Gan Nhiễm Mỡ Và Máu Nhiễm Mỡ – Phương Pháp Điều Trị Hiệu Quả

Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ ngày trở nên phổ biến, số lượng người mắc bệnh cũng ngày một tăng lên và có tới gần 50% bệnh nhân đồng thời mắc cả 2 bệnh này. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhầm lẫn chưa đúng về bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những thông tin bổ ích nhất, từ đó có hướng giải quyết đúng đắn và phù hợp.

Gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?

Gan nhiễm mỡ tức hiểu đơn giản là tình trạng dư thừa mỡ trong gan.Thường trong gan có một tỷ lệ mỡ nhỏ dưới 5%, nhưng nếu vượt quá 5% trọng lượng gan sẽ được coi là gan nhiễm mỡ bệnh lý. Những người bệnh ở mức độ nặng thì có thể chiếm hơn 50% trọng lượng của gan.

Các nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ điển hình có thể kể đến như: rượu bia, bệnh tiểu đường, béo phì, chế độ dinh dưỡng kém, viêm gan siêu vi; rối loạn mỡ máu; tác dụng phụ của một số thuốc như amiodarone, corticoid, tamoxiphen,…

Gan nhiễm mỡ được chia ra làm 3 cấp độ: 1, 2, 3, theo cấp độ tăng dần mà lượng mỡ trong gan cũng tăng dần và độ nguy hiểm của bệnh cũng tăng dần.

Phần lớn bệnh nhân gan nhiễm mỡ biết được tình trạng bệnh của mình khi kiểm tra sức khỏe. Bởi các dấu hiệu của bệnh không nhiều và rõ ràng, nhất là ở những giai đoạn đầu của bệnh. Một số biểu hiện có thể có ở các bệnh nhân gan nhiễm mỡ là: mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, ăn không ngon, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải,…

Máu nhiễm mỡ là bệnh gì?

Máu nhiễm mỡ hiểu đơn giản là tình trạng dư thừa mỡ trong máu. Thường trong máu vốn có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bời các chỉ số xét nghiệm cholesterol, triglycerid,.. Khi các chỉ số này vượt quá ngưỡng cho phép thì được gọi là máu nhiễm mỡ.

Máu nhiễm mỡ hay còn được gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu cao. Rối loạn lipid máu kết hợp với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác có thể làm gia tăng bệnh mạch vành, và có thể là nguyên nhân hoặc hệ quả của một số bệnh liên quan.

Nguyên nhân gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ khá đa dạng, có thể kể tới là: chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, bệnh béo phì, tuổi tác, lười vận động, thường xuyên hút thuốc lá, yếu tố di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý khác, căng thẳng áp lực kéo dài,…

Máu nhiễm mỡ không có triệu chứng rõ ràng nên người bệnh thường khó nhận biết. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ phát hiện ra mình bị máu nhiễm mỡ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Đặc biệt, bệnh mỡ máu cao ở người trẻ tuổi thường diễn biến thầm kín và khó nhận biết hơn bệnh mỡ máu cao ở người già.

Khi bị mắc bệnh rối loạn mỡ máu, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp…Bệnh phát triển đến giai đoạn cuối sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm như: huyết áp cao, đau tim, xơ vữa động mạch…

Một số trường hợp có ban vàng dưới da: da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mặt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay không có cảm giác đau, ngứa.

Gan nhiễm và mỡ máu nhiễm mỡ có mối liên quan nào không?

Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ có mối liên quan khá mật thiết, nếu bạn mắc 1 trong 2 bệnh thì có nguy cơ mắc cả 2, cụ thể:

Người bị gan nhiễm mỡ có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ

Acid béo tự do sau khi được hấp thụ qua gan sẽ chuyển thành cholesterol, nếu lượng chất này dư thừa chúng sẽ chuyển thành triglycerid và kết hợp với Apoprotein do gan sản xuất ra để đưa ra ngoài dưới dạng Lipoprotein có tỷ trọng thấp. Hệ quả của điều này là một khi đã xảy ra hiện tượng rối loạn chuyển hóa cholesterol ở tế bào gan thì tất yếu cholesterol tăng toàn phần, LDL và triglycerid cũng tăng theo.

Gan nhiễm mỡ cũng đồng nghĩa với việc chức năng gan suy giảm, quá trình điều hòa và chuyển hóa lipid vì thế bị rối loạn. Đây chính là nguyên nhân sinh ra máu nhiễm mỡ hay còn gọi là rối loạn lipid máu. Mặt khác, gan nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất apoprotein khiến chất béo vào gan nhiều hơn, bệnh gan nhiễm mỡ càng nặng hơn.

