Xơ Vữa Tĩnh Mạch: Nguyên Nhân Hình Thành Và Cách Phòng Ngừa

Vì sao thường nghe nói xơ vữa động mạch chứ không nghe nói xơ vữa tĩnh mạch? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Xơ vữa hình thành như thế nào?

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây nên thiếu máu cục bộ cơ tim, các cơn đột qụy do thiếu máu cục bộ não (nhồi máu não), bệnh mạch máu ngoại biên, phình động mạch chủ bụng…

Xơ vữa bắt đầu quá trình hình thành khi các tế bào nội mạc động mạch bị tổn thương, mất chức năng bảo vệ thành mạch. Một số nguyên nhân gây tổn thương tế bào nội mạc có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như:

  • bệnh tăng huyết áp,
  • thuốc lá,
  • một số thuốc và hóa chất,
  • thức ăn,
  • rối loạn lipid máu (mỡ máu),
  • nhiễm khuẩn và virút,
  • các yếu tố miễn dịch…

Khi bị tổn thương, các tế bào nội mạc tại chỗ mất khả năng tiết ra prostacyclin. Tiểu cầu lập tức tách ra khỏi dòng máu để tập trung vào chỗ tổn thương và kết dính lại, phóng thích ra nhiều chất trong đó có yếu tố tăng trưởng.

Yếu tố tăng trưởng kích thích tế bào cơ trơn ở lớp trung mạc di chuyển ra lớp nội mạc và phát triển mạnh tại đó. Các bạch cầu đơn nhân có trong máu cũng đến ngay chỗ tổn thương và được chuyển dạng thành đại thực bào. Các đại thực bào này “tiêu thụ” các LDL-Cholesterol (Cholesterol xấu) và trở thành các “tế bào bọt” tích đầy mỡ.

Đến khi quá tải, các tế bào bọt đầy mỡ này bị vỡ và đổ cholesterol ra ngoài, làm cho lớp dưới nội mạc dày lên, tạo nên các vạch lipid hay các mảng xơ vữa đặc trưng của bệnh.

Xơ vữa động mạch có thể phát triển thành biến chứng gì?

Xơ vữa nếu hình thành ở động mạch của các cơ quan quan trọng là tim, não, động mạch chủ (tay, chân, thận, ruột…) sẽ gây ra tắc nghẽn hoặc phình động mạch, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

★Tắc, hẹp động mạch vành (động mạch cung cấp máu giàu oxy nuôi trái tim) dẫn đến bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…

★Tắc, hẹp động mạch cảnh (động mạch cung cấp máu giàu oxy lên não) dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ).

★Tắc hẹp động mạch ngoại biên (động mạch cung cấp máu đi tay, chân) gây thiếu máu tay chân, nếu nặng và mạn tính phải cắt cụt chi, gây tàn phế cho người bệnh.

★Tắc, hẹp động mạch thận lâu dài dẫn đến suy thận.

★Tắc, hẹp động mạch nuôi ruộtgây hoại tử ruột.

Tại sao xơ vữa có thể gặp ở bất kì động mạch nào nhưng lại không gặp ở tĩnh mạch?

Áp lực dòng chảy trong động mạch thì cao. Áp lực cao này gây tác động lên lớp nội mạc lót trong lòng mạch máu, tạo điều kiện cho cholesterol tích tụ lên thành mạch dễ dàng hơn. Trong khi đó, áp lực trong lòng tĩnh mạch thấp nên khó hình thành mảng bám xơ vữa.

Vì vậy, xơ vữa thường chỉ xảy ra ở các động mạch lớn và vừa, không xảy ra ở các động mạch có áp lực thấp như động mạch phổi, hay ở các động mạch nhỏ và tĩnh mạch.

Một ví dụ minh chứng cho nguyên nhân áp lực dòng chảy là phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Khi một đoạn tĩnh mạch được ghép thay thế chức năng của một động mạch và tham gia vào vai trò dẫn máu như của động mạch thì vẫn có thể bị xơ vữa như các động mạch khác.

Tĩnh mạch vẫn có thể bị tắc do huyết khối

Tuy khó hình thành mảng xơ vữa ở tĩnh mạch, nhưng tình trạng thuyên tắc vẫn có thể xảy ra ở tĩnh mạch do huyết khối – cục máu đông. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ngăn máu từ tĩnh mạch quay trở lại tim. Hậu quả là tuần hoàn bị ứ trệ, dẫn đến đau và sưng.

Có 3 loại tĩnh mạch:

  • tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da,
  • tĩnh mạch sâu nằm giữa các bắp cơ,
  • tĩnh mạch xuyên nối các tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu bằng các van một chiều.

