Làm Thế Nào Để Biết Bị Máu Nhiễm Mỡ – Căn Bệnh Giết Người Âm Thầm

Máu nhiễm mỡ được cho là căn bệnh giết người âm thầm, vì những triệu chứng ban đầu gần như không có, khiến chúng ta khó lòng phát hiện được. Tuy nhiên, nếu để lâu thì bệnh có thể biến chứng và gây ra những cái chết đột ngột không báo trước. Vây, có cách nào để biết mình bị máu nhiễm mỡ không?

Lipid máu là những thành phần lipid có trong huyết tương, bao gồm: cholesterol, triglycerid, phospholipid và các acid béo tự do. Cholesterol là những lipid trong cấu tạo có nhân sterol. Triglycerid (TG) là các este của glycerol và các acid béo. Phospholipid là các este của acid phosphatidic. Acid béo là các cấu trúc gồm mạch carbon gắn với gốc acid hữu cơ đơn thuần.

Phân loại

Trên lâm sàng các thầy thuốc thường quan tâm tới cách phân loại theo sinh lý bệnh và chia lipid máu thành 2 loại lớn, đó là cholesterol và triglycerid.

Cholesterol là chất cần thiết cho cơ thể, tham gia vào thành phần cấu tạo của màng tế bào và quá trình tổng hợp của nhiều hormon steroid và acid mật. Tuy nhiên, cholesterol cũng có loại xấu (LDL – Cholesterol), loại tốt (HDL cholesterol).

Triglycerid là dạng lipid dự trữ chính ở các tổ chức mỡ dưới da, lượng lipid này thay đổi theo chế độ ăn và trạng thái của cơ thể. Triglycerid huyết tương được tái tổng hợp chủ yếu tại ống tiêu hóa và sinh tổng hợp tại gan

Nguồn gốc

Lipid trong máu được tạo nên bởi 2 nguồn gốc là nội sinh và ngoại sinh.

+ Cholesterol được hấp thu ở ruột non từ thức ăn, gắn vào các chylomicron và vận chuyển tới gan.

+ Cholesterol cũng được tổng hợp nội sinh từ hệ thống enzym HMG.CoA reductase (3-Hydroxy-3-Methyl-Glutaryl-CoA reductase) của gan.

Triglycerid nội sinh được tổng hợp ở gan và mô mỡ qua con đường glycerolphosphat từ các nguồn nguyên liệu là các sản phẩm chuyển hóa của glucid, protid. Tuy nhiên, 90% lượng Triglycerid trong máu có nguồn gốc từ ngoại sinh.

Máu nhiễm mỡ là bệnh gì?

Khi nhắc tới rối loạn chuyển hoá lipid người ta thường chú trọng tới các chỉ số lipid trong máu. Mặc dù, rối loạn chuyển hoá lipid không chỉ biểu hiện đơn thuần là sự thay đổi của các thành phần lipid  trong huyết thanh, nhưng có thể coi rối loạn lipid máu là vấn đề chính, đồng thời là cốt lõi của rối loạn chuyển hóa lipid.

Rối loạn lipid máu là tình trạng thay đổi và/ hoặc tăng nồng độ các thành phần lipid trong huyết thanh. Như vậy, ngày nay người ta coi như đã có rối loạn lipid máu ngay từ khi tỉ lệ các thành phần của lipid trong máu có sự thay đổi, mặc dù giá trị tuyệt đối nồng độ các thành phần lipid trong máu chưa tăng.

Làm thế nào để biết mình bị máu nhiễm mỡ?

Triệu chứng lâm sàng

Nhìn chung, các biểu hiện lâm sàng của rối loạn chuyển hóa lipid khá nghèo nàn. Rất hiếm khi tìm được triệu chứng đặc thù của rối loạn chuyển hoá lipid. Nếu không phải là các trường hợp có thừa cân thì thông thường bệnh nhân được phát hiện qua các đợt khám bệnh định kỳ hoặc qua các biến chứng của nó. Tuy nhiên, trên một trường hợp có rối loạn chuyển hóa lipid, thường là tiên phát, có thể tìm thấy một số biểu hiện sau

★ U vàng ngoài da thường xuất hiện trong các rối loạn chuyển hóa lipid có tính chất gia đình, u vàng thường xuất hiện tại gân achill, khuỷu tay hay đầu gối. U vàng phát ban xuất hiện khi có tăng CM kéo dài, thường gặp ở vùng bụng và mặt trong của chi trên.

★ Viêm tụy cấp tái phát nhiều lần khi tăng TG kéo dài ≥ 11,3 mmol/l hay 1000mg/dl, nguyên nhân có lẽ do men lipase phóng thích quá nhiều vào hệ mao mạch tụy gây ra tình trạng phá hủy nhu mô tụy.

★ Các động tĩnh mạch võng mạc có màu kem trắng khi soi đáy mắt nếu TG tăng ≥ 2000mg/dl.

★ Đau bụng mạn tính do gan nhiễm mỡ và tình trạng kéo căng bao gan.

Cận lâm sàng

Các xét nghiệm cận lâm sàng luôn được quan tâm và là tiêu chuẩn để chẩn đoán xác định rối loạn chuyển hóa lipid máu.

★ Tăng Triglycerid, LDL – Cholesterol, Total Cholesterol huyết thanh.

★ Giảm HDL – Cholesterol.

