Chỉ Số LDL Cholesterol Là Gì? Nguy Cơ Từ Chỉ Số LDL Cholesterol

Khi xét nghiệm mỡ máu, bạn sẽ gặp các chỉ số như Cholesterol toàn phần, LDL Cholesterol, HDL Cholesterol và Triglyceride. Trong đó, LDL cholesterol được coi là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. Và LDL cholesterol cũng được coi là mục tiêu điều trị chính trong gần như mọi chiến lược điều trị rối loạn mỡ máu. Vậy chỉ số LDL cholesterol là gì? Khi chỉ số LDL cholesterol cao hay thấp quá mức thì bạn sẽ gặp những nguy cơ nào?

LDL Cholesterol là gì?

Cholesterol là thành phần quan trọng của màng tế bào, đóng vai trò là chất chống oxy hóa não và được cơ thể sử dụng để tạo ra các hormone estrogen (hormone sinh dục nữ), progesterone (hormone kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể ) và testosterone (hormone sinh dục nam). Cholesterol còn tham gia vào quá trình tổng hợp acid mật.

Khoảng một nửa cholesterol được bài xuất trong phân sau khi được chuyển thành acid mật, phần còn lại được đào thải dưới dạng sterol trung tính: coprostanol – cholesterol.

Cholesterol không thể tan được trong máu nên được đưa tới các tế bào dưới dạng kết hợp với lipoprotein. Lipoprotein được phân tách thành 4 loại theo tỷ trọng, bắt đầu từ thành phần di chuyển xa nhất đến thành phần di chuyển chậm nhất là: HDL – Cholesterol, LDL – Cholesterol, VLDL – Cholesterol, Chylomicron.

LDL là lipoprotein mật độ thấp (low density lipoprotein cholesterol), có khoảng 25% là protein và 75 % lipid. LDL có vai trò vận chuyển cholesterol tới mô và tương tác với receptor – LDL trên màng tế bào, sau đó được vận chuyển vào trong tế bào. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng nó chuyên chở vào khoảng 70 % tổng lượng cholesterol trong huyết tương.

Sự điều hòa này theo cơ chế kiểm soát ngược, tránh cho tế bào không bị quá tải cholesterol và giữ được hàm lượng cholesterol trong tế bào hằng định.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó gây ra sự đột biến gen mã hóa receptor – LDL, hậu quả làm giảm lượng receptor dẫn đến tăng thời gian tồn lưu LDL trong huyết tương và dẫn đến tăng LDL trong máu.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng LDL còn là lipoprotein chính gây xơ vữa động mạch. Cholesterol trong LDL còn được gọi là cholesterol xấu.

Thông thường, ngoài sự thoái hóa cholesterol chủ yếu theo con đường receptor đặc hiệu, một phần nhỏ LDL còn được thoái hóa theo con đường kém đặc hiệu hơn, có sự tham gia của đại thực bào.

Khi nồng độ cholesterol trong máu tăng cao thì sự thoái hóa theo con đường này cũng tăng dần, dẫn tới sự ứ đọng cholesterol ở đại thực bào thành động mạch (gây ra các mảng xơ vữa), đại thực bào ở gân và da gây u vàng.

Gần đây phát hiện thấy nguồn gốc cholesterol ứ đọng ở đại thực bào trong các mảng xơ vữa là các LDL đã bị oxy hóa. Các đại thực bào thâu tóm LDL sẽ biến đổi thành các tế bào bọt.

Tế bào bọt này cũng có thể hình thành do sự thâu tóm các cục máu đông. Sự hình thành các tế bào bọt được coi là một trong những chặng đầu tiên hình thành bản xơ vữa động mạch.

HDL – Cholesterol, VLDL – Cholesterol, Chylomicron là gì?

Tiền beta – lipoprotein: VLDL – Cholesterol

VLDL – C có khoảng 12% protein và 88% lipid, chủ yếu là triglycerid nội sinh và một phần là cholesterol, do đó vai trò chính của VLDL là vận chuyển triglycerid nội sinh.

