Các Phương Pháp Điều Trị Thừa Cân, Béo Phì Hiệu Quả Và An Toàn

Theo thống kê, số người chữa khỏi béo phì chỉ chiếm 5% tổng số người mắc bệnh. Vì vậy, thừa cân béo phì đã trở thành nỗi ám ảnh nhất của tất cả mọi người. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị béo phì xong việc lựa chọn phương pháp an toàn, mang lại hiệu quả cao vẫn là nỗi băn khoăn lớn. Một số phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn lựa chọn được phương pháp phù hợp để bạn sớm lấy lại được vóc dáng thon gọn và duy trì cân nặng hợp lý

Nguyên nhân gây thừa cân béo phì

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng cơ thể mà còn làm tăng nguy cơ bệnh tật và vấn đề sức khỏe.

Béo phì là một bệnh phức tạp và mãn tính với nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do sự mất cân bằng dinh dưỡng, khi các chất dinh dưỡng được nạp vào quá nhiều mà sự tiêu hao năng lượng lại quá ít.

  • Năng lượng VÀO là lượng calo mà bạn thu được từ thức ăn và đồ uống.
  • Năng lượng RA là năng lượng mà cơ thể sử dụng để thở, tiêu hóa và các hoạt động thể lực.

Bởi vậy một chế độ ăn giàu chất béo và lối sống lười vận động khiến lượng mỡ tích lũy trong cơ thể ngày một nhiều, phát triển dần dần căn bệnh béo phì.

Ngoài ra một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ béo phì như:

  • Di truyền
  • Rối loạn hoocmon tuổi dậy thì
  • Lối sống gia đình
  • Mắc một số bệnh về sức khỏe
  • Thiếu ngủ
  • Tuổi tác

Ngay cả khi bạn có một hoặc nhiều yếu tố rủi ro này, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ béo phì. Bạn hoàn toàn có thể chống lại hầu hết các yếu tố rủi ro thông qua chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.

Các biện pháp chẩn đoán béo phì

Để chẩn đoán béo phì, bác sĩ thường sẽ thực hiện một số kiểm tra bao gồm:

  • Kiểm tra sức khỏe của bạn: Một bài kiểm tra thể chất nói chung. Điều này bao gồm đo chiều cao của bạn,nhịp tim, huyết áp. Ngoài ra các thói quen về ăn uống, hoạt động thể dục sẽ được bác sĩ hỏi đến. Bác sĩ cũng có thể xem xét lịch sử sức khỏe của bạn và gia đình để xem liệu bạn có bị béo phì bởi các yếu tố di truyền hay bệnh lí nền không.

Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành hai phương pháp phổ biến nhất để đánh giá trọng lượng và đo lường rủi ro sức khỏe liên quan đến cân nặng của bạn là:

  • Chỉ số BMI: Chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể được dùng để xác định bạn có thừa cân béo phì hay không. Chỉ số này tính bằng công thức cân nặng(kg) chia cho bình phương chiều cao(m). Chỉ số BMI trên 25 cho thấy bạn đã bị béo phì. Sức khỏe của bạn có thể gặp nguy hiểm nếu bạn không giảm cân.
  • Chỉ số WHR: tỷ lệ vòng eo/mông có tác dụng đánh giá sự phân bố mỡ trên cơ thể được tính bằng công thức số đo chu vi vòng eo (cm) chia cho số đo chu vi mông (cm). Trong đó, những người lưu trữ nhiều chất béo ở vùng bụng và eo có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch cao hơn so với những người tích tụ nhiều mỡ ở đùi và mông.

Thu thập tất cả các thông tin này giúp bác sĩ xác định xem bạn có béo phì hay không hay yếu tố nào làm tăng nguy cơ béo phì ở bạn.

Phân loại cấp độ béo phì

Béo phì được phân loại bằng cách sử dụng chỉ số cơ thể BMI. Dưới đây là bảng phân loại mức độ thiếu cân, bình thường, thừa cân hay béo phì của một người. Bảng có 2 thang phân loại: Thang phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO) dành cho người châu Âu và thang phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO) được áp dụng cho người châu Á.