Ai có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ cao hơn bình thường

Thừa cân, béo phì

Những người thừa cân, béo phì đặc biệt là những người béo bụng có tỉ lệ rối loạn lipid máu rất cao và thường được biểu hiện bởi tăng Triglycerid, tăng LDL – Cholesterol, giảm HDL – Cholesterol. Kết quả nghiên cứu của tác giả Inoun (Nhật Bản) chỉ ra rằng nguy cơ tăng Triglycerid, LDL – Cholesterol, và giảm HDL – Cholesterol máu ở nhóm đối tượng có BMI > 25 cao gấp 2 lần so với nhóm có BMI = 22.

Đái tháo đường

Người mắc bệnh đái tháo đường có tỉ lệ mắc rối loạn chuyển hoá lipid cao gấp 2-3 lần người không mắc đái tháo đường. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng ở những người có rối loạn dung nạp glucose hoặc suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói cũng đã có rối loạn chuyển hoá lipid ở mức độ tương tự.

Điều nguy hiểm cho các đối tượng này là ở chỗ họ không hề biết mình mắc bệnh để đề phòng mặc dù mức độ nguy cơ với các bệnh lý tim mạch là rất lớn. Nghiên cứu UKPDS (the United Kingdom Prospective Diabetes Study) ở Anh quốc cho thấy, ở người bệnh đái tháo đường thường có tăng LDL – Cholesterol, tăng Triglycerid và giảm HDL – Cholesterol trong huyết thanh

Đối với đái tháo đường type 1, tăng Triglycerid, thường tăng LDL – Cholesterol hạt nhỏ là biểu hiện thường thấy trong giai đoạn đầu của bệnh do giảm hoạt tính của enzym lipoprotein lipase ở mô mỡ. Cũng có thể thấy mức HDL – Cholesterol thấp ở những đối tượng kiểm soát glucose máu kém. Tuy nhiên, tất cả các bất thường này có thể được cải thiện song hành với mức độ kiểm soát glucose máu.

Đối với người bệnh đái tháo đường type 2 chưa từng được điều trị thường có tăng Triglycerid máu kết hợp với giảm HDL – Cholesterol. Tuy nhiên trong thực tế, tăng Triglycerid và giảm HDL – Cholesterol vẫn tồn tại khi người bệnh đái tháo đường type 2 đã được điều trị và đôi khi không phụ thuộc vào mức độ kiểm soát glucose máu. Những bất thường còn lại này người ta gọi là rối loạn lipid máu trong bệnh đái tháo đường.

Các yếu tố rủi ro như khác

  • hút thuốc lá,
  • uống nhiều rượu
  • ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo
  • không hoạt động thể chất, không tập thể dục,
  • tuổi cao (nam từ 45 tuổi trở lên hoặc nữ từ 50-55 tuổi trở lên),
  • tăng huyết áp (huyết áp từ 140/90 trở lên),
  • bệnh tim cũ,
  • hội chứng thận hư,
  • tăng urê máu,
  • suy tuyến giáp,
  • bệnh gan,
  • uống thuốc tránh thai,
  • uống một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid

Chuẩn đoán bệnh máu nhiễm mỡ theo hướng dẫn của Bộ Y Tế

Định lượng bilan lipid: Các thông số lipid tăng lên sau ăn, nên để chẩn đoán chính xác rối loạn lipid máu cần phải lấy máu vào buổi sáng khi chưa ăn (khi đói). Các thông số thường được khảo sát: Cholesterol (TC) máu, triglycerid (TG), LDL-Cholesterol (LDL- C), HDL-Cholesterol (HDL – C)

Chẩn đoán rối loạn lipid máu được gợi ý khi có một số dấu chứng của rối loạn lipid máu trên lâm sàng như thể trạng béo phì, ban vàng, các biến chứng ở một số cơ quan như tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành… Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid khi có một hoặc nhiều rối loạn như sau:

+ Cholesterol máu > 5,2 mmol/L (200mg/dL)

+ Triglycerid > 1,7 mmol/L (150mg/dL)

+ LDL-cholesterol > 2,58 mmol/L (100mg/dL)

+ HDL-cholesterol < 1,03 mmol/L (40mg/dL)

Làm thế nào để nhận biết các biến chứng từ tăng mỡ máu

Mỡ máu cao thường diễn biến âm thầm, khi có dấu hiệu và biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, tức là đã có biến chứng, khi đó thường có một số dấu hiệu nhận biết như:

– Có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như: bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày.

– Có dấu hiệu bất thường như: vã mồ hôi tự nhiên; buồn nôn, đau đầu, choáng, hoa mắt, bứt rứt trong người; thở ngắn, hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút; cơ thể thường xuyên mệt mỏi.

– Một số trường hợp có ban vàng dưới da: da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.

Vì cholesterol cao không gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu, nên các bác sĩ khuyến cáo cần kiểm tra mức mỡ trong máu mỗi 4-6 năm một lần, nếu bạn là một người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi 20. Bạn có thể cần phải kiểm tra cholesterol thường xuyên hơn nếu trong nhóm có nguy cơ cao. Việc lựa chọn lối sống tốt là rất quan trọng, vì bạn không thể biết mình có đang bị mắc mỡ máu cao không, trước khi có một biến chứng nguy hiểm chết người xảy ra.

Bài viết liên quan