VLDL cũng tương tác với lipoprotein lipase để thủy phân bớt triglycerid làm cho kích thước VLDL giảm dần và được gọi là VLDL tồn dư hoặc IDL (lipoprotein có tỷ trọng trung gian). Khoảng một nửa số IDL được chuyển hóa ở gan, phần còn lại tiếp tục mất dần.

Alpha lipoprotein: HDL – Cholesterol

HDL có tỷ trọng cao hơn LDL, có tỷ lệ protein khoảng 50% và lipid khoảng 50 %. Lượng cholesterol trong HDL được gọi là cholesterol tốt, do cholesterol được HDL vận chuyển từ các tế bào ngoại vi về gan để đào thải ra ngoài bằng đường mật.

Chylomicron

Là những phần tử lipid chứa dưới 2% protein và ít nhất 85 % triglycerid, 5 – 10% phospholipid và 6- 9 % cholesterol. Chúng có vai trò vận chuyển triglycerid, cholesterol của thức ăn theo hệ thống bạch huyết vào đại tuần hoàn.

Chỉ số LDL Cholesterol trong máu nghĩa là gì?

Xét nghiệm máu có thể cho bạn biết chính xác chỉ số LDL Cholesterol, HDL Cholesterol và Cholesterol toàn phần trong máu là bao nhiêu. Kết quả xét nghiệm cũng thể hiện mức triglyceride, là dạng mỡ dự trữ chính ở các tổ chức mỡ dưới da. Mức triglyceride cao có thể khiến bạn dễ gặp vấn đề về tim.

Các chuyên gia khuyên bạn nên xét nghiệm mỡ máu cứ sau 4 đến 6 năm. Bạn có thể sẽ cần xét nghiệm thường xuyên hơn nếu bạn bị bệnh tim hoặc tiểu đường, hoặc gia đình bạn có bệnh cholesterol cao do di truyền.

Ý nghĩa chỉ số LDL Cholesterol trong máu

★ Mức bình thường: <100 mg/dL (100 – 129: gần đạt ngưỡng bình thường)

★ Mức ranh giới: 130 – 159 mg/dL

★ Mức nguy cơ cao: 160 – 189 mg/dL

★ Mức nguy cơ rất cao: ≥ 190 mg/dL

Nguy cơ từ chỉ số LDL Cholesterol cao

Trong các loại cholesterol thì loại cholesterol trong LDL được đánh giá là loại sinh ra xơ vữa động mạch nhiều nhất. Chủ yếu là do LDL nhỏ đậm đặc và do LDL bị oxy hóa tạo thành các tác nhân bất lợi hoặc do giảm receptor LDL dẫn đến tăng LDL trong máu. Nguy cơ gây xơ vữa động mạch được xác định khi nồng độ LDL – Cholesterol từ 100 mg/dl trở lên.

Nồng độ LDL cholesterol cao có thể khiến bạn dễ gặp các nguy cơ như:

  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh động mạch ngoại vi
  • Bệnh tim, bao gồm đau ngực và đau tim
  • Đột quỵ

Nếu bạn đang có chỉ số LDL Cholesterol cao, bác sĩ sẽ dựa trên đánh giá nguy cơ tim mạch toàn bộ để đưa ra chiến lược hạ thấp nó theo một tỷ lệ nhất định. Đánh giá nguy cơ tim mạch toàn bộ này dựa trên thang điểm SCORE, ước lượng nguy cơ trong vòng 10 năm sẽ bị một biến cố xơ vữa mạch máu có thể gây chết người đầu tiên, hoặc là cơn bệnh tim, bị đột quỵ hoặc là một bệnh động mạch tắc nghẽn khác, bao gồm cả chết đột ngột do tim.