Theo đó, dựa vào thang BMI, cân nặng lý tưởng của người Việt Nam là từ 18,5 đến 22,9. Các dấu hiệu thừa cân bắt đầu xảy ra khi BMI của bạn lớn hơn 23, lúc này bạn nên bắt đầu quan tâm đến cân nặng và cần đưa cân nặng của bạn về mức an toàn. Khi BMI trên 25 tức là bạn đã béo phì, điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Tùy vào nguyên nhân béo phì và cấp độ béo phì, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên bạn cần giảm bao nhiêu cân. Kết hợp thêm các xét nghiệm về tình trạng sức khỏe của bản thân để quyết định lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhằm đem lại hiệu quả lâu dài.

Các phương pháp điều trị thừa cân béo phì

Điều trị thành công bệnh béo phì bao gồm sự kết hợp của điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng hoạt động thể chất theo thời gian. Ngoài ra bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc theo toa hoặc phẫu thuật nếu tình trạng béo phì của bạn ở mức nghiêm trọng.

Nguyên tắc điều trị béo phì

  • Bệnh nhân cần phải kiên trì điều trị lâu dài, phối hợp nhiều phương pháp;
  • Phải điều trị tích cực khi có tăng huyết áp, suy tim…;
  • Điều trị béo phì là phải giảm được cân một cách từ từ đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Điều chỉnh chế độ ăn

Nguyên nhân chính dẫn tới thừa cân béo phì là do chế độ ăn uống chưa hợp lí. Khi một người tiêu thụ nhiều calo hơn mức sử dụng, cơ thể họ sẽ dự trữ thêm lượng calo dưới dạng chất béo. Điều này có thể dẫn đến trọng lượng dư thừa và béo phì.Do đó, điều chỉnh chế độ ăn là phương pháp đầu tiên mà người béo phì nên nghĩ đến trong quá trình giảm cân.

Để giảm cân thành công thì chế độ ăn chiếm 70%. Cụ thể, người béo phì muốn giảm cân cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng “ đủ dưỡng chất nhưng nghèo năng lượng ” (năng lượng nạp vào < năng lượng tiêu hao). Khi năng lượng đưa vào thấp hơn nhu cầu sử dụng thì năng lượng từ mỡ thừa sẽ được rút ra để tiêu dùng. Cơ chế này sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả.

Giảm nguồn năng lượng chất béo no có nhiều trong thịt mỡ, bơ, đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh,… và ưu tiên các chất béo tốt như omega 3,6,9 có trong cá biển, dầu thực vật… Tiết chế các chất bột đường như cơm, bánh mỳ, bắp… và thay thế bằng những thực phẩm hấp thu chậm, giàu chất xơ như gạo lức, bánh mỳ đen, ngũ cốc nguyên hạt… giúp no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn.

Trái cây chứa nhiều vitamin là thực phẩm quan trọng trong chế độ ăn giảm cân. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn thận khi lựa chọn trái cây: tránh những loại hoa quả có chỉ số đường cao (chôm chôm, nhãn, mít, chuối, dứa…), tăng cường trái cây ít ngọt, giàu chất xơ ( bưởi, thanh long, cam, mận, dâu, lệ…). Ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước.

Tăng cường vận động

Luyện tập thể chất là một phần quan trọng trong quản lý cân nặng dài hạn cho người béo phì.

  • Giảm lượng calo trong chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp bạn giảm cân, nhưng để duy trì cân nặng ở mức an toàn đòi hỏi phải tăng cường vận động để đốt cháy năng lượng. Luyện tập thể chất là một phần quan trọng trong quản lý cân nặng dài hạn cho người béo phì.
  • Bắt đầu một chương trình tập thể dục có thể đáng sợ nếu bạn béo phì. Bạn nên lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe, chú ý tập từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng. Các bài tập vận động có thể áp dụng như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe,… hay đơn giản là làm những công việc như: làm vườn, làm việc nhà hay sử dụng cầu thang thay vì thang máy,… cũng giúp đốt cháy calo.
  • Thời gian vận động cũng tùy thuộc vào mức độ bài tập của bạn. Đối với các bài tập cường độ nhẹ, bạn nên dành thời gian tối thiếu 45 phút mỗi ngày cho đến 150 phút/tuần. Các bài tập với cường độ từ trung bình đến nặng chỉ cần tập 30 phút mỗi ngày và duy trì 75phút/tuần. Tập xen kẽ các bài tập nặng và nhẹ, ví dụ 5 buổi với bài tập nhẹ và 2 buổi còn lại tập nặng. Điều này vừa giúp giảm cân hiệu quả và nâng cao khả năng thích ứng của bản thân.
  • Lượng calo được đốt cháy tùy thuộc vào loại bài tập, thời gian và cường độ của hoạt động. Tập càng nhiều thì đốt cháy càng nhiều calo. Tuy nhiên không phải vì thế mà chọn cách luyện tập quá sức khiến cơ thể kiệt sức. Đặc biệt đối với những người không quen tập thể dục hoặc gặp khó khăn vận động do các vấn đề về sức khỏe nên gặp chuyên gia y tế để có một chế độ luyện tập riêng.