Người bị máu nhiễm mỡ có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ

Gan có chức năng chuyển hóa lipid, khi lipid trong máu qua gan quá nhiều, hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, vượt quá khả năng chuyển hóa của gan thì mỡ trong máu sẽ tồn đọng trong gan, gây ra gan nhiễm mỡ.

Tăng triglyceride là một biểu hiện của rối loạn mỡ máu thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao. Qua các báo cáo khảo sát ghi nhận đến 81% những bệnh nhân xơ gan không do rượu phát hiện có tăng triglyceride. Các rối loạn mỡ máu( gồm tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-cholesterol, tăng triglyceride, giảm HDl-cholesterol) có liên quan đến sự hiện diện và mức độ trầm trọng của gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ máu nhiễm mỡ có quan hệ tương sinh

Gan đóng vai trò chuyển hóa lipid, nếu lượng lipid trong máu đi qua gan quá nhiều dẫn tới hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao. Và bạn có biết khi hàm lượng cholesterol trong máu quá cao, vượt quá khả năng chuyển hóa của gan se khiến cho mỡ trong máu tồn đọng, tích tụ trong gan dẫn tới gan nhiễm mỡ.

Điều trị gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ

Cả gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ, nếu không được điều trị, sẽ dễ xảy ra biến chứng. Với máu nhiễm mỡ thì có thể gây ra các mảng xơ vữa động mạch, tắc hoặc vỡ mạch máu dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm tụy, cao huyết áp, tiểu đường loại 2,… Còn gan nhiễm mỡ, nếu không kịp thời có hướng điều trị phù hợp có thể dẫn tới viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Bản chất của gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều được hiểu là sự rối loạn chuyển hóa, nên chúng dễ dàng “đi cùng nhau”. Chúng giống nhau từ cơ chế gây bệnh, nguyên nhân và cách chữa trị. Khi mỡ máu được điều trị thì tình trạng gan nhiễm mỡ cũng thuyên giảm và ngược lại.

Đến nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào được công nhận có thể chữa khỏi gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ. Phương pháp thay đổi lối sống khoa học và lạnh mạnh, kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ được cho là hiệu quả nhất đến thời điểm hiện tại. Đây cũng được coi là cách phòng ngừa bệnh tốt nhất.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, việc lựa chọn tiêu thụ các thực phẩm tốt và hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có hại có ý nghĩa tích cực đối với quá trình cải thiện bệnh.

  • Đảm bảo lượng carbonhydrate phù hợp: Chọn bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, mì ống, mì gạo.
  • Sử dụng các loại dầu thực vật có lợi cho sức khỏe: dầu hạt cải, đậu nành, hướng dương, dầu vừng, dầu oliu,…
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan giúp giảm cholesterol LDL trong máu: rau củ, trái cây, các loại đậu, yến mạch, …
  • Bổ sung thực phẩm giàu sterol thực vật: bơ thực vật, sữa chua, bánh mì,..
  • Lựa chọn thực phẩm có nhiều omega-3: cá hồi, cá trích, cá mòi, hạt óc chó, bơ,…
  • Hạn chế các loại thực phẩm đã qua chế biến, thức ăn đóng hộp, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ động vật.
  • Giảm lượng rượu tiêu thụ, thậm chí cai rượu.
  • Hạn chế lượng muối, đường và chất béo.

Tập thể dục thường xuyên phù hợp

Tập thể dục có nhiều ý nghĩa sức khỏe, giúp bạn tiêu hao năng lượng dư thừa, giảm tích tụ mỡ xấu, lưu thông máu tốt hơn và đặc biệt tốt cho bệnh nhân máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ. Lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng của cá nhân và thực hiện ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Kiểm soát cân nặng cân đối

Bạn cần tính toán chỉ số BMI cơ thể, nếu như thuộc nhóm thừa cân hay béo phì thì cần thực hiện chế độ giảm cân từ từ. Giảm cân giúp tăng HDL và giảm triglycerid, giúp giảm mỡ máu. Mỗi tuần giảm 0,5 kg là hợp lí nhất, chỉ cần giảm 2,5 – 5 kg là đảm bảo tình trạng gan nhiễm mỡ giảm đáng kể.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 – 12 tháng/lần, kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ( nếu có).

Bài viết liên quan