Thang điểm SCORE dùng để đánh giá nguy cơ tim mạch trên người khỏe mạnh không có triệu chứng lâm sàng. Thang điểm SCORE không dùng cho người có bệnh lý tim mạch đã được chẩn đoán, mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 có tổn thương cơ quan đích, bệnh thận mạn tính hoặc có những yếu tố nguy cơ riêng lẻ nặng vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ tim mạch toàn bộ rất cao và cần được điều trị tích cực mọi yếu tố nguy cơ.

Bảng điểm SCORE low risk: nguy cơ tử vong 10 năm do bệnh tim mạch

LDL – C được coi là mục tiêu điều trị chính trong gần như mọi chiến lược điều trị rối loạn mỡ máu, cholesterol cao.

✔ Ở những bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị bệnh tim mạch thì mức LDL – Cholesterol mục tiêu là < 1,8 mmol/L (<70 mg/dL) và/hoặc LDL – Cholesterol giảm được ≥ 50 % nếu không thể đạt được mục tiêu trên.

✔ Ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch thì mục tiêu điều trị cần đạt được là LDL – Cholesterol <2,5 mmol/L (<100 mg/dL).

✔ Ở những bệnh nhân có nguy cơ trung bình bị bệnh tim mạch thì cần coi mục tiêu điều trị là LDL – Cholesterol <3,0 mmol/L (< 115 mg/dL).

Nguy cơ từ chỉ số LDL Cholesterol cao thấp

LDL-Cholesterol càng thấp càng tốt dường như là suy nghĩ của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên, việc hạ thấp LDL bao xa vẫn còn gây tranh cãi. LDL có vai trò là cung cấp lipid cho mọi tế bào trong cơ thể, sẽ ra sao nếu chỉ số này quá thấp?

Nồng độ LDL thấp mãn tính có thể làm giảm hoạt động của não và nội tiết tố, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hạ beta lipoprotein máu (loại bệnh cản trở sự hấp thu chất béo và các vitamin có trong chất béo của cơ thể do sự thiếu hụt beta-lipoprotein và sự bất thường của tế bào hồng cầu hoặc sự bất thường của mức độ cholesterol), một tình trạng liên quan đến trầm cảm, xơ gan, sinh non, đột quỵ, xuất huyết và một số loại ung thư.

Các nghiên cứu kiểm tra nguy cơ của mức độ LDL Cholesterol thấp đã tìm thấy kết quả hỗn hợp, với một số chứng minh mối liên quan giữa mức độ LDL Cholesterol thấp và tăng nguy cơ xuất huyết nội sọ. Trong khi cholesterol lipoprotein mật độ cao HDL Cholesterol và triglyceride không liên quan đến xuất huyết nội sọ. Nghiên cứu này cùng với nhiều công trình khác đặt câu hỏi về sự an toàn của việc giảm LDL Cholesterol xuống càng thấp càng tốt.

Một số nghiên cứu khác đã làm dấy lên mối lo ngại rằng việc giảm LDL quá thấp có thể gây trở ngại cho các chức năng tế bào bình thường, đặc biệt là ở các cơ quan có nồng độ lipid cao hơn, chẳng hạn như não và cơ quan sinh sản.

Các nhà nghiên cứu cho rằng vì cholesterol có liên quan đến việc tạo ra hormone và vitamin D, mức độ thấp có thể ảnh hưởng đến não của bạn. Vitamin D rất quan trọng cho sự phát triển của tế bào. Nếu các tế bào não không khỏe mạnh, bạn có thể cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm.

Chúng ta cũng biết rằng LDL thấp cũng có liên quan đến sự rối loạn của protein được gọi là yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-a), tình trạng có thể liên quan đến ung thư, trầm cảm nặng và bệnh Alzheimer.

Mức LDL thấp bất thường trong thai kỳ có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, ít nhất là có liên quan, gây ra sinh non hoặc bé có cân nặng thấp khi sinh.

