo chuyển đổi…

Do đó, nếu bệnh nhân mắc bệnh mỡ máu cao là người lớn tuổi, người bệnh cần phục hồi vẫn có thể dùng sữa Ensure, dưới sự giám sát của bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Đối với những người mắc bệnh máu nhiễm mỡ thông thường thì chỉ cần cảm thấy ăn uống hằng ngày ngon miệng, chế độ ăn cân bằng, thì không cần uống thêm sữa này.

Một số loại sữa khác tốt cho người bị máu nhiễm mỡ

Sữa tỏi

Cho 500ml sữa ít béo, 250ml nước và 10 nhánh tỏi băm nhỏ và bóc vỏ vào nồi và đặt lên bếp. Đun sôi hỗn hợp này, sau đó giữ nhỏ lửa và khuấy đều tay. Cuối cùng, thêm đường vào cho vừa khẩu vị. Thức uống này có tác dụng tốt nhất khi uống nóng.

Sữa tỏi sẽ làm giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa những cục máu đông và cải thiện hệ tuần hoàn. Sữa tỏi còn được khuyến cáo dành để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ.

Sữa đậu nành

Theo nhiều nghiên cứu đã công bố, những người thường xuyên dùng đậu nành có lượng cholesterol xấu (LDL-C) trong máu thấp hơn, đồng thời lượng cholesterol tốt (HDL-C) cao hơn những người khác. Khoảng 25gr đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm lượng cholesterol xấu từ 5% đến 6%.

Đậu nành có chất lượng đạm tương đương đạm động vật, chứa nhiều vitamin và khoáng chất (omega-3, axit alpha-linolenic, vitamin E, thiamin, riboflavin, niacin, B-6, acid pantothenic, choline, magiê, phốt pho, kali, kẽm, đồng, mangan) đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể. Người mắc bệnh máu nhiễm mỡ có thế sử dụng thường xuyên  đạm đậu nành để thay thế đạm động

Sữa làm từ đậu nành có nguồn gốc thực vật nên không có cholesterol, ít chất béo bão hòa. Sữa đậu nành là thay thế tuyệt vời cho sữa bò tươi. Sử dụng 25 g đậu nành mỗi ngày cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, theo công bố của Viện Nghiên cứu quốc gia Mỹ.

Sữa hạnh nhân

Tương tự như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân cũng không có cholesterol, chất béo bão hòa. Sữa hạnh nhân giàu canxi và vitamin D, có thể giúp làm giảm lượng cholesterol nên rất tốt đối với sức khỏe tim mạch.

Sữa dừa

Không cholesterol nhưng giàu chất béo bão hòa. Khoảng 220ml sữa dừa không đường có chứa khoảng 4 g chất béo bão hòa. Thỉnh thoảng bạn có thể dùng loại sữa này để thay đổi trong khẩu phần ăn của mình.

Sữa gạo

Có đặc điểm là không có cholesterol, rất ít protein. Sữa gạo là sữa thực vật có chứa nhiều canxi tương tự sữa bò. Nhưng có một nhược điểm là sữa gạo chứa rất ít đạm, vì vậy không nên xem đây là nguồn bổ sung đạm chính thức cho cơ thể..

Sữa dê

Tương tự như sữa bò, sữa dê chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Khoảng 220 ml sữa dê chứa lượng khoảng 168 calo và 6,5 g chất béo bão hòa. Bạn có thể thỉnh thoảng dùng sữa dê trong chế độ ăn của mình, nhưng không nên sử dụng thường xuyên, vì chất béo bão hòa có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu và nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Mức độ cholesterol cao trong máu có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch, một điều kiện làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim.

Sữa chua

Sữa chua đặc là sản phẩm lên men lactic từ sữa bò tươi, sữa bột hay sữa động vật nói chung.

Sữa chua nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Tăng cường sức đề kháng
  • Hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột
  • Khi ăn sữa chua cơ thể tiết ra ít cortisol hơn, giúp cho các axit amin dễ dàng đốt cháy các chất béo làm giảm hàm lượng mỡ bụng.
  • Giúp huyết áp ổn định.
  • Bổ sung canxi cho xương và răng chắc khỏe.
  • Axit lactic có trong sữa chua bảo vệ lợi rất tốt, tăng cường sức khỏe răng miệng.
  • Giúp làm đẹp da và bảo vệ tóc.

Theo các bác sĩ, mối liên hệ giữa những người ăn sữa chua và nồng độ cholesterol cùng huyết áp của họ chưa có những kết luận rõ ràng. Bạn có thể sử dụng sữa chua nhưng với mức độ vừa phải. Sử dụng sữa chua, người bị máu nhiễm mỡ cùng cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Nên chọn loại sữa chua không béo.
  • Sữa chua có chứa đường lactose, một loại protein khó tiêu, có thể không tốt với những người không dung nạp lactose hoặc những người gặp vấn đề về tiêu hóa nếu tiêu thụ quá nhiều.
  • Ăn quá nhiều sữa chua có thể gây béo phì-một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh mỡ máu cao. Nên ăn từ 250 đến 500 gram một ngày là hợp lý.

Sử dụng sữa cho người bị máu nhiễm mỡ không quá phức tạp và kiêng khem nhiều. Chỉ cần bạn chú ý lựa chọn các sản phẩm sữa ít béo hoặc đã tách béo thì vấn đề sử dụng sữa trong thời gian dài không phải là vấn đề quá quan trọng. Bên cạnh đó, bạn có thể chọn thay thế bằng các loại khác, vẫn đảm bảo được nguồn dinh dưỡng mà lại ít cholesterol và chất béo bão hòa hơn trong sữa bò tươi.

Bài viết liên quan