Chẩn Đoán Triglyceride Máu Cao Và Phác Đồ Điều Trị Hiệu Quả

Tryglyceride máu cao có thể dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe như rối loạn mỡ máu, các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ,… Cần tuân thủ đúng phương pháp điều trị bệnh để bệnh mau khỏi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nồng độ triglyceride cho biết điều gì?

Triglyceride hay còn gọi là chất béo trung tính, là một dạng chất béo mà cơ thể chúng ta vẫn tiêu thụ mỗi ngày. Sau khi cơ thể tiêu hóa triglyceride sẽ được tiêu thụ dưới dạng năng lượng tế bào khi di chuyển trong mạch máu. Năng lượng này sẽ được tích trữ chủ yếu ở các tế bào gan và tế bào mỡ.

Nồng độ triglyceride có thể cho bạn biết được tình trạng sức khỏe của mình.

Ý nghĩa chỉ số Triglyceride trong máu

★ Mức bình thường: <150 mg/dL (hoặc dưới 1,69 mmol/L)

★ Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL (1,8 – 2,2 mmol/L)

★ Mức nguy cơ cao: 200 – 499 mg/dL (2,3 – 5,6 mmol/L)

★ Mức nguy cơ rất cao: > 500 mg/dL ( hoặc trên  5,7 mmol/L)

Chẩn đoán triglyceride máu cao

Chú ý: Trước khi tiến hành chẩn đoán tăng triglyceride máu, bệnh nhân cần nhịn ăn trong khoảng 9-14 giờ, không uống rượu trước 24h. Nồng độ triglyceride máu lúc đói phản ánh sự sản xuất triglyceride tại gan.

Các tiếp cận chẩn đoán bao gồm:

Tiền sử và bệnh sử

  • Tiền sử gia đình có người bị rối loạn lipid máu
  • Cân nặng tối đa từng đạt và cân nặng hiện tại
  • Các loại thuốc đã dùng và hiện đang dùng( nếu có)
  • Mức độ sử dụng rượu
  • Đái tháo đường

Khám thực thể

  • U vàng phát ban( eruptive xanthoma): Khi nồng độ trilgyceride huyết thanh vượt quá 1000mg/dL, chúng nằm ở các mô bào dưới da gây u vàng phát ban( các sẩn vàng cam nhỏ với đáy hồng ban) thường xuất hiện ở cánh tay, cẳng chân, lưng, mông.
  • Lipemia retinails: Khám mắt có thể phát hiện lipemia retinails. Tình trạng này xuất hiện khi các mạch máu võng mạc có màu trắng do tăng lipid huyết thanh, tuy nhiên không ảnh hưởng tới thị lực.
  • Gan to: Triglyceride tăng có thể khiến mỡ thâm nhập vào gan nhiều hơn.
  • Hạch to: có thể xảy ra.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Để kiểm tra chỉ số triglyceride, bạn cần làm xét nghiệm lipid máu để có thể chẩn đoán được sự thay đổi về lipoprotein. Xét nghiệm chỉ số triglyceride có thể báo hiệu tình trạng viêm ở tuyến tụy và nguy cơ bị xơ vữa động mạch.

Xét nghiệm triglyceride thường được thực hiện cùng với các chỉ số khác để chẩn đoán các bệnh:

  • Xét nghiệm Triglycerid toàn phần: Chỉ số mỡ máu Triglycerid toàn phần ở mức bình thường sẽ có giá trị nhỏ hơn 2,3 mmol/l. Nếu lớn hơn mức này được gọi là mỡ máu cao.
  • Xét nghiệm tăng Cholesterol toàn phần: Nồng độ cholesterol trong cơ thể mức cho phép là 4 – 5 mmol/l. Nếu lớn hơn mức tiêu chuẩn này đồng nghĩa với việc bạn đã bị mỡ máu cao, xơ vữa động mạch.
  • Xét nghiệm LDL-cholesterol (LDL-c): Chỉ số LDL-c ở mức bình thường có giá trị nhỏ hơn 3,3 mmol/l. Chỉ số càng lớn đồng nghĩa với nguy cơ mạch máu bị hẹp và tắc, thậm chí là vỡ đột ngột gây nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não càng tăng.
  • Xét nghiệm HDL-cholesterol (HDL-c): ( thường được chỉ định đối với trường hợp rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người trên 40 tuổi,…) Nồng độ HDL-c cho phép là ở mức lớn hơn 1.3mmol/l. Nếu dưới 1 mmol/l dễ có nguy cơ gây xơ vữa động mạch, hay gặp trong các trường hợp rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp,…

Phác đồ điều trị triglyceride tăng cao

Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị là giảm nồng độ triglyceride về ngưỡng an toàn( dưới 1,69mmol/L).