Thuốc giảm cân

Thuốc giảm cân phải được kê toa bởi bác sĩ, người người có kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc và hiểu rõ nguy cơ của các tác dụng phụ.

Giảm cân đòi hỏi một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp tập thể dục thường xuyên. Nhưng trong một số trường hợp, thuốc giảm cân cũng có thể hỗ trợ quá trình giảm cân của bạn. Tuy nhiên, không được vì thế mà lạm dụng thuốc giảm cân quá độ.

Hiện nay, trên thị trường tràn lan các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không được sử dụng bừa bãi. Thuốc giảm cân phải được kê toa bởi bác sĩ, họ thường chỉ làm điều này nếu các chương trình ăn kiêng và tập thể dục khác không hiệu quả với bạn và bạn phải đáp ứng một trong những tiêu chí sau:

  • Chỉ số BMI là 30 hoặc cao hơn
  • Chỉ số BMI > 27 kèm theo bệnh lí nền như tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.

Trước khi kê thuốc cho bạn, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử sức khỏe của bạn, cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra. Một số loại thuốc giảm cân không thể được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai, những người đang dùng một số loại thuốc khác hoặc có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng không thể dùng thuốc.

Các loại thuốc hô trợ giảm cân được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt bao gồm:

  • Orlistat (Alli, Xenical)
  • Phentermine và topiramate (Qsymia)
  • Bupropion và naltrexone (Contrave)
  • Liraglutide (Saxenda, Victoza)

Thuốc giảm cân có vai trò kiềm chế sự thèm ăn của bạn từ đó giúp bạn tuân thủ chế độ ăn ít calo. Tuy nhiên thuốc giảm cân có thể không hiệu quả với tất cả mọi người, và tác dụng có thể suy yếu dần theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc giảm khoảng 10% trọng lượng thừa của họ sau 6-8 tháng. Nhưng khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc, thường xảy ra tình trạng tăng cân hoặc tăng nhiều hơn so với trước khi giảm.

Thuốc là một phần quan trọng của quá trình điều trị bệnh béo phì nhưng thuốc giảm cân có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm các triệu chứng về đường tiêu hóa (đầy hơi,táo bón), hô hấp, tăng huyết áp… Chúng tôi khuyên bạn nên đến một chuyên gia chăm sóc sức khỏe được chứng nhận, người có kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc và hiểu rõ nguy cơ của các tác dụng phụ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật giảm cân là phẫu thuật loại bỏ hoặc thay đổi một phần dạ dày hoặc ruột non của một người để họ không tiêu thụ nhiều thực phẩm hoặc hấp thụ nhiều calo như trước đây.

Phẫu thuật giảm cân (còn được gọi là phẫu thuật barective) là phẫu thuật loại bỏ hoặc thay đổi một phần dạ dày hoặc ruột non của một người để họ không tiêu thụ nhiều thực phẩm hoặc hấp thụ nhiều calo như trước đây.

Biện pháp phẫu thuật chỉ để điều trị cho những người bị béo phì nặng, đáp ứng tất cả các tiêu chí sau:

  • Chỉ số BMI từ 40 trở lên.
  • Chỉ số BMI từ 35 đến 39,9 kèm theo bệnh lí nền mà chỉ có thể được cải thiện sau khi phẫu thuật, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2, huyết áp cao, chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Người đã thực hiện tất cả các biện pháp giảm cân nhưng đều không hiệu quả.
  • Người đủ khỏe để gây mê và phẫu thuật.