Các hướng dẫn hiện hành được phát triển bởi các tổ chức y tế trên thế giới khuyên bạn nên hạ mức LDL xuống khoảng 70 miligam mỗi deciliter (mg / dL) ở những người có nguy cơ bệnh tim mạch cao. Nếu thấp hơn chỉ số này thì sức khỏe có thể gặp bất lợi.

Thay đổi lối sống nào sẽ có hiệu quả để giảm LDL cholesterol cao?

Mặc dù nhiều loại thuốc cholesterol có thể làm giảm mức LDL ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên các bác sĩ đều khuyên bạn nên thay đổi lối sống để xem mức LDL có thể giảm hay không, trước khi cần dùng đến thuốc.

Giảm cân và điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh

Mỗi người đều có thể tự xây dựng một thực đơn giảm cân cho riêng mình tùy thuộc vào sở thích, tình trạng sức khỏe, sự thuận tiện cho bản thân.

Thừa cân hoặc béo phì không chỉ khiến bạn có nguy cơ phát triển mức LDL cholesterol cao, nó còn có thể góp phần gây ra bệnh tim và các tình trạng bệnh lý mãn tính khác. Nhiều nghiên cứu cho kết quả rằng dù chỉ giảm một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm mức LDL của bạn.

Mặt khác, bạn cần ăn đúng loại thực phẩm để giúp ích cho sức khỏe tim mạch của mình. Thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan và phytosterol (chất béo thực vật), cũng như chất béo lành mạnh như dầu ô liu, đã được chứng minh là hữu ích trong việc giảm LDL cholesterol.

Theo hướng dẫn từ Viện Tim Phổi và Huyết học Quốc gia Hoa Kỳ (National Heart, Lung and Blood Institute) bạn có thể giảm 20-30% mức LDL cholesterol của bạn với một vài thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống như sau:

  • Tiêu thụ ít hơn 7% lượng calo từ chất béo bão hòa có thể làm giảm 8-10% chỉ số LDL.
  • Giảm lượng cholesterol hàng ngày xuống dưới 200mg có thể làm giảm chỉ số LDL xuống 5-8%.
  • Giảm khoảng 4,5kg có thể hạ từ 5% đến 8% chỉ số LDL.
  • Thêm 5 đến 10 gram chất xơ hòa tan vào thực đơn mỗi ngày có thể làm giảm mức LDL xuống 3-5%.
  • Thêm 2 gram chất béo thực vật mỗi ngày có thể làm giảm 5-15% chỉ số LDL. Các thực phẩm đó bao gồm dầu thực vật chưa tinh chế, các loại hạt, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

Tăng hoạt động thể chất

Tập thể dục không chỉ tốt cho việc giảm cân, mà còn giúp giảm mức cholesterol của bạn, đặc biệt là LDL cholesterol. Các bài tập như aerobic, chạy bộ, đạp xe, bơi lội giúp giảm mức LDL cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiệu quả.

Các hình thức tập thể dục khác, chẳng hạn như yoga, đi bộ và các môn chịu sức nặng (weight bearing exercises) cũng đã được chứng minh là làm giảm chỉ số LDL, nhưng ở mức khiêm tốn hơn.

Ngừng hút thuốc lá

Một hóa chất có trong thuốc lá có tên là acrolein ngăn chặn “cholesterol tốt” (HDL) vận chuyển “cholesterol xấu” (LDL) đến gan, dẫn đến nồng độ cholesterol cao và thu hẹp động mạch ( xơ vữa động mạch ). Điều này có nghĩa là hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính cho cả đau tim và đột quỵ .

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức cholesterol sẽ giảm ngay khi bạn ngừng hút thuốc. Sau mỗi tháng khi bỏ thuốc, nồng độ LDL tiếp tục giảm.