Đối với các trường hợp tăng triglyceride máu nặng không có triệu chứng đau bụng hoặc viêm tụy cấp, mục tiêu điều trị là duy trì nồng độ triglyceride dưới 1000mg/dL.

Khi nào cần nhập viện?

  • Trường hợp bệnh nhân tăng triglyceride không có biểu hiện đau bụng, bác sĩ sẽ quyết định cho nhập viện hay không dựa vào các đánh giá lâm sàng:

(1) Tăng triglyceride máu nặng cần điều trị insulin nội trú.

(2) Tăng triglyceride máu nặng ở mức hoặc gần mức bệnh nhân bị viêm tụy cấp từng mắc.

(3) Các yếu tố khởi phát tăng triglyceride máu nặng mà không loại bỏ được( có thể là bắt buộc phải sử dụng thuốc hóa trị hoặc thai kỳ ở tam cá nguyệt thứ 3).

  • Trường hợp bệnh nhân tăng triglyceride máu nặng nếu đau bụng cần được nhập viện để đánh giá các yếu tố khởi phát và bắt đầu điều trị thuốc ngay.
  • Trường hợp tăng triglyceride máu nặng không xuất hiện triệu chứng, lựa chọn không nhập viện cần được thẽo dõi ngoại trú kỹ lưỡng, phòng ngừa biến chứng ngoài ý muốn.

Điều chỉnh lối sống

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là các biện pháp cần thiết trong điều trị tăng triglyceride máu.

  • Tăng cường vận động: Hình thành thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của bạn, có thể làm giảm triglyceride và tăng cholesterol “tốt”. Hãy cố gắng dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày tham gia các hoạt động thể chất. Việc đơn giản nhất là đi bộ, chạy bộ hoặc lựa chọn môn thể thao mà bạn yêu thích. Tốt hơn nữa là kết hợp vận động nhẹ trong thời gian bạn làm việc, thời gian rảnh.
  • Tránh đường và carbohydrate tinh chế: Chúng thường có trong các thực phẩm như bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh
  • Giảm cân: Lượng calo bổ sung được chuyển đổi thành triglyceride và được lưu trữ dưới dạng chất béo. Việc giảm lượng calo sẽ làm giảm chỉ số triglyceride. Giảm ​​5% đến 10% trọng lượng thực sự cần thiết cho sức khỏe của bạn, giúp cải thiện chất béo tích tụ, giảm tổn thương cho các tế bào, đặc biệt là đối với những người béo phì, thừa cân quá nhiều. Tuy nhiên, bạn cần phải lựa chọn phương pháp giảm cân an toàn.
  • Bổ sung chất béo tốt: Bạn nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe bao gồm cá chứa axit béo omega-3 như cá thu, cá hồi, các loại hạt như hạt dẻ, óc chó, bơ… Tránh chất béo chuyển hóa, thực phẩm có dầu hoặc chất béo hydro hóa.
  • Hạn chế tiêu thụ rượu/cai rượu: Thay thế rượu bằng các loại thức uống tốt nhiều dinh dưỡng hơn, ví dụ như nước lọc, trà hoa bụp giấm, nước cam…
  • Hạn chế ăn uống sau 8 giờ tối: Thời điểm tốt nhất dành cho người bệnh là nên ăn vào khoảng 6 giờ 30 – 7 giờ tối. Sau thời điểm này thức ăn được đưa vào cơ thể khó hấp thu hơn,thời gian tiếp theo phần lớn là ngủ, nên không tiêu tốn nhiều năng lượng. Lượng mỡ thừa dễ đọng lại tại thành mạch.
  • Không nên thức khuya: Nghiên cứu chỉ ra người thức khuya thường dễ mệt mỏi vì thiếu ngủ, dễ tăng cân và có mức chỉ số triglyceride cao hơn những người ngủ đúng và đủ giấc. Thường xuyên thức khuya còn ảnh hưởng đến nội tiết khiến tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tăng triglyceride kèm theo tích tụ chất béo ở thành bụng và cơ mông( gây béo phì).
  • Giảm căng thẳng, áp lực: Bạn có thể lựa chọn xem những chương trình giải trí hoặc làm bất kỳ việc gì bạn yêu thích để giải tỏa áp lực.