Biểu hiện phổ biến nhất của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi có một cục máu đông hình thành trong lòng các tĩnh mạch sâu ở đùi, cẳng chân, khoeo chân, tĩnh mạch chậu. Bệnh thường xảy ra ở:

  • những bệnh nhân lớn tuổi nằm liệt giường,
  • bệnh nhân sau phẫu thuật không thể cử động trong một thời gian dài,
  • bệnh nhân vừa trải qua một cuộc đại phẫu, hay phẫu thuật chỉnh hình.
  • bệnh nhân có bệnh đông máu bất thường.

Huyết khối tĩnh mạch sâu khác với huyết khối tĩnh mạch nông hình thành trong các tĩnh mạch ngay dưới da. Huyết khối tĩnh mạch nông không thường di chuyển đến phổi và có thể được điều trị bằng thuốc, nghỉ ngơi tại giường và chườm ấm. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng khác với các cục máu đông xảy ra trong động mạch, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim tim hoặc đột quỵ.

BIến chứng nghiêm trọng nhất của huyết khối tĩnh mạch sâu là thuyên tắc động mạch phổi, gây nhồi máu phổi. Hiện tượng này xảy ra khi cục máu đông (hay một mảnh của nó) bong ra, di chuyển đến phổi và gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu phổi. Thuyên tắc phổi là bệnh lý rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong rất cao.

Nguyên nhân hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu

Khác với quá trình hình thành mảng xơ vữa ở động mạch, huyết khối hình thành khi chức năng đông máu ở tĩnh mạch sâu bị rối loạn. Khi một huyết khối nhỏ hình thành ở tĩnh mạch, nó sẽ gây ra phản ứng viêm và kích thích tạo thêm các huyết khối mới.

Nguy cơ hình thành huyết khối tăng khi lưu lượng máu ở tĩnh mạch giảm, hoặc ứ trệ tuần hoàn ở tĩnh mạch chi dưới. Bệnh thường gặp ở những người không thể cử động chân tay trong một thời gian dài. Máu càng ứ đọng trong tĩnh mạch, huyết khối càng dễ hình thành.

Các yếu tố nguy cơ chính của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

★Mới phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật chỉnh hình

★Chấn thương: cột sống, tủy sống, chi dưới

★Bất động: suy tim, đột quỵ…

★Ung thư

★Có thai

★Điều trị Hormone thay thế, hoặc thuốc tránh thai chứa Oestrogen

★Hội chứng thận hư

★Hội chứng kháng Phospholipid

★Bệnh lý viêm ruột

★Tiền sử huyết khối tĩnh mạch/ nhồi máu cơ tim/ đột quỵ/ suy tim ứ huyết

★Di truyền: Thiếu hụt Protein C/ Protein S/ Antithrombin III/ đột biến yếu tố V Leyden/ đột biến gen Prothrombin G20210A

Các yếu tố tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch ở thân trên

★Đặt catheter ở tĩnh mạch cánh tay. Catheter có thể gây kích ứng thành tĩnh mạch và khiến hình thành huyết khối.

★Đặt máy tạo nhịp hoặc máy khử rung tim.

★Ung thư phát triển gần tĩnh mạch

★Vận động bằng tay liên tục với cường độ rất nặng (thường gặp ở các cầu thù cử tạ, bơi lội, bóng chày…)

Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch

✔ Bệnh nhân sau trải qua phẫu thuật hoặc phải điều trị các bệnh nặng dài ngày nên được vận động, rời giường nằm càng sớm càng tốt.

✔ Đối với những người làm việc trong điều kiện phải đứng, ngồi lâu (giáo viên, tài xế, thợ may…) hay những người đi tàu xe, máy bay thời gian lâu thì nên vận động, tập thể dục tại chỗ bằng cách nâng và hạ thấp gót chân.

✔ Kê cao chân khi nằm ngủ

✔ Tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng khỏe mạnh

✔ Uống nhiều nước

✔ Không hút thuốc

✔ Có ý thức phòng và điều trị sớm bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu là điều cần thiết. Nếu để xảy ra biến chứng nghiêm trọng bệnh nhân là thuyên tắc mạch phổi, đe dọa đến tính mạng thì cần phải phẫu thuật sớm.

Xơ vữa tĩnh mạch tuy là bệnh khó có nguy cơ mắc phải, nhưng tình trạng tắc hẹp tĩnh mạch vẫn có nguy cơ cao xảy ra từ bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là nhồi máu phổi, có nguy cơ tử vong cao. Vì thế các bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ mắc bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm nguy cơ biến chứng.

Bài viết liên quan