Phẫu thuật có tác dụng giúp giảm từ 35% trọng lượng cơ thể trở lên đồng thời cũng giảm nguy cơ huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và các khía cạnh khác của hội chứng chuyển hóa có thể xảy ra với bệnh béo phì. Phẫu thuật giảm cân phổ biến bao gồm:

  • Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống: Kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất (chiếm 50%). Bác sĩ sẽ cắt bỏ khoảng 80% dạ dày và tạo ra một dạ dày hình ống. Sau khi thực hiện, người bệnh sẽ cảm giác ít đói hơn và nhanh no hơn sau khi ăn.
  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày kiểu Roux – Y: Kỹ thuật được sử dụng nhiều thứ hai (chiếm khoảng 40%). Bác sĩ sẽ tạo một túi dạ dày nhỏ hơn bằng cách nối tắt qua một phần lớn dạ dày xuống ruột non giúp người bệnh mau no hơn và giảm hấp thu chất khoáng.
  • Phẫu thuật thắt đai dạ dày: Kỹ thuật này ít được sử dụng (chiếm khoảng 7%) vì khả năng giảm cân ít hơn. Bác sĩ thắt một đai quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ phía trên đai, nhờ đó dạ dày sẽ được làm đầy nhanh hơn khi ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn.
  • Phẫu thuật chuyển dòng mật tuỵ: Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày giống với phẫu thuật tạo dạ dày hình ống. Chuyển dòng mật tụy nghĩa là chuyển dòng ruột và cắt bỏ túi mật. Hiệu quả của phương pháp này cũng tương tự như những phương pháp trên, bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn và cơ thể hấp thụ ít lượng calo hơn bình thường.

Có thể nói, phẫu thuật là phương pháp hiệu quả đối với người béo phì cấp độ nặng. Xong, phương pháp này thường để lại các biến chứng như suy dinh dưỡng bởi dạ dày bị thu nhỏ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin hoặc rò rỏ dạ dày, nhiễm trùng vết mổ. Do đó người bệnh phải thực hiện một chế độ ăn uống nghiêm khắc hơn sau khi thực hiện phẫu thuật kết hợp thời gian lưu viện và phục hồi lâu hơn.

Phẫu thuật không được áp dụng cho trẻ em trước tuổi vị thành niên, người đang mang thai hoặc cho con bú, những người có dự định mang thai sau 2 năm phẫu thuật, bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt, bệnh nhân bị rối loạn ăn uống mà chưa được giải quyết, …

Phòng ngừa béo phì quay lại như thế nào?

Giảm cân thành công không có nghĩa là bạn sẽ không bị béo phì trở lại. Nguy cơ tăng cân trở lại là rất lớn nếu bạn không từ bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng đến cân nặng của mình. Dưới đây là một vài thay đổi lối sống bạn có thể thêm vào thói quen hàng ngày theo thời gian giúp phòng ngừa nguy cơ béo phì trở lại:

  • Đặt mục tiêu giảm cân từ từ, không được nôn nóng.
  • Giữ cho tủ lạnh luôn có trái cây, rau xanh và đồ văn nhẹ lành mạnh.
  • Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng.
  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ, hạn chế mua đồ ăn nhanh.
  • Ăn chậm, nhai kỹ.
  • Không nên ăn khi đang xem TV.
  • Luyện tập thể dục đều đặc để giữ cân.
  • Tăng cường các hoạt động hằng ngày như: đi bộ công viên, sử dụng thang bộ thay vì thang máy,…
  • Ngủ đủ giấc.
  • Uống nhiều nước.
  • Giảm mức độ căng thẳng.

Những thói quen trên có ảnh hưởng tích cực đến quản lý cân nặng của bạn. Không cần phải thực hiện tất cả những thay đổi này cùng một lúc. Thực hiện chỉ một vài trong số những thay đổi này có thể có tác động lớn đến cân nặng và sức khỏe tổng thể của bạn.

Tóm lại, thừa cân, béo phì có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Quá trình giảm cân không bao giờ dễ dàng, đặc biệt là khi bạn thừa cân béo phì. Cách lý tưởng để điều trị béo phì là kết hợp chế độ ăn uống với hoạt động thể chất. Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng thuốc hoặc phẫu thuật nếu tình trạng béo phì của bạn nghiêm trọng hơn. Khi kết hợp các phương pháp điều trị bệnh béo phì một cách khoa học, quá trình giảm cân của bạn sẽ an toàn hơn.

Bài viết liên quan