Điều trị bằng thuốc

Các thuốc uống nên được khởi trị để làm giảm nồng độ triglyceride đối với các bệnh nhân có triệu chứng và không triệu chứng.

Thuốc Fibrate

Thuốc Fibrate thông thường bao gồm thuốc Gemfibrozil và Fenofibrate.

  • Fibrate là các axit carboxylic, đây là một loại axit hữu cơ cấu tạo từ cacbon và ôxi. Fibrate cũng có cả tính chất ưa nước, tức đều được hút bởi chất béo và nước.
  • Các thuốc này làm tăng nồng độ cholesterol tỉ trọng cao và giảm nồng độ triglyceride 30-50%. Chúng hoạt động bằng cách giảm sản sinh phân tử mang triglyceride trong gan.
  • Fibrate bị chống chỉ định ở các bệnh nhân bệnh gan và túi mật.

Axit béo omega-3

Bổ sung axit béo omega-3 từ những thực phẩm tự nhiên có thể giúp giảm nồng độ triglyceride 20-50%, nhưng sử dụng thực phẩm bổ sung omega-3 dạng kê đơn liều cao cũng giúp hạ nồng độ triglyceride hiệu quả hơn.

  • Omega-3 kê đơn thường ở dạng viên dầu cá.
  • Chỉ bổ sung omega-3 liều cao dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ vì chúng có thể tương tác với thuốc chữa bệnh.
  • Bổ sung qua nhiều omega-3 có thể khiến máu quá loãng và hạ huyết áp. Không những vậy, nó còn có thể làm tăng nồng độ đường huyết, gây tổn thương chức năng gan và rối loạn tinh thần.

Niacin( axit nicotinic)

  • Với liều 500-2000 mg/ngày, niacin có thể giảm nồng độ triglyceride 10-30%.
  • Sử dụng niacin có thể gặp hiện tượng đỏ ra ở những liều thuốc đầu, sau 15-30 phút sau khi uống và kéo dài trong khoảng 30 phút.
  • Biến chứng nặng nhất người bệnh dùng niacin có thể gặp là độc tính trên gan (phụ thuộc liều), do vậy điều trị nên đi kèm theo dõi xét nghiệm chức năng gan.
  • Niacin ức chế bài tiết có thể làm tăng nồng độ axit uric, thúc đẩy hoặc làm nặng thêm gút nếu bệnh nhân không được điều trị allopurinol. Niacin bị chống chỉ định ở bệnh nhân loét dạ dày tiến triển.

Statin

Thuốc Statin được sử dụng phổ biến nhất là Atorvastatin. Các thuốc Statin khác bao gồm Fluvastatin, Lovastatin, Pitavastatin, Pravastatin, Rosuvastatin và Simvastatin.

  • Các thuốc này sẽ làm hạ nồng độ cholesterol bằng cách chặn enzym HMG-CoA reductase. Đây là enzym đóng vai trò chính trong quá trình sản sinh cholesterol.
  • Statin ức chếhydroxymethylglutaryl coenzyme A reductase, có tác dụng giảm triglyceride trung bình, khoảng 10-15%, phụ thuộc liều. Liều cao statin có hiệu quả mạnh như atorvastatin 80 mg hoặc rosuvastatin 40 mg, có thể hạ triglyceride huyết tương 25-30%.
  • Tác dụng phụ của thuốc Statin hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Tổn thương cơ là tác dụng phụ thường gặp nhất, đặc biệt là khi dùng với thuốc Fibrate. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây các vấn đề về gan và tăng nguy cơ tiểu đường.

Orlistat

  • Orlistat là loại thuốc ức chế lipase ruột, được sử dụng nhằm hỗ trợ giảm cân, có tác dụng giảm nồng độ triglyceride sau ăn.
  • Orlistat được kết hợp sử dụng cùng với fibrate.
  • Tác dụng phụ có thể gặp: chướng bụng, tiêu chảy, tiêu không tự chủ.

Lưu ý:

Không phải bất cứ ai khi dùng thuốc điều trị mỡ máu cao cũng gặp các tác dụng phụ kể trên. Thuốc có thể mang lại tác dụng phụ ngoài ý muốn, do vậy người bệnh không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết liên quan