Giảm bia rượu

Mức sử dụng rượu vừa phải là một ly mỗi ngày cho phụ nữ và một đến hai ly mỗi ngày cho nam giới. Một khẩu phần rượu thông thường là 355ml bia hoặc 148ml rượu vang. Các nghiên cứu chỉ ra rằng uống nhiều hơn ba ly rượu mỗi ngày thực sự có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tim từ việc tăng cholesterol.

Gọi ngay tới tổng đài miễn cước 1800 1591 hoặc kết nối Zalo 0339129576 để được TS.BS Bùi Nguyên Kiểm và các dược sĩ chuyên môn tư vấn về tình trạng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch bạn đang gặp phải.

Thuốc điều trị LDL Cholesterol cao

Nếu việc thay đổi lối sống và chế độ ăn không đưa được các chỉ số lipid máu về ngưỡng mục tiêu thì khi đó bệnh nhân cần phải sử dụng thêm các thuốc điều trị rối loạn lipid máu để đạt được mục tiêu điều trị.

Các nhóm thuốc hay được sử dụng trong điều trị LDL Cholesterol gồm có:

Statin

Statin là nhóm thuốc được khuyến cáo như là chọn lựa đầu tiên trong việc giảm lipoprotein cholesterol thấp (LDL-C).

Tác dụng không mong muốn của statin là gây độc với gan, làm tăng enzym gan, do đó khi sử dụng statin bệnh nhân cần được kiểm tra định kỳ chức năng gan và nếu nồng độ các enzym gan cao hơn 3 lần mức giới hạn bình thường thì không sử dụng statin trong điều trị.

Các renins gắn với acid mật

Các thuốc gắn với acid mật bao gồm cholestyramin và colestipol thông qua việc trao đổi resins, làm ức chế khả năng gắn hấp thu các chất béo theo đường tiêu hóa, đồng thời làm tăng chuyển hóa cholesterol trong gan và làm tăng hoạt tính của receptor LDL trên bề mặt tế bào gan do đó làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Thuốc chủ yếu gây tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đầy bụng khó tiêu, tác dụng này thường gặp ngay cả khi sử dụng với mức liều thấp.

Thuốc ức chế hấp thu cholesterol

Ezetimib là thuốc ức chế sự hấp thu các chất béo, cholesterol ở ruột đầu tiên không gây ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất dinh dưỡng tan trong dầu khác.

Acid nicotinic

Acid nicotinic tác dụng rộng lên hầu hết các chỉ số lipid máu, thuốc làm tăng nồng độ HDL – C, làm giảm nồng độ LDL – C, TG. Acid nicotinic được sử dụng trong điều trị chứng rối loạn lipid máu dạng hỗn hợp. Thuốc có thể được sử dụng kết hợp với các statins.

Các fibrates

Các fibrates bao gồm emfibrozil, clofibrate và fenofibrate có tác dụng ức chế quá trình sinh tổng hợp triglycerid ở gan, làm giảm các lipoprotein tỷ trọng thấp (VLDL, LDL), giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Fibrates có thể gây ra các tác dụng không mong muốn khác như gây viêm tụy, làm tăng men gan, giảm tiểu cầu, gây rối loạn đông máu và viêm cơ, nhược cơ. Nguy cơ gặp các biến chứng ở cơ sẽ tăng lên khi sử dụng phối hợp fibrates với statins.

Acid béo omega- 3

Các acid béo omega- 3 như acid eicosapentaenoic (EPA) và acid docosahexaenoic (DHA) là các thành phần chứa trong dầu cá. Sử dụng liều cao có thể cải thiện mức độ triglyceride thấp hơn ở một số bệnh nhân.

Nhược điểm của các loại thuốc tân dược

Statin và fibrat đều gây ra tác dụng không mong muốn trên cơ, do đó khi phối hợp 2 thuốc nhóm này sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng không mong muốn này, đặc biệt khi sử dụng statin liều cao. Tác dụng trên cơ cũng tăng lên nhiều lần khi sử dụng phối hợp gemfibrozil với statin.

Bài viết liên quan